tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 22-08-2015

  • Cập nhật : 22/08/2015

Lầu Năm Góc tố Trung Quốc tăng cường cải tạo ở Biển Đông

Báo cáo mới Lầu Năm Góc nói rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây, và Bắc Kinh đang tích cực tuần tra vùng biển để thực thi yêu sách chủ quyền.
hoat dong xay dao trai phep cua trung quoc tai da chu thap, quan dao truong sa, thuoc chu quyen viet nam. anh: csis

Hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, quần đảo Trương Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS

Theo WSJ, báo cáo có tên Chiến lược An ninh hàng hải châu Á – Thái Bình Dương cho biết tính đến tháng 6, Trung Quốc đã cải tạo 2.900 mẫu Anh (khoảng 11,7 km2) trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, tăng gần 50% so với tháng 5, khi Lầu Năm Góc tuyên bố Bắc Kinh đã cải tạo khoảng 2.000 mẫu Anh (hơn 8 km2).

Tài liệu này phản ánh sự hoài nghi của Mỹ về tuyên bố của Trung Quốc hồi đầu tháng. Trung Quốc nói rằng họ đã ngừng hoạt động cải tạo, nhưng các quan chức Mỹ đặt câu hỏi liệu Trung Quốc đã ngừng hoàn toàn hay chỉ tạm dừng cải tạo.

"Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc làm rõ liệu tuyên bố này có áp dụng cho tất cả tiền đồn tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hay không, và Trung Quốc có cam kết dừng các hoạt động cải tạo vĩnh viễn hay không", phát ngôn viên Lầu Năm Góc hôm qua nói.

Báo cáo chỉ ra rằng tại một số địa điểm, Trung Quốc đã đào kênh sâu và xây dựng các khu vực đỗ mới để cho phép tàu lớn hơn tiếp cận. Trung Quốc có thể sử dụng những tàu này để thực thi yêu sách chủ quyền.

"Cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc dường như đang xây dựng sẽ cho phép nước này thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ hơn" tại Biển Đông, tài liệu viết.

Trong khi đó, Trung Quốc đang gia tăng tuần tra tại khu vực này, tiến hành các bước "nhỏ nhưng tăng dần" trong khu vực tranh chấp để tránh xảy ra xung đột quân sự, nhưng vẫn "tăng cường kiểm soát hiệu quả" đối với các đảo nhân tạo. Bản báo cáo cũng chỉ ra việc Trung Quốc tăng cường sử dụng lực lượng tuần duyên để thực thi yêu sách ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông.

Báo cáo được đưa ra khoảng một tháng trước chuyến thăm Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nơi vấn đề Biển Đông, an ninh mạng và chính sách tiền tệ có khả năng nằm trong chương trình nghị sự. Các vấn đề này có thể báo hiệu một chuyến thăm không mấy dễ dàng đối với ông Tập và chính quyền Obama.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi Nga là mối đe dọa lớn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gọi Nga là một "mối đe dọa rất, rất lớn", cùng quan điểm với bình luận của một số quan chức quân sự Mỹ cấp cao khác.
bo truong quoc phong my ashton carter. anh: ap.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: AP.

Nga là một mối đe dọa hiện hữu với Mỹ, "đơn giản là vì quy mô kho vũ khí hạt nhân nước này sở hữu", The Hill dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong buổi họp báo hôm qua tại Lầu Năm Góc.

"Điều đó không còn mới", ông nói. "Cái mới là trong khoảng một phần tư thế kỷ, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta đã không coi Nga là địch thủ. Cách cư xử của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong nhiều khía cạnh, giống như một địch thủ. Chúng ta cần điều chỉnh và đối phó".

Nhiều quan chức quân sự Mỹ cấp cao mới đây cũng cho rằng Nga là mối đe dọa hàng đầu đến an ninh quốc gia Mỹ khi so sánh với phiên quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Bộ trưởng Carter còn nêu ra chiến lược của Lầu Năm Góc để đối phó Nga, cách tiếp cận ông gọi là "mạnh mẽ và cân bằng".

Washington đang điều chỉnh các khả năng quân sự và hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo những cách mới để tăng khả năng răn đe tại biên giới phía đông của liên minh. Tuy nhiên, ông Carter cho biết Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với Nga trong nhiều lĩnh vực hai nước cùng có lợi như vấn đề Triều Tiên, Iran.

Phương Tây bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Moscow từ năm ngoái với lý do Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga cho rằng việc sáp nhập Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế, bác bỏ cáo buộc hỗ trợ phe ly khai ở đông Ukraine và có biện pháp trừng phạt đáp trả sau đó.


​Cựu tổng thống Brazil Collor bị buộc tội tham nhũng tại Petrobras

Hôm 20-8, cựu tổng thống Brazil, ông Fernando Collor de Mello, đã bị buộc tội có liên quan đến bê bối tham nhũng quy mô lớn tại tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.

cuu tong thong brazil, fernando collor de mello, vua bi toa an toi cao chinh thuc buoc toi tham nhung - anh: reuters

Cựu tổng thống Brazil, Fernando Collor de Mello, vừa bị Tòa án tối cao chính thức buộc tội tham nhũng - Ảnh: Reuters

Theo AFP, tòa án tối cao khẳng định, các tội danh của ông Collor đã được chính thức cáo buộc, tuy nhiên chưa cung cấp chi tiết cụ thể những cáo buộc này.

