tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 03-12-2015

  • Cập nhật : 03/12/2015

ASEAN, Mỹ sẽ họp thượng đỉnh lịch sử vào năm 2016

Ngày 2-12, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian thông báo các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ đến Mỹ để dự một cuộc họp thượng đỉnh lịch sử vào năm 2016.

dai su my tai asean nina hachigian - anh: bo ngoai giao my

Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Trả lời phỏng vấn báo chí châu Á qua điện thoại, trong đó có Tuổi Trẻ,  Đại sứ Nina Hachigian cho biết khi dự Hội nghị ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến Mỹ để dự hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN. Đây sẽ là hội nghị Mỹ - ASEAN đầu tiên được tổ chức trên đất Mỹ.

Dự kiến hội nghị lịch sử này sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2016. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ công bố lịch trình và nghị trình cụ thể của hội nghị trong những tuần tới. “Quan hệ chiến lược Mỹ - ASEAN là hết sức quan trọng. Việc Tổng thống Obama mời 10 nhà lãnh đạo ASEAN tới Mỹ là ví dụ hoàn hảo cho thấy chúng tôi tăng cường sự hợp tác đáng kể tại châu Á - Thái Bình Dương” - Đại sứ Hachigian đánh giá.

Dự kiến một chủ đề chính của hội nghị sẽ là căng thẳng trên biển Đông. Đại sứ Hachigian nhấn mạnh dù Mỹ không đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, nhưng Tổng thống Obama từng nhiều lần khẳng định Mỹ có lợi ích chiến lược trên biển Đông, do đó Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở, hòa bình và ổn định trên biển Đông.

“Tại hội nghị ASEAN, Tổng thống Obama đã kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng tốc đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), thực hiện các bước để giảm căng thẳng, bao gồm dừng hành vi bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa biển Đông. Chúng tôi đã rất thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc không quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông” - Đại sứ Hachigian nhấn mạnh.

Bà cho biết Mỹ cũng ủng hộ việc các nước đòi chủ quyền sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế như vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan). Đại sứ Hachigian cũng khẳng định Mỹ có quyền thực hiện chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông.

“Các chiến dịch này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế” - bà Hachigian mô tả. Đại sứ Mỹ tại ASEAN cho biết ngoài ra Mỹ cũng đã thực hiện nhiều bước đi để hỗ trợ các nước khu vực bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, bao gồm tăng cường hợp tác với các đối tác và đồng minh khu vực, hỗ trợ quân sự 250 triệu USD cho một số quốc gia Đông Nam Á... 

Đại sứ Hachigian đánh giá ASEAN đang thể hiện tham vọng đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu với các nỗ lực như chống biến đổi khí hậu, khủng bố, buôn người và đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Bà cho rằng sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là bước phát triển lớn của ASEAN, sẽ tạo điều kiện cho dòng thương mại và dịch vụ tự do trong khu vực. Bà khẳng định Mỹ rất ủng hộ Cộng đồng ASEAN.

“Đây là bước phát triển mới mẻ, do đó việc một số người lo ngại về sự thay đổi là điều dễ hiểu. Nhưng sự thay đổi sẽ mang đến những kết quả tích cực” - Đại sứ Hachigian lạc quan. 


