Thẩm phán được trọng vọng Thomas Mensah là chủ tịch ban trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" trong vụ kiện Biển Đông.
Phán quyết PCA: "Đường chín đoạn" không có cơ sở pháp lý
- Cập nhật : 13/07/2016
Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ngày 12-7 đã phán quyết vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về biển Đông.
Về Quyền lịch sử của Trung Quốc và “đường chín đoạn”: Tòa trọng tài tuyên bố dù các ngư dân và các nhà hàng hải Trung Quốc, cũng như các nước khác về lịch sử đã sử dụng các đảo ở biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thực hiện độc chiếm kiểm soát vùng biển và tài nguyên này.
PCA kết luận rằng không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để tuyên bố quyền lịch sử đối với tài nguyên trong khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”.
Về hiện trạng của những cấu trúc (ở biển Đông): Tòa trọng tài kết luận không có cấu trúc nào của quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Về tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc: PCA kết luận Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với các hành động bao gồm (a) can thiệp hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines, (b) xây dựng các đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn được các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực này.
PCA cũng khẳng định thêm rằng các ngư dân từ Philippines (cũng như Trung Quốc) có quyền đánh bắt cá truyền thống ở bãi cạn Scarbourough và Trung Quốc đã can thiệp với quyền này trong sự tiếp cận hạn chế. Thêm vào đó, PCA tuyên bố cac tàu của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã gây ra những nguy cơ đụng độ nguy hiểm khi họ cản trở các tàu Philippines.
Về vấn đề "Hủy hoại môi trường biển": PCA kết luận Trung Quốc đã gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái dễ tổn thương và môi trường sống của các sinh vật đang bị đe dọa, đang trong tình trang nguy hiểm.
PCA cũng thấy rằng giới chức Trung Quốc có biết việc các ngư dân nước này đánh bắt quy mô lớn các loại rùa biển, san hô và trai đang trong tình trạng nguy cơ cao ở biển Đông (sử dụng các phương pháp đánh bắt gây hủy hoại nghiêm trọng đối với các môi trường rạn san hô) và không chấp hành cam kết chấm dứt các hành động này.
Về việc Trung Quốc có làm tồi tệ hơn các cuộc tranh chấp hay không: PCA kết luận họ thiếu quyền tài phán để xem xét những hành động giữa lực lượng của Philippines với hải quân và tàu thực thi pháp luật Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây bởi vấn đề tranh chấp này liên quan tới các hoạt động quân sự và bởi vậy không nằm trong phạm vi vụ kiện này.
Tuy nhiên, PCA thấy rằng các hoạt động bồi lấn quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc gần đây là không đúng với bổn phận pháp lý. Không những thế, Trung Quốc còn gây nguy hại nghiêm trọng với môi trường biển, xây dựng đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá hủy các cấu trúc tự nhiên ở biển Đông, đều này một phần hình thành tranh chấp.
Khái quát vụ kiện của Philippines
Chính phủ Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra PCA vào tháng 1-2013. Lập luận của Philippines bao gồmnhững điểm chính sau:
Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực hiện “quyền lịch sử” đối với các vùng biển, đáy biển, và vùng đất dưới đáy biển ngoài giới hạn mà nước này được hưởng.
Thứ hai, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thể hiện qua đường 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra và chiếm gần trọn biển Đông, là vô giá trị theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thứ ba, những cấu trúc ở biển Đông không phải các đảo với các quyền gắn với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS vì can thiệp vào quyền thực thi chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.
Thứ 5, Trung Quốc gây thiệt hại không thể phục hồi với môi trường biển.
Phía Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện và không chấp nhận phán quyết của PCA.
Đỗ Quyên