Vừa đăng quang ngôi vị Hoa hậu được mấy ngày, Shaima Qassem Abdulrahman đã nhận được một cuộc gọi đe doạ từ IS.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính: Live từ báo Tuổi trẻ Online
- Cập nhật : 16/07/2016
TTO - Đến 15g chiều 16-7, cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 90 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Số binh lính tham gia đảo chính bị bắt giữ đã lên đến 1.563 người.
Trước đó, lúc 21g45 ngày 15-7 (giờ Việt Nam) quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nắm quyền. Quân đội cho biết họ thực hiện cuộc đảo chính để giữ gìn trật tự dân chủ và nhấn mạnh rằng các quy tắc của pháp luật vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.
14g58: Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đạo diễn của cuộc đảo chính này nhiều khả năng là đại tá Muharrem Kose, người từng bị sa thải hồi tháng 3-2016.
Đại tá Muharrem Kose, người bị truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho là cầm đầu cuộc đảo chính - Ảnh: CEELHUUR
Trong khi đó, tổng thống Erdogan lại nghi ngờ người chủ mưu là Fethullah Gulen, một tu sĩ đang sống lưu vong tại Pennsylvania. Năm 2013, ông Gulen bị kết án đứng sau phong trào "Gezi Park" với các cuộc biểu tình khắp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống chính phủ.
Bản thân ông Gulen đã bác bỏ lời buộc tội này, cho rằng "chính quyền phải được tạo nên từ quá trình bầu cử tự do và công bằng chứ không phải bạo lực".
14g52: Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi cuộc đảo chính này là "hành động phản quốc". Phía chính phủ khẳng định đã dập tắt hoàn toàn cuộc đảo chính. Tuy nhiên, các hãng thông tấn lớn trên thế giới như BBC, CNN... vẫn cho rằng tình hình tại Ankara và Istanbul khá phức tạp.
Tính tới thời điểm này, cuộc đảo chính khiến ít nhất 90 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Số binh lính tham gia đảo chính bị bắt giữ đã lên đến 1.563 người.
13g14: Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã bãi nhiệm 5 tướng, 29 đại tá và thẩm tra vài thẩm phán cấp cao. Cũng theo Bộ Nội vụ, ít nhất một căn cứ không quân vẫn đang do phe đảo chính nắm giữ.
12g59: Reuters dẫn nguồn từ một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tướng Hulusi Akar, lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, được giải cứu an toàn sau khi bị một nhóm quân đội thực hiện cuộc đảo chính bắt cóc. Tướng Akar bị giam giữ một căn cứ không quân Akincilar ở ngoại ô thủ đô Ankara.
Thủ tướng Binali Yildirim cho biết trước đó nhóm đảo chính bắt tướng Akar tại bộ chỉ huy ở Ankara và đưa đến sân bay Akincilar bằng trực thăng. Ông Yildirim cũng cho biết đã thả những người bắt cóc tướng Akar.
12g30: Theo CNN, có 754 người đã bị bắt trong cuộc đảo chính của Phong trào hòa bình trong nước. Số người bị thương đến lúc này đã lên đến hơn 1.000 người.
12g00: CNN đưa tin tổng thống Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính kết thúc, chính phủ vẫn kiểm soát tình hình trong bài phát biểu ở thành phố Istanbul. Tuy nhiên, một số thông tin cho thấy vẫn còn các vụ nổ và đấu súng xảy ra tại đây.
11g40: Một email từ văn phòng báo chí của tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phe đảo chính tiếp tục chiến đấu, kiên quyết chống lại những người phản đối.
Phe này, tự nhận là Phong trào Hòa bình trong nước, kêu gọi người dân ở trong nhà để đảm bảo an toàn.
11g30: Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam ra thông cáo báo chí về vụ đảo chính. Thông cáo khẳng định chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình.
Thông cáo viết: "Vụ việc xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ do bầu cử dân chủ chọn ra. Trước sự đoàn kết và thống nhất của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chính đã thất bại. Tổng thống và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ chính quyền. Chỉ một bộ phận nhỏ, chứ không phải toàn bộ, thuộc quân đội thực hiện đảo chính và đã bị toàn nước Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả thích đáng".