Thổ Nhĩ Kỳ làm khó tàu Nga ra vào biển Đen

Các cửa ngõ ra vào biển Đen đang trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ đang có chiều hướng tăng cao theo sau vụ Ankara bắn hạ máy bay cường kích Su-24 của Nga. Trong một diễn biến mới, trang tin Sputnik News hôm qua 1.12 cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã gây khó dễ cho các tàu treo cờ Nga muốn đi qua eo biển Bosphorus nối liền biển Đen với biển Marmara.
Eo Bosphorus cùng với eo Dardanelles ở phía nam là hai biển thuộc hệ thống các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ kết nối biển Đen với biển Aegea và qua đó là Địa Trung Hải. Theo Sputnik News, hàng chục tàu Nga đã bị buộc phải chờ nhiều giờ liền gần eo biển Bosphorus trước khi được phía Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho phép đi qua nơi này. Còn tàu bè các nước khác vẫn di chuyển như bình thường.
Trong khi đó, tờ Hurriyet Daily News đưa tin tàu vận tải Yauda của hải quân Nga đã chạm trán một tàu ngầm của Thổ khi đi qua eo biển Dardanelles để hướng về biển Đen. Đoạn clip do Đài RT cung cấp cho thấy cảnh tượng đầy căng thẳng diễn ra tại thành phố Canakkale, trên bờ nam của Dardanelles, ở đoạn hẹp nhất của eo biển. Tàu ngầm Thổ được hộ tống bởi một tàu tuần duyên đã di chuyển sát tàu Yauda. Diễn biến này xảy ra sau khi có tin hai tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ bám đuôi tuần dương hạm Moskva của Nga ngoài khơi tỉnh Latakia ở Syria.
Theo Công ước Montreux 1936 quy định về chế độ các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có quyền đơn phương đóng cửa các eo biển đối với các tàu chiến nước ngoài trong thời chiến nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến hoặc cảm thấy bị đe dọa bởi nguy cơ chiến tranh sắp xảy ra. Tuy nhiên, sau khi xảy ra các sự cố trên, Sputnik News dẫn lời giới phân tích cho hay việc Thổ Nhĩ Kỳ làm khó dễ các tàu hàng Nga là vi phạm thông lệ quốc tế và việc đơn phương đóng cửa eo biển Bosphorus đối với các tàu chiến vào thời điểm này cũng sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, nếu không đi qua được các eo biển trên, nỗ lực của Moscow nhằm triển khai thêm quân hoặc cung cấp quân nhu cho các đơn vị chiến đấu ở Syria sẽ bị giới hạn. Việc Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa các eo biển, nếu xảy ra, sẽ khiến cuộc đối đầu giữa nước này với Nga leo thang nghiêm trọng. Và cũng không loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ lực để mở lại tuyến đường hàng hải từ biển Đen ra Địa Trung Hải.

Thái Lan đầu tư kỷ lục vào hạ tầng

Hàng loạt dự án hạ tầng được dự báo sẽ thúc đẩy kinh tế Thái Lan phát triển mạnh mẽ với mức tăng thêm 1% trong vòng hai năm tới, theo thông tin từ Bộ Giao thông nước này. 
Khoảng 20 dự án hạ tầng có tổng chi phí gần 50 tỉ USD, đầu tư vào các lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hàng không và cảng, sẽ khởi công từ nay đến 2018, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith.
Hai năm tới sẽ là những năm kỷ lục của Thái Lan về đầu tư công từ trước đến nay, ông cho biết.
Nổi bật trong các dự án sắp tới là tuyến đường sắt 873 km nối liền Bangkok với thành phố Nong Khai nằm gần biên giới với Lào, với mức đầu tư lên đến 13 tỉ USD. Trung Quốc đồng ý cho vay đầu tư dự án này với mức lãi suất 2,5% nhưng ông Arkhom nói Thái Lan muốn hạ lãi suất xuống 2% và có thể tìm từ nguồn trong nước.
Ông Arkhom cho biết đầu tư hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế Thái Lan phát triển thêm khoảng 1%.
Chính phủ Thái Lan dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm nay là 2,9% và tăng lên 3 - 4% vào năm tới nhờ đầu tư tăng. Kinh tế Thái Lan chỉ tăng 0,9% trong năm 2014, mức thấp nhất trong vòng 3 năm.