Cùng với cựu tổng thống Collor, các công tố viên Brazil cũng buộc tội phát ngôn viên hạ viện Eduardo Cunha vì tội đã nhận ít nhất 5 triệu USD tiền hối lộ trong đường dây tham nhũng lớn tại tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Theo tổng công tố Rodrigo Janot, đó là khoản tiền “lại quả” phát ngôn viên Cunha nhận được trong các hợp đồng liên quan đến việc đóng 2 tàu thăm dò cho Petrobras.  

Ông Fernando Collor de Mello là cựu tổng thống Brazil rời nhiệm sở năm 1992 trong một bê bối tham nhũng khác, sau đó ông trở lại chính trường trong tư cách một thượng nghị sỹ.

Cuộc điều tra truy quét mạng lưới tham nhũng tại tập đoàn Petrobras của Brazil liên quan đến một loạt các chính trị gia, nhưng ông Cunha và ông Collor là hai nhân vật đáng kể nhất.


Bộ trưởng Carter: Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động ở Biển Đông và điều tàu, máy bay vào khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép, bất chấp phản ứng từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố ngày 20.8.

bo truong quoc phong my ashton carter tuyen bo my tiep tuc tuan tra o bien dong - anh: reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

“Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu chiến và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi luôn luôn có quyền làm điều đó, chúng tôi sẽ làm điều đó và không điều gì có thể thay đổi hành động của chúng tôi”, hãng tin PTI (Ấn Độ) dẫn lời ông Carter phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Lầu Năm Góc.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ashton Carter được xem là lời phản bác lại tuyên bố của Trung Quốc rằng "không có tự do hàng hải cho máy bay quân sự và tàu chiến nước ngoài trên Biển Đông". Hồi tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Giám Hoa tuyên bố rằng Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải nhưng không cho bất kỳ chính phủ nước nào đưa máy bay quân sự hay tàu chiến vào khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược cho rằng thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Ông Carter cho biết Mỹ sẽ duy trì các hành động của nước này ở Biển Đông và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ hành động đơn phương mà cả đa phương với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng giải thích rằng Washington quan ngại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và có vẻ như "Trung Quốc muốn thống trị khu vực sau cả một thế kỷ bị chê bai”, theo tạp chí Foreign Affairs số tháng 9-10.2015.
Theo ông Carter, bên cạnh đồng minh lâu năm như Philippines và Nhật Bản, Mỹ kỳ vọng đến 2 đối tác trong khu vực là Việt Nam và Ấn Độ. Đây cũng là 2 quốc gia mà ông đã thực hiện những chuyến đi thúc đẩy quan hệ quân sự trong thời gian qua. Ông Carter nhận định Việt Nam và Ấn Độ cũng có những nhìn nhận tương tự với Mỹ về Trung Quốc, và đó là cơ hội tốt để bắt đầu quan hệ đối tác.
“Chúng tôi kêu gọi chấm dứt hoàn toàn việc cải tạo đất và quân sự hóa ở Biển Đông, nhưng hành động (tiếp tục xây dựng) của Trung Quốc càng kích thích và tăng cường mối quan hệ đồng minh và đối tác của chúng tôi”, ông Carter hàm ý nói đến quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam và Ấn Độ.
Bất chấp căng thẳng trong vấn đề Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phủ nhận nguy cơ chiến tranh giữa 2 cường quốc này.
“Tôi không phải là người tin rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không thể tránh hay có thể xảy ra. Điều đó chắc chắn không được trông đợi. Tuy nhiên, tránh khỏi xung đột chính là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới”, ông nói trên tạp chí Foreign Affairs

Philippines trang bị hỏa lực cho trực thăng tuần tra biển

Hải quân Philippines sắp tới sẽ triển khai các trực thăng AgustaWestland AW109 phiên bản được trang bị hỏa lực trên các tàu khu trục lớp Pilar, nhằm nâng cao năng lực tuần tra và tác chiến trên biển.
 

truc thang agustawestland aw109 cua hai quan philippines se duoc trang bi vu khi (anh: sputnik)

Trực thăng AgustaWestland AW109 của hải quân Philippines sẽ được trang bị vũ khí (Ảnh: Sputnik)

Thông tin được tư lệnh Lued Lincuna, phát biểu với báo giới hôm thứ Tư (19/8). Theo đó các tàu khu trục lớp Pilar trước đây chỉ mang theo các trực thăng không có hệ thống vũ khí nhằm thử nghiệm, đánh giá và giúp các thủy thủ làm quen. Tuy nhiên, trong thời gian tới các trực thăng này sẽ đều được trang bị hỏa lực.

Hiện hải quân Philippines sở hữu 3 chiếc AW-109, sau khi được bàn giao tháng 12/2013. Hai chiếc trong số này đã được bổ sung thêm vũ khí và đưa vào biên chế hồi tháng trước.

“Thủy thủ của tàu giờ đã quen với các máy bay và sẽ không cần có quá nhiều điều chỉnh để thích nghi với phiên bản có trang bị vũ khí”, Lincuna nói. Ông cho biết thêm hai chiếc trực thăng mới sẽ hoạt động đầy đủ trên boong các tàu khu trục “trong vài tuần tới”.

Các trực thăng được trang bị đại bác 12,7mm cùng các ống phóng tên lửa 70mm được dẫn đường băng laze. Ngoài ra máy bay còn có thể được điều chỉnh để tham gia tác chiến chống tàu ngầm.

Theo tạp chí IHS Jane, AW109 được trang bị 2 động cơ Pratt & Whitney Canada PW206C với vận tốc tối đa 154 hải lý/giờ.

“Một khi được triển khai đầy đủ, các trực thăng sẽ nâng cao năng lực giám sát và chiến đấu trên biển của hải quân Philippines”, tư lệnh Lincuna khẳng định.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục