Quốc hội Nga trao quyền cho ông Putin được triển khai quân ở Syria
Ả Rập Xê Út phản đối kế hoạch liên minh của Tổng thống Putin
LHQ chuẩn bị phương án trừng phạt nếu Triều Tiên phóng tên lửa
Ông Putin úp mở chuyện tiếp tục... làm Tổng thống
Mỹ rút các điệp viên ở Trung Quốc về do sợ lộ
Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-09-2015
- Cập nhật : 30/09/2015
Ngoại trưởng Lavrov: Nga xóa hơn 20 tỷ USD nợ cho các nước châu Phi
Nga sẽ tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia nghèo mà không áp đặt các mô hình chính trị đối với những nước này. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra ngày 27/9 tại Hội nghị thượng đỉnh về chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển diễn ra ở New York (Mỹ).
Theo Ngoại trưởng Lavrov, hỗ trợ của Nga nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách đối với các quốc gia nghèo khó sẽ không thay đổi.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh mục tiêu chính của chính sách trên là xóa đói giảm nghèo, trong đó, giảm nhẹ gánh nặng nợ nần là một trong những công cụ hiệu quả nhất của nỗ lực này.
Ông Lavrov cho biết Nga đã nhất trí xóa hơn 20 tỷ USD nợ gốc cho các nước châu Phi trong khuôn khổ sáng kiến giảm nợ cho các nước nghèo.
Bên cạnh đó, Moskva cũng ủng hộ giảm gánh nặng nợ nần cho các quốc gia nghèo theo phương thức chuyển đổi nợ lấy viện trợ phát triển.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc hỗ trợ cho các quốc gia nghèo chính là đầu tư vào sự ổn định toàn cầu, là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất của việc hình thành hệ thống quốc tế hiệu quả hơn, đồng thời là nhân tố thịnh vượng và phồn vinh của nhân loại.
Ông Lavrov nhấn mạnh Nga không ngừng tăng khoản viện trợ cho phát triển quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Moskva đã tăng 20% nguồn hỗ trợ này.
Ngoài ra, nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định Moskva sẽ tiếp tục tăng cường tham gia vào các nỗ lực đa phương về viện trợ phát triển quốc tế./.
Ngoại trưởng Pháp: Nga chỉ nói suông trong cuộc chiến chống IS
Ngoại trưởng Pháp đã có phát biểu gay gắt về Nga vào ngày 29.9 khi cho rằng Moscow nói quá nhiều về chuyện đánh tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng không có hành động cụ thể nào.
“Cộng đồng quốc tế đã tấn công IS. Pháp đã đánh IS, còn (tổng thống Syria) Bashar al-Assad chẳng làm gì nhiều và Nga thì không làm gì hết. Và vì thế chúng ta phải nhìn vào chuyện ai đang làm gì”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius công kích tại New York.
“Nếu Nga chống khủng bố, thì việc tấn công chúng không có gì là bất thường”, ông Fabius nói.
Phát biểu của Ngoại trưởng Pháp được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi cần có một liên quân quy mô lớn để chống IS ở Syria.
AFP bình luận Moscow cho đến nay không loại trừ sẽ tấn công IS trong thời gian tới và đã tăng cường hiện diện quân sự tại vùng tây bắc Syria.
“Về bản chất, điều quan trọng trong cuộc chiến chống IS không phải là đòn đánh truyền thông, mà phải là đòn tấn công thực sự. Lập luận này rất đơn giản: những nước chống IS là những nước đang tấn công IS”, ông Fabius cho hay.
Pháp hiện đã tham gia vào liên quân oanh tạc IS tại Iraq và Syria do Mỹ dẫn đầu. Paris đã có đợt không kích đầu tiên nhằm vào tổ chức Hồi giáo cực đoan này vào cuối tuần trước, theo AFP.
Tổng thống Putin chưa chắc chắn về khả năng tại nhiệm nhiệm kỳ 4
Ông Putin được dẫn lời nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Charlie Rose rằng: "Thời gian bao lâu phụ thuộc vào hai điều. Đầu tiên - đương nhiên là các nguyên tắc theo quy định của Hiến pháp, và tôi chắc chắn sẽ không vi phạm các nguyên tắc này. Song tôi cũng không chắc sẽ tận dụng đầy đủ lợi thế của các quyền hiến định. Thứ hai còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể của đất nước, trên thế giới và tâm trạng của tôi."
Khi được hỏi về di sản ông muốn để lại, Tổng thống Putin nói: "Nga cần có nền kinh tế hiệu quả, cạnh tranh và ổn định, với hệ thống chính trị xã hội phát triển, linh hoạt trước những thay đổi trong nước và xung quanh."
Cuộc phỏng vấn trên diễn ra trước khi ông Putin đi New York để tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, phải đến sáng 29/9, điện Kremlin mới công bố đầy đủ chi tiết cuộc phỏng vấn này.
Pháp điều tra tội ác chiến tranh chính quyền ông Assad
Nhà cầm quyền Pháp vừa mở cuộc điều tra về những tội ác chiến tranh mà chính quyền tổng thống Syria, Bashar al-Assad bị cáo buộc đã gây ra trong giai đoạn 2011-2013.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ quan điểm chống Assad của tổng thống Mỹ Obama - Ảnh: Reuters
Theo AFP, một nguồn thạo tin cho biết các công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra bước đầu về vấn đề này ngày 15-9. Nguồn tin ngoại giao cũng đã khẳng định thông tin này.
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào những chứng cứ do một nhà nhiếp ảnh từng hoạt động trong quân đội Syria có bí danh là Caesar. Người này đã đào ngũ và chạy khỏi Syria năm 2013 cùng với khoảng 55.000 bức ảnh cho thấy những cảnh tượng thảm khốc của cuộc chiến tranh đẫm máu.
Thông tin về cuộc điều tra tội ác chiến tranh của chính quyền tổng thống Assad được công bố trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài nhiều năm tại Syria đang trở thành vấn đề tâm điểm tại hội nghị đang diễn ra của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.
Trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria, tổng thống Mỹ và tổng thống Nga có những quan điểm khác biệt. Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ quan điểm của ông Obama cho rằng, ông Assad không thể tiếp tục nắm giữ vai trò với tương lai của Syria.
Ông Hollande nói: “Nga và Iran nói họ muốn là một phần một giải pháp (cho vấn đề Syria). Vậy nên chúng tôi sẽ phải làm việc với các quốc gia này để giải thích với họ rằng lộ trình đi tới một giải pháp sẽ không thông qua ông Bashar al-Assad”.
Trung Quốc phạt 249 quan chức lười biếng
Tân Hoa xã đưa tin Chính phủ Trung Quốc vừa xử phạt 249 quan chức lười biếng do ém các dự án, chi tiêu chính phủ và quỹ đất phát triển.
249 quan chức thuộc 24 tỉnh thành và khu vực nhận hình phạt sa thải, giáng chức hay cảnh báo từ kết quả một cuộc điều tra hồi tháng 5 và 6-2015.
“Mục đích hình phạt những quan chức này nhằm thúc đẩy công việc và chấn chỉnh nạn lười biếng, không chịu làm việc... và đảm bảo tiến độ các mục tiêu kinh tế trong năm nay”, Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức giấu tên.
Tân Hoa xã nêu ví dụ một dự án tái chế thực phẩm tại tỉnh Sơn Tây đến nay vẫn chưa khởi công dù chính phủ đã rót đủ ngân sách từ năm 2012.
Việc xử phạt diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trong cuộc chiến chống tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay. Trong 18 tháng qua, nhiều quan chức lo sợ không dám thông qua các dự án lớn để tránh gây sự chú ý của lực lượng chống tham nhũng.
Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần dọa sẽ rút lại ngân sách của các chính quyền địa phương nếu họ không sử dụng nhưng không mạnh tay.
Hơn 296 tỉ nhân dân tệ, khoảng 46,5 tỉ USD, bị giữ trong tay các chính quyền địa phương tính đến tháng 8-2015 là dành cho các dự án “khẩn cấp” nhằm cải thiện cuộc sống người dân.
Thủ tướng Lý Khắc Cường từng nhiều lần chỉ trích việc các quan chức lười biếng và chậm chạp trong việc thực hiện các đường hướng chính sách của Bắc Kinh để tránh lọt vào tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ là năm tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. Tình hình đang khiến các nhà đầu tư và chính trị gia thế giới lo ngại.
Sự sụp đổ của chứng khoán Trung Quốc và việc Bắc Kinh bất ngờ hạ giá đồng nhân dân tệ trong mùa hè này đã gây ra cơn bão lớn trên thị trường toàn cầu, làm gia tăng lo ngại về khả năng quản lý kinh tế của Bắc Kinh.