Junaid Hussain, chuyên gia mạng hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vừa bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Mỹ.
Quyết tâm thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015
- Cập nhật : 29/08/2015
(Tin kinh te)
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015; mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 (AEM-47) và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 22-25/8 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu. Đây là sự kiện thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và 9 nước đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu.
Đến hết tháng 7 năm 2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Đối với các lĩnh vực như dịch vụ, vận tải, cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, ASEAN thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trong năm 2016. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) khẳng định ưu tiên của ASEAN trong thời gian tới là thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại trong khu vực.
Ưu tiên này của ASEAN cũng phù hợp với nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam. Trên tinh thần đó, các Bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ; xây dựng Cơ chế một cửa ASEAN; quyết định sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) để cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp, v.v.
Đây cũng là các nội dung hoạt động Việt Nam đã và đang triển khai tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Thông tư số 28/TT-BCT ngày 20/8 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Việt Nam đang chuẩn bị ký Nghị định thư khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN và dự kiến sẽ kết nối Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Về hợp tác với các nước ngoài khối, chủ trương của ASEAN là tăng cường quan hệ kinh tế với các nước và khu vực đối thoại. Thực hiện chủ trương này, ASEAN đang tích cực thảo luận về việc nâng cấp và rà soát các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận dụng và hưởng lợi từ các FTA này.
Với Trung Quốc, ASEAN đang thúc đẩy việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để ký kết văn kiện bổ sung nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Với Nhật Bản, ASEAN nhất trí đặt mục tiêu hoàn tất văn kiện bổ sung nội dung thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản vào cuối năm nay. Với Hàn Quốc, các nước ASEAN đã nhất trí ký theo hình thức luân phiên Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc để bổ sung các nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại vào Hiệp định này và đơn giản hóa biểu thuế cắt giảm thuế quan của các nước.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thông qua về nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao, đảm bảo sự phát triển năng động, sáng tạo và toàn diện đồng thời chú trọng yếu tố con người và sẽ tiếp tục tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đây là một Lộ trình hội nhập kinh tế ở mức cao trên cơ sở các kết quả hội nhập đạt được của ASEAN vào cuối năm 2015.
Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục rà soát hướng tới xóa bỏ các rào cản còn lại đối với sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề trong khu vực, tăng cường tạo thuận lợi cho di chuyển vốn và đầu tư để các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội trong việc tiếp cận đầu vào sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng cạnh tranh cũng là một trọng tâm trong Lộ trình này. Với Việt Nam, thách thức lớn nhất đặt ra là tăng cường nội lực sản xuất hàng hóa chất lượng với chi phí cạnh tranh để có thể tận dụng được các cơ hội mở ra từ việc hội nhập kinh tế ASEAN cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục ký kết trong thời gian tới.
Do đó, tại Hội nghị lần này, ta đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận định hướng để hoàn thành các biện pháp xây dựng AEC vào năm 2015 và Lộ trình tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025, tập trung vào nội dung xúc tiến và thuận lợi hóa cho thương mại để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.