Nhà Trắng bác kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo

Chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối kế hoạch đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo ở Cuba do chi phí di dời và xây dựng nhà tù mới trên đất Mỹ là quá đắt.

ben trong mot phan nha tu guantanamo - anh: ap

Bên trong một phần nhà tù Guantanamo - Ảnh: AP

Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Nhà Trắng yêu cầu Lầu Năm Góc phải xem xét lại tỉ mỉ kế hoạch này sau khi thấy chi phí ước tính cho việc đóng cửa, di chuyển tù nhân và xây dựng nhà tù mới quá cao.  

Bộ quốc phòng Mỹ trước đó đã trình kế hoạch đóng cửa nhà tù này và xây dựng nhà tù khác thay thế trên đất Mỹ.

Hiện nay chi phí dành cho hoạt động của nhà tù Guantanamo đang ở mức 400 triệu USD/năm. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc dự tính tổng chi phí đóng cửa di dời và xây dựng nhà tù mới lên đến 600 triệu USD.

Chỉ riêng chi phí xây dựng có thể ngốn ngân sách đến 350 triệu USD. Trong khi đó, ngân sách chi cho những kế hoạch hàng năm của Lầu Năm Góc vào khoảng 300 triệu USD.

Với chi phí dự tính quá cao như trên buộc tổng thống Obama đã bác bỏ kế hoạch ngay trong cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi tháng 11 vừa qua. Sau đó, ông gửi trả bản kế hoạch này trở về Lầu Năm Góc. 

Theo WSJ, Quốc hội Mỹ và một số thống đốc bang của ở nước này đã phản đối kịch liệt đề xuất trên cũng vì liên quan đến vấn đề chi phí. 

Trước đó, Tổng thống Barack Obama từng khẳng định về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo. Ông đã ra lệnh cho Bộ quốc phòng Mỹ làm việc này ngay khi ông nhậm chức.

Song, ông đã vấp phải sự ngăn cản của Quốc hội Mỹ. Cơ quan này lặp lại lệnh cấm sử dụng ngân sách chính phủ để di chuyển tù nhân hoặc xây dựng một nhà tù mới ở Mỹ. 


Sau khủng bố Paris, uy tín tổng thống Pháp tăng mạnh

Kết quả điều tra dư luận mới nhất ở Pháp cho thấy uy tín của ông Hollande tăng mạnh sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại Paris.

tong thong phap duoc dan ung ho nhieu hon sau khung bo - anh: convergences

Tổng thống Pháp được dân ủng hộ nhiều hơn sau khủng bố - Ảnh: Convergences

Theo AFP, tỉ lệ dân chúng ủng hộ ông Hollande đã tăng lên tới 50%, mức cao nhất kể từ năm 2012, sau các động thái đáp trả mạnh tay của ông trong chiến dịch truy quét những kẻ gây ra các vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13-11 vừa qua.

Đây là kết quả thăm dò dư luận do hai cơ quan truyền thông Paris Match và Sud Radio thực hiện. Nó cho thấy “điểm số” cao nhất dành cho ông Hollande kể từ tháng 7-2012. Uy tín của tổng thống Pháp đã từng rơi xuống mức rất thấp trong ba năm qua.

Tuy nhiên sau đợt tấn công khủng bố vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái tại Paris hồi tháng 1 năm nay, uy tín của ông Hollande đã tăng thêm 21 điểm.

Và với kết quả điều tra dư luận mới nhất, đây là lần thứ hai trong năm, tỉ lệ dân chúng ủng hộ ông Hollande tiếp tục tăng cao.

Kết quả thăm dò cho thấy 62% người Pháp tin ông Hollande “bảo vệ tốt các quyền lợi của Pháp ở nước ngoài”, 38% tin rằng ông “nói sự thật” với các cử tri.

38% người Pháp cảm thấy tổng thống “sâu sát với những quan tâm của người Pháp”.

Tuy nhiên, chỉ có 28% muốn ông tái đắc cử vào năm 2017.

Kết quả thăm dò dựa trên các cuộc điều tra qua điện thoại thực hiện với 983 người trưởng thành trong hai ngày 27 và 28 tháng 11. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục