‘Nhà Trắng sắp công bố tài liệu mật 11-9 buộc tội Ả Rập Saudi’
Thổ dân đồng loạt tự tử, Quốc hội Canada họp khẩn
Lầu Năm Góc tấn công IS bằng 'bão mạng'
Chuyên gia Nga đề xuất dời thủ đô từ Moscow sang Crimea
Báo Mỹ: Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa, máy bay, radar trên đảo Phú Lâm
Tin thế giới đọc nhanh trưa 13-04-2016
- Cập nhật : 13/04/2016
Trung Quốc đang hành động như kẻ bắt nạt trên Biển Đông
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain mới đây đã có bài viết cho tờFinancial Times chỉ trích Trung Quốc đang hành động như một kẻ bắt nạt trên Biển Đông.
Mở đầu bài viết đăng ngày 12-4, ông McCain nhắc lại lời đô đốc Harry Harris, tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, từng tố cáo tham vọng làm bá chủ Đông Á của Trung Quốc.
“Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông và chỉ những người tin rằng trái đất phẳng mới nghĩ ngược lại” - ông Harris nói.
Bắc Kinh không ngần ngại gạt bỏ chính sách “3 không” của chính quyền Tổng thống Barack Obama: không cải tạo đất, không quân sự hóa và không hà hiếp. Tuy nhiên sự ngần ngại của chính quyền Mỹ trước rủi ro đã không chặn được tham vọng bá chủ hàng hải của Bắc Kinh và khiến các đồng minh bối rối.
Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định đây là thời khắc để thay đổi trong chính sách của Mỹ khi châu Á -Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn quan trọng trong hai tháng tới.
Tòa án trọng tài thường trực The Hague dự kiến ra phán quyết vụ kiện Philippines - Trung Quốc vào 6-2016.
Trước nguy cơ bị phán quyết bất lợi, Bắc Kinh có thể lợi dụng thời gian sắp tới để giữ chặt các chiến lợi phẩm trên Biển Đông hoặc sử dụng hình thức bắt nạt mới để mở rộng chiếm đóng.
“Việc này có thể bao gồm quân sự hóa và cải tạo hơn nữa tại các địa điểm chiến lược như bãi Scarborough, ý đồ hất nước khác khỏi lãnh thổ tranh chấp hay tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông” - ông McCain cảnh báo.
Để đáp lại, ông cho rằng Mỹ cần cân nhắc các lựa chọn chính sách mới, chẳng hạn đưa đội tàu hàng không mẫu hạm tuần tra khu vực bãi Scarborough nhân cuộc tập trận Balikatan với Philippines trong tháng này để phô diễn sức mạnh.
Về phía Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter đang có chuyến công du châu Á, ông McCain cho rằng ông Carter nên nhấn mạnh hiệp ước đồng minh với Philippines khi đặt chân đến Manila.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ nên đẩy nhanh nỗ lực hợp tác với Philippines và các đồng minh, đối tác trong khu vực để thiết lập chiến lược ngăn các hành động phạm pháp của Trung Quốc.
“Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, Mỹ phải sẵn sàng thách thức tuyên bố này bằng việc đưa máy bay quân sự bay trong khu vực bị ảnh hưởng theo quy trình thông thường, bao gồm không trình báo kế hoạch bay, liên lạc trước bằng radio hay đăng ký thường xuyên” - ông nói.
Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định đã đến lúc Mỹ hành động mạnh mẽ hơn những động thái tượng trưng và tung ra chiến dịch “tự do vùng biển” uy lực, bao gồm gia tăng khoảng cách và quy mô chương trình tự do đi lại để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng như tăng thời gian đi thuyền qua Biển Đông của tàu chiến Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cần mở rộng các cuộc tập trận chung và tiếp tục tuần tra thu thập thông tin tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Về mặt cân bằng quân sự, ông McCain cho rằng Mỹ nên củng cố sự hiện diện quân sự khắp khu vực.(TT)
Mỹ khởi động Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á
Sáng kiến do thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, phát động và được thông báo hồi tháng 6-2015.
