tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cảnh báo từ thâm hụt thương mại

  • Cập nhật : 08/10/2015

(Tin kinh te)

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng ANZ cách đây ít lâu nhận định, cần cảnh giác với thâm hụt thương mại vì một số tác động tiêu cực cũng có thể phát tác, nhất là khi thâm hụt xảy ra do nhập khẩu hàng tiêu dùng dẫn dắt.

Mặc dù tỏ ra lạc quan trong nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay và các năm tiếp theo, nhưng báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB công bố hôm 5/10 vừa qua cũng đã đồng thời đưa ra cảnh báo đáng chú ý về thâm hụt thương mại đang gia tăng.

Các số liệu chính thức từ cơ quan hải quan và thống kê cho thấy, xuất khẩu trên đà suy giảm tăng trưởng, trong khi nhập khẩu cải thiện, đang khiến cho cán cân thương mại từ mức cân bằng năm 2013, thặng dư khoảng 2,4 tỷ USD năm 2014, đang chuyển sang thâm hụt gần 3,8 tỷ USD 9 tháng đầu năm nay.Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015, do xuất khẩu tăng trưởng chậm trong khi nhập khẩu tăng mạnh hơn do các hoạt động kinh tế trong nước tăng, WB nhận định.

xuat khau tren da suy giam tang truong, trong khi nhap khau cai thien

Xuất khẩu trên đà suy giảm tăng trưởng, trong khi nhập khẩu cải thiện

 

Đã qua giai đoạn thâm hụt thương mại hai con số, biểu hiện của trạng thái âm trong quan hệ xuất nhập khẩu với thế giới giai đoạn này chưa phải đến mức đáng báo động. Tuy nhiên, cho đến những tháng gần đây, nhiều nhận định rằng thâm hụt thương mại ở Việt Nam vốn là “thâm hụt tốt”, vì sự gia tăng mạnh của nhập khẩu chủ yếu là do nhập máy móc và thiết bị điện tử phục vụ sản xuất, lại đang có những thay đổi theo chiều hướng trái ngược.

Theo đánh giá của Khối Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC, mặc dù thâm hụt thương mại hiện nay chưa tới mức báo động, nhưng điều đáng lo là thâm hụt ấy được thúc đẩy bởi nhập khẩu tăng của khu vực DN trong nước. Theo phân tích của các chuyên gia WB, đối lập với các DN nước ngoài với phần nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất rồi xuất khẩu trở lại thì các DN trong nước chủ yếu nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo Vụ Thống kê thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng có biểu hiện tăng lên, dù tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu giảm đi.

WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 có thể đạt 6,2%, lạm phát 1,5%; trong khi tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhiều khả năng suy giảm xuống 6,5% (từ mức 6,8% năm 2014).

Trong một diễn biến liên quan, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có chiều hướng tăng trưởng tốt (9 tháng năm 2015 tăng 9,7% so với cùng kỳ). Ngược lại, lượng đơn hàng xuất khẩu có biểu hiện giảm.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho đến những tháng giữa năm vẫn liên tục ở trên mức 50 điểm và cho thấy sự gia tăng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, tình hình đang có những biến chuyển nhanh và có xu hướng tiêu cực hơn trong những tháng gần đây. PMI tháng 9 sụt giảm chỉ còn 49,5 điểm - lần đầu tiên sau 2 năm về mức dưới 50 điểm, với ghi nhận sụt giảm cả về sản lượng và đơn đặt hàng mới.

Cùng với đó, sự giảm sút của chỉ số phụ công ăn việc làm và sự suy giảm số lượng đơn hàng cũng phản ánh cái nhìn cẩn trọng của các nhà sản xuất. Xuất khẩu của Việt Nam dù vẫn giữ được ở mức tăng trưởng khá, nhưng nhìn lại cả quá trình vài năm qua cũng đang cho thấy sự chậm lại trong khi nhu cầu nội địa phục hồi.

Trong quá khứ, nguồn cơn chính của thâm hụt thương mại lớn là do tăng mạnh nhập khẩu của các DN trong nước, đặc biệt là các DN Nhà nước cùng với đó là tín dụng đầu tư và tiêu dùng cao đã gây áp lực cho tiền đồng và tạo ra thách thức lớn cho nền kinh tế.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng các rủi ro vĩ mô của Việt Nam không lớn do NHNN điều hành CSTT cẩn trọng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi sát thâm hụt thương mại để xem liệu kinh tế trong nước có bị rủi ro tăng trưởng quá nóng không”, HSBC cho hay.

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng ANZ cách đây ít lâu nhận định, cần cảnh giác với thâm hụt thương mại vì một số tác động tiêu cực cũng có thể phát tác, nhất là khi thâm hụt xảy ra do nhập khẩu hàng tiêu dùng dẫn dắt. “Điều này đặt ra yêu cầu phải theo dõi tình hình sát sao”, tổ chức này khuyến nghị.

Như vậy, dù nguy cơ rơi vào “đại” thâm hụt thương mại như trước đây khó xảy ra, nhưng rõ ràng theo những hàm ý từ các phân tích trên thì thâm hụt thương mại hiện nay cũng có thể hiểu không còn là “thâm hụt tốt” nữa.

Ở một góc nhìn khác, phía sau câu chuyện “xuất khẩu xuất sắc” của Việt Nam phần lớn là nhờ vào sự thúc đẩy của các DN FDI. Cố nhiên, đây không phải là điều gì xấu vì nó không chỉ đóng góp vào tăng trưởng chung mà còn đem lại cơ hội cho các DN trong nước trong tham gia khai thác và tận dụng hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế hiệu suất đáng thất vọng của các DN trong nước cho thấy quá trình này đang không xảy ra đủ nhanh và việc chuyển giao công nghệ từ các DN FDI cũng rất có vấn đề. Nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các DN trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị đang có, thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao.

“Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015 do xuất khẩu tăng trưởng chậm trong khi nhập khẩu tăng do các hoạt động kinh tế trong nước tăng. Nhưng lượng kiều hối mạnh sẽ giúp đảm bảo thặng dư cán cân thanh toán, tuy kém hơn nhiều so với năm ngoái”.
Theo WB

 

Đỗ Lê
Thời báo Ngân hàng

Trở về

Bài cùng chuyên mục