11g27: Reuters cho biết hãng tin này đã nhận được một bức thư điện tử từ phe ủng hộ cuộc đảo chính với nội dung cho biết phe này "kiên quyết chiến đấu".
11g23: Ánh sáng ban ngày soi rõ những chiếc xe tăng bị bỏ lại trên đường phố Istanbul. Một số cảnh sát cũng hiện diện gần khu vực này trong khi một số người dân chụp ảnh "tự sướng" bên cạnh xe tăng.
11g20: Truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin một trong những lãnh đạo phe âm mưu đảo chính bị chính quyền Ankara bắt giữ đã ra lệnh cho binh lính dưới trướng mình đầu hàng.
Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng sáng 16-7, người đàn ông trên đã ra lệnh cho quân đội của ông ta đầu hàng theo yêu cầu của lực lượng an ninh.
Cho đến nay hơn 130 người tham gia vào nỗ lực đảo chính đã bị bắt. Một phó kiểm sát trưởng ở Ankara cho biết cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt giữ những người mà họ tin rằng có liên quan đến âm mưu này.
Một số quan chức tại Tòa án phúc thẩm tối cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách bị bắt giữ này.
11g15: Reuters dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đến nay ít nhất 60 người đã thiệt mạng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ 336 người có liên quan đến âm mưu đảo chính.
11g05: Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phản lực F-16 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các cuộc không kích nhắm vào những chiếc xe tăng của phe đảo chính bên ngoài dinh thự tổng thống ở Ankara.
BBC cho biết các báo cáo chưa được xác nhận rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay trực thăng quân sự của phe đảo chính.
Đài truyền hình CNN Turk cho biết có tiếng súng tại các văn phòng của cơ quan điều hành vệ tinh nhà nước Turksat ở Ankara.
11g03: Thủ tướng Binali Yiladirim chỉ định quyền Tham mưu trưởng lực lượng quân sự nước này là Umit Dundar.
Cho đến nay chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có lời nào về số phận hay tình trạng của Tham mưu trưởng Hulusi Akar kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra.
Trước đó ông Erdogan nói rằng ông không có thông tin về tướng Akar dù phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỹ báo cáo rằng vị tướng này đã bị phe âm mưu đảo chính bắt làm con tin.
10g57: Reuters cho biết khoảng 50 binh sĩ tham gia trong nỗ lực đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu hàng tại một trong những cây cầu bắc qua Bosphorus ở Istanbul, rời bỏ xe tăng và giơ tay lên hàng.
Một phóng viên khác của hãng tin trên cũng chứng kiến cảnh hàng chục binh sĩ ủng hộ đảo chính nộp mình cho cảnh sát vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị bao vây bên trong Quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul.
10g45: CNN cho biết những binh lính phe âm mưu đảo chính cố thủ trên cầu Bosphorus tại Istanbul đã rời khỏi những chiếc xe tăng và giơ cao lên đầu hàng.
Các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng âm mưu đảo chính đã kết thúc dù tổng thống Erdogan thừa nhận rằng vẫn còn "xáo trộn nhỏ" tại Ankara.
Tuy nhiên báo cáo của các hãng tin địa phương cho thấy cuộc chiến vẫn đang diễn ra. Hãng tin Anadolu nói rằng một máy bay trực thăng quân sự bị chiếm bởi phe đảo chính đã bị bắn rơi ở ngoại ô Ankara.
10g35: Tổng thống Erdogan tuyên bố ông sẽ đứng vững và không thỏa hiệp.
Ông Erdogan nói rằng ông sẽ nói chuyện với "những người ở Pennsylvana (Mỹ)" - ám chỉ giáo sĩ Fethullah Gulen và những người ủng hộ vị giáo sĩ này và buộc họ tội phản quốc.
"Đã đủ rồi. Nếu can đảm hãy quay về Thổ Nhĩ Kỳ" - ông Erdogan nói.
10g24: Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố tuyên bố nói rằng nỗ lực đảo chính được tiến hành bởi một "phe nhóm trong lực lượng vũ trang" của nước này. Bộ cũng thông tin thêm rằng nỗ lực đảo chính đã bị dập tắt.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyến bố cuộc đảo chính được thực hiện bởi một phe nhóm trong lực lượng vũ trang - Ảnh: AP
10g20: Tình hình vẫn rất hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ dù các quan chức chính quyền Ankara khẳng định đã kiểm soát được tình hình.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các vụ đánh bom nhắm vào quốc hội nước này vẫn đang tiếp tục nổ ra.
Quan chức này cho biết cũng có thêm nhiều trường hợp tử vong ở Istanbul ngoài 42 trường hợp đã thông tin trước đó.
Người dân hồi hộp lo sợ những diễn tiến xấu trên cả nước nhưng vẫn chưa có gì quá nghiêm trọng cho đến lúc này.
Đây cũng là lần đầu tiên người dân trong thành phố nghe nói về việc các máy bay bay rất thấp trên bầu trời thủ đô.
10g11: Nghị sĩ đảng HDP của Thổ Nhĩ Kỳ là Filiz Kerestecioglu đăng tải trên Twitter rằng âm thanh của bom và máy bay trên bầu trời Ankara đã dừng lại nhưng tiếng ồn của một "cuộc giao tranh nghiêm trọng" vẫn đang tiếp diễn.
10g05: Hiện vẫn chưa rõ tổ chức hay thế lực nào đứng sau âm mưu đảo chính.
9g49: Những binh sĩ phe âm mưu đảo chính phá hoại buổi phát sóng trực tiếp của CNN Turk trước đó đã bị bắt.
9g44: Truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ NTV dẫn lời văn phòng công tố tại Ankara cho biết ít nhất 42 người đã thiệt mạng tại thủ đô Ankara trong đêm qua, bao gồm 17 sĩ quan cảnh sát và phần đông là thường dân.
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 13 binh sĩ cố gắng xông vào dinh tổng thống cũng đã bị bắt giữ.
9g27: Hãng tin Reuters cho biết binh sĩ thuộc quân đội chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát sân bay chính Ataturk ở Istanbul ngay sau khi tổng thống Erdogan hạ cánh xuống sân bay này.
Một xe tăng quân sự đã được triển khai đến bên ngoài sân bay khi có thông báo về việc chuyển hướng máy bay chở tổng thống đến sân bay Ataturk.
Hãng tin nhà nước Anadolu thông báo rằng các hoạt động tại sân bay Ataturk đã trở lại bình thường và các chuyến bay sẽ bắt đầu trở lại vào 6g sáng địa phương (10g sáng Việt Nam).
9g16: Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bianli Yildirim ra lệnh cho quân đội nước này bắn hạ bất kỳ máy bay bị chiếm giữ bởi những kẻ âm mưu đảo chính. Ông Yildirim thông tin rằng một số máy bay quân sự bị chiếm đã cất cảnh từ một căn cứ không quân ở Eskisehir, phía đông Ankara.
Dù tình hình vẫn còn rất căng thẳng và khó đoán trước nhưng thủ tướng Yildirim đã nói với hãng tin Anadolu rằng "Mọi việc đang tốt hơn mỗi phút".
Ông Yildirim cũng kêu gọi người dân ở trên đường phố để hỗ trợ chính phủ.
Một nhóm binh lính thuộc phe nỗ lực đảo chính triển chốt chặn ở các điểm chiến lược tại Istanbul, bao gồm cầu Bosphorus - Ảnh: Reuters
9g11: Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố ban chỉ huy quân đội cấp cao của nước này đã kiểm soát tình hình và bắt giữ những người tham gia vào nỗ lực đảo chính. Tuy nhiên một số binh sĩ nổi loạn vẫn đang nổ súng ở Istanbul và Ankara.
Ông Yildirim cho biết ông nhận được một báo cáo chung cho biết một kẻ bên phe âm mưu đảo chính đã bị giết và hơn 130 người liên quan đã bị bắt giữ.
9g05: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon kêu gọi chấm dứt nỗ lực đảo chính. Ông Ban đã kêu gọi "bình tĩnh, kiềm chế và không bạo lực" tại Thổ Nhĩ Kỳ."Can thiệp quân sự vào công việc của bất kỳ nhà nước nào là không thể chấp nhận được" - ông Ban tuyên bố.
Tướng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Zekai Aksakalli tuyên bố những kẻ âm mưu đảo chính sẽ phải trả giá - Ảnh: AFP
9g: Các quan chức EU bao gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và đại diện cấp cao của EU về đối ngoại Federica Mogherini đã ban hành một tuyên bố hỗ trợ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu. EU sẽ hỗ trợ đầy đủ cho chính phủ mà dân đã chọn, các tổ chức trong nước và theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến và phối hợp với 28 thành viên của EU".
8g47: Tổng thống Erdogan cho biết thư ký của ông đã bị bắt cóc bởi những kẻ hoạch định cuộc đảo chính.
Trong khi đó tại Istanbul, như AP đưa tin, một quan chức văn phòng tổng thống cho biết cảnh sát đã bắt giữ hơn 50 binh lính tham gia đảo chính và đám đông ủng hộ chính phủ cũng đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ.
8g39: Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton cho biết bà đã hay tin về vụ đảo chính đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tất cả chúng ta nên kêu gọi sự bình tĩnh và tôn trọng pháp luật, thể chế và nhân quyền và tự do - ủng hộ chính phủ được dân bầu" - bà Clinton kêu gọi.8g35: Hãng tin Anadolu cho biết một quả bom đã trúng vào một tòa nhà trong khu phức hợp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Ankara khiến ít nhất 12 người bị thương khi cuộc đảo chính diễn ra. Một số người gồm nhân viên an ninh và nhân viên văn phòng quốc hội bị thương nặng.
Anadolu cho biết quả bom hoặc đạn cối này thuộc về lực lượng ủng hộ âm mưu đảo chính. Quả bom đã rơi xuống gần cửa ra vào của tòa nhà.
Một đoạn video được cho là quay lại thời điểm xảy ra vụ đánh bom đang lan truyền trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đoạn clip này, một nghị sĩ đang phát biểu trước các đại biểu khác trong một khán phòng có nội thất giống như nội thất bên trong tòa nhà quốc hội.
Khi bài phát biểu kết thúc, ông nghị sĩ này đã nhận được một tràng pháo tay. Một tiếng nổ lớn xảy ra lúc đó và người quay phim dường như đã té xuống sàn nhà. Sau đó là âm thanh của sự hoảng loạn.
Gần 7g (theo giờ Việt Nam), một quả bom khác cũng nổ trúng tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn quốc hội Ismail Kahraman đã xuống hầm trú bom ngay sau vụ nổ đầu tiên.
Hãng RIA Novosti cho biết một loạt các vụ nổ và tiếng súng được nghe thấy xung quanh tòa nhà quốc hội ở Ankara.
Trước đó truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 17 cảnh sát đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công nhắm vào trụ sở cảnh sát của phe nỗ lực đảo chính.
Phát biểu trên truyền hình trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters, ông Erdogan gọi cuộc nổi dậy là một "hành động phản quốc" và rằng những người có trách nhiệm trong vụ đảo chính bất thành này sẽ phải trả "giá đắt".
Tổng thống tuyên bố sẽ "quét sạch" những kẻ đảo chính và thông tin thêm rằng âm mưu đảo chính do một "thiểu số" trong quân đội không chấp nhận sự thống nhất đất nước gây ra.
Ông Erdogan cáo buộc nỗ lực đảo chính được tiến hành theo lệnh của giáo sĩ Fethullah Gulen và cho rằng âm mưu đảo chính cho thấy tổ chức của Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang.
Giáo sĩ Gulen đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định ông không tham gia vào âm mưu đảo chính này.
8g30: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hàng triệu người đang đổ xô ra đường phố để diễu hành phản đối nỗ lực đảo chính.
8g27: Reuters trích lời ông Erdogan, đang phát biểu trên truyền hình, cho biết ông có kế hoạch để "quét sạch" binh lính phe âm mưu đảo chính.
8g21: Tổng thống Erdogan xuất hiện trên truyền hình, được bao vây bởi đám đông những người ủng hộ tại sân bay Istanbul.
8g14: Phương tiện truyền thông địa phương cho biết tổng thống Erdogan xuất hiện giữa đám đông những người ủng hộ tại sân bay chính ở Istanbul sau khi hạ cánh xuống sân bay lớn nhất thành phố này.
Một người biểu tình thách thức quân đội khi nằm ngay trước mũi xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Ataturk, Istanbul - Ảnh: Reuters
8g05: BBC cho biết đã có hai vụ nổ lớn được nghe thấy gần quảng trường Taksim tại Istanbul. Các vụ nổ xảy ra kèm theo tiếng rít của máy bay chiến đấu.
8g01: Một phát ngôn viên của cơ quan tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) cho biết nỗ lực đảo chính đã bị đánh bại nhưng có một số ổ chiến đấu của các binh lính phe nỗ lực đảo chính tiếp tục phản kháng.
"Tất cả những kẻ đã tham gia vào nỗ lực này đều bị xét xử về tội phản quốc" phát ngôn viên Nuh Yilmaz nói trên trang Hurriyet.
7g55: Binh lính phe âm mưu đảo chính "đã hạ vũ khí tại quảng trường Istanbul"
Hãng tin Reuters cho biết khoảng 30 binh lính đã đầu hàng và hạ vũ khí sau khi bị bao vây bởi lực lượng cảnh sát vũ trang của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Quảng trường Taksim ở Istanbul.
Trước đó nhóm lính này đã đụng độ với một đám đông những người ủng hộ chính phủ đã tụ tập tại quảng trường trên để phản đối âm mưu đảo chính.
Cấp cứu một người đàn ông bị thương sau khi xảy ra một cuộc đụng độ với các binh lính phe nỗ lực đảo chính ở lối lên cầu Bosphorus, Istanbul - Ảnh: AFP
7g50: Một nhóm binh lính phe nỗ lực đảo chính đã xông vào văn phòng của tập đoàn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ Dogan Media và cắt đường truyền hình trực tiếp của kênh truyền hình CNN Turk.
7g45: Cảnh sát trưởng Istanbul cho biết chỉ có 104 binh sĩ liên quan đến nỗ lực đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kẻ cầm đầu nỗ lực này là Muharrem Kose - người mà gần đây bị trục xuất và không còn là thành viên theo giáo sĩ Gulen.
Hãng tin Anadolu cho biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công bố một "danh sách những kẻ lên kế hoạch cho âm mưu đảo chính", trong đó Kose đứng ở đầu trang.
7g41: Máy bay chở tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã hạ cánh xuống Istanbul.
Anadolu cho biết hai dân thường đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ở Istanbul. Trước đó có báo cáo cho biết nhóm lính phe âm mưu đảo chính đã nổ súng vào đám đông biểu tình phản đối đảo chính ở cầu Bosphorus.
7g25: CNN Turk cập nhật thông tin về vụ đánh bom tại tòa nhà quốc hội ở Ankara khi đưa tin có một số nhân viên cảnh sát và nhân viên quốc hội bị thương.
Một người đàn ông sống không xa khu vực trên nói với hãng AP rằng ông nghe thấy một tiếng nổ lớn làm rung chuyển các tòa nhà và nhìn thấy một cột khói.
Tuy nhiên ông không thể xác định vụ nổ là ở ngay tại quốc hội hay không. Ông cho biết đã nhìn thấy máy bay bay tầm thấp trong khu vực.
7g23: Một phát ngôn viên tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nỗ lực đảo chính đã bị "đầy lùi" trong một nỗ lực phối hợp giữa chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Yildirim trước đó cũng nói rằng tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ phần nhiều đã được kiểm soát và thông tin thêm rằng những người theo giáo sĩ Fethullah Gulen đã tiến hành nỗ lực đảo chính này.
Ông Yildirim cho biết chỉ huy quân đội nước này đang tiến hành nhiệm vụ đẩy lùi nỗ lực đảo chính, bác bỏ báo cáo trước đó rằng vị chỉ huy này đã bị bắt làm con tin. Ông Yildirim cũng nói với đài truyền hình NTV rằng chính phủ đã công bố một vùng cấm bay trên Ankara.
Một phong trào trung thành với giáo sĩ Fethullah Gulen tại Mỹ đã lên án nỗ lực đảo chính này ở Thổ Nhĩ Kỳ và cáo buộc những người ủng hộ tổng thống Erdogan bằng cách nào đó có liên quan đến âm mưu này.