Sau hai tuần Quốc hội thảo luận và thông qua, Mỹ đã công bố thực hiện năm đầu tiên trong chương trình năm năm dành cho năm nước ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines) cùng với Singapore, Brunei và lãnh thổ Đài Loan.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 10-4 đưa tin mục đích của chương trình nhằm cải thiện năng lực hàng hải của các nước Đông Nam Á để đối phó với các thách thức hàng hải, trong đó có hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngân sách chung của chương trình là 425 triệu USD, trong đó năm 2016 là 49,72 triệu USD. Phần lớn ngân sách được dùng để hỗ trợ một trung tâm chỉ huy hàng hải chung, cải thiện hoạt động tình báo-giám sát-theo dõi hàng hải (ISR), an ninh hàng hải, hỗ trợ khả năng chống trả và tàu tuần tra, hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn, tham gia các cam kết đa phương và huấn luyện.
Gần 85% (hơn 41 triệu USD) của ngân sách được cấp cho Philippines nhằm củng cố hoạt động chỉ huy-kiểm soát giữa quân đội, cảnh sát biển và Trung tâm Giám sát bờ biển Quốc gia, cung cấp các bộ cảm ứng ISR, đào tạo bay không người lái và radar trên bộ, hỗ trợ và bảo trì tàu tuần tra biển.
Việt Nam được cấp 2 triệu USD để hiện đại hóa tàu và máy bay tuần tra hàng hải, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm-cứu nạn, kiểm soát, thông tin liên lạc và huấn luyện. Malaysia nhận gần 3 triệu USD và Indonesia nhận gần 2 triệu USD để cải thiện hệ thống chỉ huy-kiểm soát giữa các lực lượng hàng hải, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và trao đổi chuyên gia. Thái Lan được cấp gần 1 triệu USD để tăng cường quan hệ chỉ huy-kiểm soát giữa quân đội với các cơ quan phụ trợ.
Trả lời tạp chí The Diplomat, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á là cơ hội mới để Mỹ hợp tác với các đối tác trong khu vực cùng các đồng minh. Ông nói chương trình này đặc biệt nhắm đến an ninh hàng hải. Ông khẳng định Mỹ quyết tâm tiếp tục giữ vai trò chính mang tính xây dựng trong khu vực, hợp tác làm việc với các nước và khuyến khích các nước này hợp tác với nhau.
Đài Bắc tố Bắc Kinh 'bắt cóc người'
Cảnh sát Kenya mang súng trường đã ném hơi cay, buộc 37 người Đài Loan lên máy bay của Trung Quốc đại lục hôm nay, Reuters dẫn nguồn tin văn phòng đối ngoại Đài Loan. Đây là sự vụ ngoại giao ít thấy khi Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh "bắt giữ người" của hòn đảo này.
Mwenda Njoka, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Kenya, cho rằng "những người này ở đây bất hợp pháp. Họ đến từ Trung Quốc và đã bị trục xuất về nơi họ đến".
Hôm qua, Đài Bắc cũng cáo buộc Bắc Kinh gây sức ép với Kenya để bắt 8 người đảo Đài Loan lên máy bay về Đại lục. "Họ bị giam ở đồn cảnh sát Kenya, kiên quyết từ chối việc bị trục xuất sang Trung Quốc đại lục", Antonio C.S. Chen, người đứng đầu văn phòng đối giao của Đài Loan, phụ trách khu vực Tây Phi, cho biết.
Sự kiện ngoại giao gây căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan bắt nguồn từ vụ án sở hữu thiết bị viễn thông trái phép ở Nairobi, Kenya. Hồi tháng một, Kenya tuyên bố đang xem xét đề nghị dẫn độ của Trung Quốc về việc đưa 76 người nước này về Đại lục để xét xử. Theo giới chức Đài Bắc, 23 người tới từ đảo Đài Loan được tuyên trắng án hôm 5/4 nhưng 8 người vẫn bị Bắc Kinh buộc lên máy bay về Đại lục.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nước này ủng hộ việc Kenya tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc", theo đó Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lục không bình luận thêm về vụ việc.
