Giá dầu Mỹ tăng gần 2% sau phát biểu của chủ tịch Fed
Giá vàng giảm sau phát biểu của chủ tịch Fed
Indonesia tạm dừng xuất khẩu khoáng sản thô -Ảnh minh họa.
USD lên cao nhất 5 tuần, chứng khoán Mỹ đi ngang
Mỹ kêu gọi nối lại đàm phán TPP vào tuần tới
Top 10 sự kiện toàn cầu 'không thể quên' trong năm 2017
- Cập nhật : 31/12/2017
Căng thẳng Triều Tiên không ngừng leo thang; Chảo lửa Syria hạ nhiệt sau khi nhóm khủng bố IS bị tiêu diệt gần như hoàn toàn; Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố bất ngờ về Jerusalem là Top 10 sự kiện "không thể quên" năm 2017.
"Chảo lửa" Syria hạ nhiệt
"Chảo lửa" Syria đang có những dấu hiệu hạ nhiệt khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hơn 90% diện tích lãnh thổ Syria đã hoàn toàn sạch bóng lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Đây cũng là một phần lý do, trong chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ không quân Hmeynim ở Syria hồi tháng 12, Tổng thống Vladimir Putin đã hạ lệnh rút một phần lực lượng quân sự Nga về nước.
Hải quân Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria sau cáo buộc quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường.
Về phần mình, Mỹ khẳng định quân đội nước này sẽ vẫn hiện diện ở Syria nhằm ngăn chặn khả năng IS quay trở lại các khu vực đã được giải phóng.
Trước đó, vào ngày 7/4, từ khu vực biển phía đông Địa Trung Hải, hai tàu khu trục Mỹ USS Ross và USS Porter đã bất ngờ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk về phía căn cứ không quân Shayrat, nơi cả binh sĩ Syria và Nga đóng quân thuộc tỉnh Homs, miền trung Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây là đòn trừng phạt trước cáo buộc quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học tấn công thị trấn Khan Shaikhoun, tỉnh Idlib, khiến hơn 80 dân thường thiệt mạng.
Bán đảo Triều Tiên "nóng" nhất từ trước đến nay
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang sau các vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như những lời khẩu chiến đe dọa tấn công quân sự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cẳng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau những lời khẩu chiến đe dọa tấn công quân sự của lãnh đạo Mỹ - Triều.
Hôm 29/11, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwangsong-15. Đây là loại tên lửa có tầm bắn lớn nhất từ trước tới nay được Triều Tiên phóng thử nghiệm.
Theo giới chuyên gia, ICBM Hwangsong-15 có tầm bắn lên tới 13.000 km. Với tầm bắn này, toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trọn trong phạm vi tấn công của tên lửa Triều Tiên.
Ngoài việc Mỹ – Hàn tăng cường tập trận quy mô lớn để dằn mặt Triều Tiên, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc cũng đẩy mạnh diễn tập tại những khu vực nằm gần bán đảo Triều Tiên nhằm sẵn sàng đối phó trước bất cứ tình huống bất ngờ.
Dù phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn khẳng định phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa là “thanh gươm báu” để quốc gia này phòng thủ trước mọi nguy cơ tấn công từ bên ngoài.
"Rúng động" vụ sát hại Kim Jong-nam
Công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam đã tử vong sau khi bị hai phụ nữ đứng đằng sau chụp chiếc khăn tẩm chất độc thần kinh VX vào mặt ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13/2. Chỉ 20 phút sau, ông Kim Jong-nam đã qua đời mà chưa kịp tới bệnh viện.
Triều Tiên lên tiếng khẳng định công dân nước này thiệt mạng tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur có tên là Kim Chol. Đây là tên trong tấm hộ chiếu của nạn nhân chứ không phải là Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn yêu cầu chính quyền Malaysia trao trả thi thể người đàn ông này.
Hai nữ nghi phạm liên quan tới vụ việc là Siti Aisyah (25 tuổi) mang quốc tịch Indonesia và Đoàn Thị Hương (28 tuổi) mang quốc tịch Việt Nam đều khẳng định họ bị lừa và tin là đang tham gia một chương trình truyền hình tạo ra những tình huống bất ngờ không gây nguy hiểm cho người khác. Theo nghi phạm người Indonesia, cô được trả 90 USD để làm việc này.
Seoul và Washington thì cáo buộc Bình Nhưỡng là chủ mưu trong vụ mưu sát công dân Triều Tiên.
"Quả bom xịt" Catalonia
Chính quyền Catalonia cho biết khoảng 2,26 triệu người đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha hôm 1/10. 90% trong số đó đã bỏ phiếu tán thành. Số người tham gia nói trên chiếm khoảng 42,3% tổng số 5,34 triệu cử tri xứ Catalan.
Hàng trăm người đã bị thương khi cảnh sát chống bạo động xông vào khu vực bỏ phiếu, bắn đạn cao su để trấn át các cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã quyết định sa thải toàn bộ chính quyền vùng Catalonia và giành quyền kiểm soát chỉ vài giờ sau khi nghị viện Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập. Tòa án Tây Ban Nha cũng khẳng định tuyên bố độc lập của vùng Catalonia là bất hợp pháp.
Chiến dịch đòi độc lập cho vùng Catalonia đã khiến tình trạng chia cắt chính trị ở Tây Ban Nha thêm phần sâu sắc và trở thành cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại quốc gia này trong 40 năm qua cũng như kích động làn sóng phản đối Tây Ban Nha và xu hướng chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi.
Sau khi bị lật đổ, ông Carles Puigdemont, cựu Thủ hiến vùng Catalonia đã chạy đến Bỉ. Chính phủ Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã ông này khắp châu Âu.
Tuyên bố gây sốc về Jerusalem
Hôm 6/12, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố sẽ bắt đầu chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố này.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã làm thay đổi chính sách ngoại giao hàng thập niên của Mỹ. Bởi Mỹ từng nhấn mạnh tình trạng của Jerusalem cần được quyết định thông qua các cuộc đàm phán với Palestine, những người muốn Đông Jerusalem trở thành thủ đô cho đất nước tương lai của họ.
128 quốc gia đã đồng loạt phản đối Tổng thống Trump và bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Về phần mình, ông Trump đã đe dọa sẽ cắt đứt viện trợ tài chính cho bất kỳ quốc gia nào bỏ phiếu ủng hộ Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố của ông Trump về Jerusalem đã làm bùng phát các cuộc biểu tình thậm chí xung đột tại nhiều khu vực ở thành phố này và trong cộng đồng người hồi giáo trên khắp thế giới.
Tổng thống Zimbabwe bất ngờ bị phế truất
Tổng thống cầm quyền lâu năm của Zimbabwe là ông Robert Mugabe (93 tuổi) từng quyết tuyệt thực trong thời gian bị quân đội quản thúc tại gia.
Ông Mugabe, lãnh đạo Zimbabwe từ năm 1980, buộc phải từ chức sau khi quân đội ra tay can thiệp. Cuộc binh biến ở Zimbabwe bắt đầu từ cuối ngày 14/11, nguyên nhân được cho là do ông Mugabe sa thải ông Emmerson Mnangagwa, phó tổng thống khi đó, để dọn đường cho vợ, bà Grace, lên nắm quyền. Ông Mnangagwa sau một thời gian sống lưu vong ở Nam Phi đã về nước và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 24/11.
Theo thỏa thuận thương lượng với quân đội, sau khi từ chức, cựu tổng thống 93 tuổi và vợ sẽ nhận khoản tiền lên đến 10 triệu USD, được miễn trừ truy tố và được giữ toàn bộ tài sản.
Xả súng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ
Hôm 1/10, kẻ thủ ác 64 tuổi Stephen Paddock đã xả súng nhắm vào hàng loạt những người tham gia một lễ hội âm nhạc được tổ chức tại Las Vegas.
