OECD ước tính có 1,3 triệu lao động có trình độ đại học ở Đông Nam Á đã tìm tới các nước có thu nhập cao hơn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Đáng chú ý, con số này đã tăng lên 40% kể từ năm 2000.
Tin thế giới đọc nhanh 01-10-2015
- Cập nhật : 01/10/2015
"Sếp" tình báo Mỹ quyết trừng phạt Trung Quốc
Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper hôm 29-9 nói trong phiên điều trần Thượng viện rằng ông không nghĩ rằng thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chấm dứt các cuộc tấn công mạng.
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận không thực hiện hoặc ủng hộ tấn công mạng trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhà Trắng hồi tuần trước.
Trước khi ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du, Mỹ đã đánh tiếng về việc xem xét lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc nếu Bắc Kinh không xử lý nạn gián điệp kinh tế mạng.
Tuy nhiên, theo ông James Clapper, việc đạt thỏa thuận nói trên không có nghĩa là không cần các biện pháp trừng phạt nữa. Ông nhấn mạnh thêm rằng có thể vẫn cần lệnh trừng phạt.
Tại phiên điều trần về an ninh mạng, ông Clapper nói rằng ông không lạc quan về thỏa thuận nói trên. Vị Giám đốc tình báo khẳng định rất khó để xác định bao nhiêu gián điệp mạng do chính phủ Trung Quốc giật dây nên thỏa thuận nói trên rất mơ hồ.
Giới chức Mỹ từ lâu đã nghi ngờ Trung Quốc đứng sau các cuộc xâm nhập mạng cấp cao, trong đó có vụ đình đám nhất là Văn phòng Nhân sự của chính phủ Mỹ bị tin tặc tấn công khiến 21,5 triệu nhân viên cũng như ứng viên công chức Mỹ bị lộ thông tin cá nhân.
Trung Quốc bắt hai người Nhật nghi làm gián điệp
Kyodo cho hay một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật phát biểu với truyền thông địa phương sáng nay rằng dường như chính quyền Trung Quốc "lấy cớ để quy tội hai người này là nghi phạm gián điệp".
Theo Asahi, vụ bắt giữ xảy ra vào tháng 5, trong đó một người bị bắt ở tỉnh Liêu Ninh và người còn lại ở tỉnh Chiết Giang. Một nghi phạm bị bắt gần biên giới với Triều Tiên, trong khi người kia bị bắt tại một cơ sở quân sự ở Chiết Giang.
Bộ Ngoại giao Nhật và các cơ quan liên quan đang xem xét vụ việc, tìm hiểu thêm thông tin.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang tăng cường giám sát các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Một bộ luật chống gián điệp có hiệu lực vào tháng 11 năm ngoái, cập nhật thêm các luật nhằm giám sát chặt chẽ hơn những mục tiêu gián điệp nước ngoài.
Năm 2010, 4 công dân Nhật làm việc cho một công ty xây dựng Nhật, bị tạm giữ ở Trung Quốc vì bị tình nghi vào khu quân sự ở tỉnh Hà Bắc và chụp ảnh mà không được phép.
Nga gửi chuyên gia quân sự tới trung tâm chống IS ở Iraq
Các chuyên gia quân sự Nga được gửi tới trung tâm mới thành lập ở Baghdad nhằm hỗ trợ nỗ lực chống IS ở Iraq và Syria. Ảnh: Business Insider
Thông tin trên được một quan chức Nga am hiểu vấn đề hôm nay tiết lộ với hãng thông tấn Reuters. Tuy nhiên, ông này không cho biết có tất cả bao nhiêu chuyên gia được gửi đi.
Nga hôm 27/9 thông báo đã thống nhất với lãnh đạo các nước Iran, Iraq và Syria về việc lập một trung tâm chia sẻ thông tin ở Baghdad nhằm tăng cường năng lực phối hợp chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chức năng chính của trung tâm này là thu thập, xử lý và phân tích thông tin về tình hình ở Trung Đông, đồng thời xây dựng các kế hoạch, chiến lược chống IS. Đây là một cột mốc quan trọng nhằm hợp nhất các quốc gia ở khu vực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đang đẩy mạnh nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq và Syria. Thượng viện Nga cũng vừa chấp thuận đề nghị của ông Putin về việc triển khai không quân tới Syria để trấn áp khủng bố.
Ảnh vệ tinh hé lộ nơi Trung Quốc đóng tàu sân bay
Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, hôm 22/9. Ảnh: Airbus Defence & Space.
Hình ảnh vệ tinh do Airbus Defence & Space (ADS) chụp hôm 22/9 cho thấy tàu sân bay có thể đang được đóng tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, IHS Jane's đưa tin. Đây cũng là nơi tân trang một tàu sân bay cũ của Ukraine và sửa chữa thành tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Phần thân tàu mới, xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp ngày 10/3, đang ở giai đoạn lắp ráp tích cực. Theo ảnh chụp ngày 10/3, vị trí các thiết bị hỗ trợ cho thấy thân tàu dài từ 150 đến 170 m, rộng khoảng 30 m. Thân tàu được lắp ráp suốt mùa hè, hiện dài 240 m, rộng 35 m và sẽ dài ít nhất 270 m khi hoàn thành.
Những đồn đoán về việc Trung Quốc chế tạo tàu sân bay mới xuất hiện từ tháng 2 và được xác nhận trong các tài liệu nội bộ của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc vào tháng 7. "Nhiệm vụ ưu tiên đóng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đang diễn ra thuận lợi, mang lại những kết quả đáng chú ý", truyền thông Đài Loan dẫn lại nội dung một tài liệu cho biết.
Wang Min, bí thư đảng ủy tỉnh Liêu Ninh, nói Trung Quốc hy vọng có thể đóng xong tàu vào năm 2020. Các tàu sân bay nội địa sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ ngoài biên giới.
"(Tàu sân bay Trung Quốc tự sản xuất) có thể được cải thiện thời gian hoạt động liên tục, chở nhiều loại máy bay như tác chiến điện tử, cảnh báo sớm và chống ngầm, giúp 'nhóm tàu sân bay chiến đấu' tăng khả năng tấn công để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc", một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay tên Liêu Ninh trong biên chế. Tàu Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag của Liên Xô cũ, dài khoảng 300 m, được Trung Quốc mua từ Ukraine, sau đó tân trang lại và đưa vào hoạt động hồi tháng 9/2012.
Trung Quốc: Hàng loạt vụ nổ bất thường gây nhiều thương vong
Vụ việc xảy ra tại huyện Liễu Thành và các khu vực lân cận vào khoảng 15 giờ 50 phút.
Những hình ảnh được đăng tải trên mạng Internet cho thấy một tòa nhà ở thị trấn Dapu bị sập một nửa, trong khi nhân chứng cho biết nhiều chiếc xe bị hư hại. Lực lượng cứu hộ đang được triển khai tới hiện trường.
Công tác đều tra ban đầu cho thấy, thiết bị nổ có thể được đặt trong các kiện hàng chuyển phát nhanh./.