Hồ sơ Panama: Giới tình báo thế giới cũng sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca
Báo Đức Sueddeutsche Zeitung ngày 12-3 đưa tin các điệp viên từ nhiều nước, gồm cả những người làm việc trung gian cho CIA, từng sử dụng dịch vụ của Công ty luật Mossack Fonseca để "che giấu" hoạt động của họ.
Hồ sơ Panama hé lộ những bí mật kinh khủng của Công ty luật Mossack Fonseca và giới quyền lực trên thế giới - Ảnh: Reuters
"Các điệp viên và những người cung cấp tin tức cho họ đã sử dụng nhiều dịch vụ của công ty luật. Họ đã mở các công ty vỏ bọc để che giấu các hoạt động" - tờ Sueddeutsche Zeitung đăng tải.
Tờ báo có trụ sở tại Munich cho biết khách hàng của Mossack Fonseca có "nhiều nhân vật quan trọng" trong vụ bê bối Iran-Contra hồi thập niên 80.
Trong vụ bê bối này, các quan chức cấp cao của Mỹ đã bí mật bán vũ khí cho Iran để đảm bảo việc phóng thích các con tin người Mỹ và tài trợ cho các phiến quân Contra của Nicaragua.
Ngoài ra, tờ Sueddeutsche Zeitung trích dẫn hồ sơ Panama cũng tiết lộ thêm rằng "các quan chức hiện tại hoặc cựu quan chức cấp cao trước đây của ít nhất 3 quốc gia là Saudi Arabia, Colombia và Rwanda" nằm trong số các khách hàng của Công ty luật Mossack Fonseca.
Trong số các khách hàng trên có cố giám đốc tình báo Saudi Arabia Sheikh Kamal Adham đã qua đời năm 1999.
Sueddeutsche Zeitung cho biết Adham là "một trong những trung gian tình báo quan trọng cho CIA trong thập niên 1970" tại Trung Đông.
AFP cho biết nhật báo Sueddeutsche Zeitung đã nhận được một số lượng lớn thông tin mật của Mossack Fonseca thông qua một nguồn tin giấu tên và chia sẻ thông tin trên với hơn 100 nhóm truyền thông thông qua Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ).
Chỉ một tuần sau những tiết lộ đầu tiên, hồ sơ Panama đã làm sáng tỏ cách thức giới nhà giàu và quyền lực trên thế giới sử dụng các công ty vỏ bọc để che đậy tài sản của họ, buộc thủ tướng Iceland từ chức và gây áp lực cho nhiều lãnh đạo khác trên thế giới.
Philippines nghi Trung Quốc định biến bãi cạn tranh chấp thành đảo nhân tạo
Theo ông Jose Cuisia Jr., Đại sứ Philippines tại Mỹ, một quan chức hải quân cấp cao của Mỹ báo tàu khảo sát khả nghi của Trung Quốc cách đây vài tuần xuất hiện ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của nó tại khu vực tranh chấp.
Quân đội Philippines kiểm tra nhưng không thấy gì, có thể vì tàu Trung Quốc sau đó đã rời bãi cạn, AP dẫn lời ông Cuisia hôm nay nói.
Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất bồi đắp để biến 7 đá thành đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây báo động khu vực, khiến các chính phủ ở châu Á và phương Tây kêu gọi Bắc Kinh ngừng hành động khiêu khích có thể dẫn đến đối đầu. Trung Quốc đã ngang nhiên lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa" với mưu đồ quản lý các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Việc hải quân Mỹ bắt gặp tàu khảo sát ở bãi cạn cách Philippines 230 km về phía tây củng cố mối nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang đưa bãi cạn vào tầm ngắm để biến thành đảo nhân tạo, ông Cuisia nói.
Nhà ngoại giao cho biết Philippines không thể ngăn Trung Quốc xây đảo tại bãi cạn, nơi ngư dân nước này bị các tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tiếp cận. "Chúng tôi hy vọng Mỹ và các nước khác sẽ thuyết phục Trung Quốc không tiến hành điều đó", ông nói.
Washington không đứng về bên nào trong các tranh chấp giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tuyên bố việc đảm bảo tự do đi lại trên không cũng như trên biển ở đây là lợi ích quốc gia.