Stephen Paddock đã bắn từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay và sau đó tự sát. Trong quá trình điều tra, 23 vũ khí đã được tìm thấy trong phòng của nghi phạm.
Vụ tấn công của Paddock đã làm 59 người chết, và hơn 500 bị thương. Các nhà điều tra cũng cho biết, nghi phạm đã gắn thiết bị được gọi là "báng liên thanh" lên 12 khẩu súng trong phòng khách sạn. Vụ xả súng khiến các nhà lập pháp Mỹ cân nhắc thúc đẩy lệnh cấm báng liên thanh.
IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm trước vụ nổ súng đẫm máu và khẳng định Stenphen Paddock là thành viên của tổ chức này và mới chuyển sang đạo Hồi được mấy tháng nay. Tuy nhiên, Cục điều tra liên bang Mỹ FBI đã bác bỏ thông tin trên và cho biết, Paddock không liên quan tớí IS.
Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc
Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày 24/10. Hôm 25/10, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 của Trung Quốc đã chính thức ra mắt lần đầu tiên tại Đại lễ đường Nhân dân sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.
7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 ra mắt lần đầu tiên tại Đại lễ đường Nhân dân.
Danh sách 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 bao gồm ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Trong đó, ông Tập Cận Bình (64 tuổi) đã được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Một điểm đáng chú ý của Đại hội 19 Trung Quốc là số hãng thông tấn, phóng viên đưa tin, theo dõi sự kiện. Trung tâm báo chí của Đại hội, hơn 3.000 phóng viên Trung Quốc và nước ngoài có mặt tại Bắc Kinh để đưa tin về Đại hội (1181 phóng viên đến từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và các quốc gia khác), đặc biệt phóng viên quốc tế đến từ 134 nước (tăng 19.6% so với kì Đại hội trước).
Ông Putin tranh cử lần thứ tư
Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất ô tô Gorgy (GAZ) hôm 6/12, ông Putin tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Nga 2018.
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/3 năm tới. Mặc dù danh sách các ứng cử viên vẫn chưa được xác định đầy đủ, song tính đến thời điểm hiện tại đã có một số người tuyên bố sẽ cạnh tranh cùng ông Putin trong cuộc đua vào điện Kremlin.
Ông Putin được bổ nhiệm chức Thủ tướng Nga vào tháng 8/1999 và trở thành Tổng thống vào ngày 31/12/1999, do Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin tuyên bố từ chức. Từ năm 2000 đến 2008 ông đã có 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống, sau đó giữ chức Thủ tướng dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev.
Sau khi đã đắc cử Tổng thống lần thứ ba vào năm 2012, ông đã nhiều lần úp mở về khả năng sẽ tiếp tục tranh cử. Dự kiến cuộc vận động của các ứng cử viên sẽ diễn ra trong tháng 12 này.
IS "đông tiến", chiếm đóng Marawi, Philippines
Cuộc chiến ở Marawi bắt đầu từ ngày 23/5 sau khi nhóm phiến quân Maute thân IS chiếm giữ thành phố này. Quân đội Philippines triển khai cả bộ binh và không kích chiến đấu. Marawi bị chiếm đóng là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở Philippines trong nhiều năm nay.
Tới ngày 17/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố Marawi đã được giải phóng hoàn toàn sau khi Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf và Omar Maute, kẻ cầm đầu phiến quân Maute, hai nhóm phiến quân thân IS tự xưng ở Marawi, bị tiêu diệt.
Theo Bộ Quốc phòng Philippines, sau 148 ngày giao tranh, quân đội nước này đã tiêu diệt tổng cộng 824 phiến quân, giải cứu 1.771 con tin, thu giữ 827 súng. Tuy nhiên, giao tranh cũng khiến 162 binh sĩ chính phủ thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
Minh Thu (tổng hợp)
Theo Infonet.vn