7g: Hãng tin Reuters đưa tin đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT đã lên sóng trở lại.
6g53: Đám đông đã tụ tập tại sân bay để chào đón tổng thống Erdogan
6g50: Hãng thông tấn chính thức Anadolu cho biết những người ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ do Bộ trưởng Bộ Lao động Suleyman Soylu dẫn đầu đã vào bên trong các văn phòng của đài truyền hình quốc gia TRT.
Anadolu cũng đưa tin rằng một quả bom đã trúng tòa nhà quốc hội ở Ankara.
6g45: Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi tất cả các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ "hỗ trợ chính phủ được bầu chọn của Thổ Nhĩ Kỳ, kiềm chế, tránh bạo lực và đổ máu".
Ngoại trưởng John Kerry cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và nói với ông rằng nước Mỹ "đang theo dõi sự kiện có tầm quan trọng lớn đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ".
6g44: Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tướng Zekai Aksakalli nói với đài truyền hình NTV qua điện thoại rằng "những kẻ đang nỗ lực đảo chính sẽ không thành công. "Người dân nên biết rằng chúng ta sẽ vượt qua chuyện này. Chúng ta đang kiểm soát tình hình".
Tướng Aksakalli cũng cho biết đã có một số trường hợp thương vong trong cuộc đảo chính nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
6g28: BBC cho biết đã có một số người bị thương trong số những người biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính tại cầu Bosphorus ở Istanbul.
6g23: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon kêu gọi các bên bình tĩnh. "Tổng Thư ký đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã nhận được các báo cáo về một âm mưu đảo chính ở nước này" - phát ngôn viên Farhan Haq cho biết.
6g21: Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin máy bay quân đội đang bay trên bầu trởi thủ đô Ankara để đối phó với máy bay trực thăng của nhóm đảo chính. Anadolu cho biết nhóm đảo chính là "Feto" - phong trào Hizment do giáo sĩ Fetullah Gulen điều hành.
6g14: Anadolu đưa tin ít nhất 17 cảnh sát đã bị giết trong một cuộc tấn công từ trên không tại bộ các hoạt động đặc biệt Golbasi ở Ankara.
6g9: Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ NTV báo cáo rằng một máy bay trực thăng Sikorsky thuộc nhóm quân đội đảo chính đã bị một máy bay phản lực F-16 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Đoạn video clip về tình hình đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ của kênh France 24, cho biết hai cây cầu bắc qua vịnh Bosphorus đã bị chặn, trực thăng quần trên bầu trời và xe tăng, binh lính có mặt khắp nơi
6g6: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên tại Moscow rằng Nga "quan ngại sâu sắc về những tin tức tại Thổ Nhĩ Kỳ" và Bộ Ngoại giao và tình báo Nga đang liên tục cập nhật thông tin tại Ankara cho tổng thống Vladimir Putin.
5g53: Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ KỲ nói với hãng tin Reuters rằng một nhóm quân đội cố gắng giành chính quyền. Nhóm này đã kiểm soát một số xe tăng và đã ra lệnh cho quân đội để tìm cách chiếm đường phố nhưng thất bại ở một số khu vực. Quan chức này lưu ý tình trạng kém an ninh có thể kéo dài thêm 24 tiếng nữa ở nước này.
5g51: Những lời cầu nguyện đã được nghe thấy ở Istanbul trước giờ cầu nguyện.
5g41: Phó thủ tướng Numan Kurtulmus nói trên sóng truyền hình trực tiếp rằng đảng AK vẫn nắm quyền trong chính phủ.
5g38: Hãng tin Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin quân đội đã triển khai xe tăng bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Ankara.
5g30: Một nghị sĩ đã gởi hình ảnh cho BBC, nói rằng những người biểu tình đã tụ tập gần tòa nhà quốc hội.
5g25: Những người ủng hộ tổng thống Erdogan có mặt tại Quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul. Đã có báo cáo về những vụ đụng độ ở đó và một số người dùng Twitter nói rằng có tiếng súng nổ ra ở gần Quảng trường này.
5g21: Ngoại trưởng Anh Johnson Boris tuyên bố nước Anh rất quan tâm đến tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ quán Anh tại Ankara đang giám sát chặt chẽ tình hình. Ông Boris kêu gọi công dân Anh vào trang mạng của Bộ Ngoại giao Anh để được tư vấn.
5g15: Tổng thống Erdogan đang trong kỳ nghỉ mát tại thị trấn Marmaris, Địa Trung Hải khi âm mưu đảo chính xảy ra. Hiện ông vẫn đang ở đó.
5g8: Anadolu đưa tin máy bay trực thăng quân sự đã bắn vào trụ sở của cơ quan tình báo quốc gia ở Ankara. Có các báo cáo khác cho biết các tòa nhà khác, bao gồm dinh tổng thống cũng được ngắm làm mục tiêu.
5g: Một phóng viên của AFP đưa tin có một vụ nổ lớn tại Ankara trước 1 giờ sáng (khoảng 5 giờ sáng ngày 16-7 theo giờ Việt Nam) nhưng không biết cái gì đã gây ra một vụ nổ như thế.
Hãng tin địa phương Dogan cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai xe tăng bên ngoài nghị viện tại thủ đô Ankara.
4g26: Một nguồn tin chính phủ nói với hãng Reuters rằng tổng thống Erdogan và chính phủ vẫn nắm giữ quyền lực và sẽ không tha thứ cho những nỗ lực phá hoại nền dân chủ.
Phát biểu qua điện thoại với CNN Turk, ông Erdogan tuyên bố đây là hành động của một "cấu trúc song song". Ông cam kết những nỗ lực đảo chính sẽ nhận được các "phản ứng cần thiết và kêu gọi người dân tránh xa đường phố.
4g24: Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành cảnh báo du lịch với công dân Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu họ "trú ẩn ngay tại chỗ hoặc ở yên trong nhà" và cập nhật tình trạng liên tục cho thân nhân và bạn bè
4g13: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố thiết quân luật và áp đặt lệnh giới nghiêm.
Truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin chỉ huy quân đội nước này đã bị bắt giữ. Phát thanh viên TRT đọc tiếp tuyên bố từ quân đội cho biết các quy tắc dân chủ và thế tục của luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xói mòn bởi chính phủ hiện tại. Cả nước hiện nay sẽ được điều hành bởi một "hội đồng hòa bình" để đảm bảo sự an toàn của người dân. Thông báo cũng cho biết quân đội sẽ chuẩn bị một hiến pháp mới "càng sớm càng tốt".
4g10: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng điều quan trọng hiện giờ là tránh đổ máu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Lavrov kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề trong khuôn khổ của hiến pháp.
4g: Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông hy vọng sẽ có hòa bình, ổn định tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nguồn tin tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn an toàn và hiện chưa rõ nơi ở của ông.
Trong khi đó binh sĩ đang chiếm giữ các tòa nhà của đài truyền hình nhà nước TRT và xe tăng chặn đường tại các sân bay Istanbul và Ankara. Tất cả các chuyến bay từ sân bay quốc tế chính ở Istanbul đều bị hủy bỏ.
3g50: Hãng tin nhà nước Anadolu cho biết tham mưu trưởng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những con tin bị bắt giữ tại Ankara.
Trước đó thủ tướng Yildirim cho biết trên truyền hình rằng một nhóm trong quân đội đã cố gắng lật đổ chính phủ.
Phát biểu của ông trên kênh NTV được đưa ra sau khi binh sĩ đã được nhìn thấy trên các con đường ở Istanbul và Ankara trong khi các máy bay phản lực bay thấp ở phía trên đầu và những công dân bình thường vội vã về nhà để tìm kiếm sự an toàn cho bản thân sau khi chứng kiến những nỗ lực đảo chính của quân đội.
Xe thiết giáp của quân đội cũng đã chặn cây cầu Bosphorus và Fatih Sultan tại Istanbul trong khi nghe tiếng súng nổ.
Nếu cuộc đảo chính thành công, việc lật đổ tổng thống Recep Tayyip Erdogan - người đã lên nắm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 đến nay - sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất về quyền lực tại Trung Đông.ANH THƯ
Nguồn:Tuổi Trẻ Online