Căng thẳng Triều Tiên không ngừng leo thang; Chảo lửa Syria hạ nhiệt sau khi nhóm khủng bố IS bị tiêu diệt gần như hoàn toàn; Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố bất ngờ về Jerusalem là Top 10 sự kiện "không thể quên" năm 2017.
Đối thoại Catalan bế tắc, Tây Ban Nha có phạm luật EU?
- Cập nhật : 09/10/2017
Thủ tướng Tây Ban Nha từ chối đối thoại với người dân Catalan khi họ đòi quyền chính đáng như EU đã làm với Nam Tư.
Đối thoại Catalan đi vào bế tắc
Thủ tướng Tây Ban Nha – Marian Rajoy hôm Chủ nhật đã tuyên bố, chính quyền Madrid sẽ không bao giờ cho phép yêu sách đòi độc lập của người dân xứ Catalan xảy ra.
Trả lời phỏng vấn của tờ El Pais, ông Rajoy cũng từ chối bất kỳ giải pháp “hòa giải” nào để giải quyết khủng hoảng.
"Tôi không từ bỏ bất kỳ hành động nào được luật pháp cho phép. Lý tưởng là không phải làm bất kỳ biện pháp cực đoan nào hết, nhưng để điều đó không xảy ra thì mọi chuyện phải thay đổi. Tôi muốn những đe dọa về tự tuyên bố độc lập phải được rút ngay lập tức", ông Rajoy nói.
Thủ tướng Rajoy đã thừa nhận ông hoàn toàn có thể kích hoạt điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, cho phép chính phủ nước này giải tán chính quyền ở các khu tự trị, mở cuộc bầu cử địa phương mới và thậm chí là đình chỉ luôn quyền tự trị của vùng đất nói trên.
Ông cũng cho biết đã lên kế hoạch duy trì việc triển khai lực lượng cảnh sát hùng hậu ở xứ Catalan từ trước khi cuộc trưng cầu diễn ra cho đến khi cuộc khủng hoảng này chấm dứt.
Thủ tướng Tây Ban Nha cũng cho biết sẽ không tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm vì làm như vậy sẽ khiến khủng hoảng chính trị gia tăng thêm.
"Đây là một cuộc chiến ở châu Âu", ông nói. "Đó là một cuộc chiến mà trong đó các giá trị của châu Âu đang bị đe dọa. Tôi tin rằng tất cả các chính phủ (thuộc EU-PV) sẽ tiếp tục ủng hộ hiến pháp và tuân theo luật pháp."
Trước đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố các khả năng tương tự, nhấn mạnh vào hành động bạo lực của cảnh sát là đúng đắn và tuân theo đúng pháp luật của Tòa án Tối cao.
"Tôi nghĩ rằng hành động của cảnh sát hôm Chủ nhật tuần trước tại Barcelona là hoàn toàn đúng, họ tuân theo quyết định của tòa. Chúng tôi rõ ràng không thích điều đó và chúng tôi hiểu là những hình ảnh này không mấy dễ chịu khi xem qua tin tức. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là một hành động đúng" - ông Ildefonso Castro, Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh.
"Bạn có thể không hài lòng với luật pháp, nhưng bạn không được phép làm trái luật. Nếu bạn vi phạm pháp luật, bạn trở thành tội phạm", ông Castro nói thêm.
Trong khi đó, một cuộc tuần hành của những người bỏ phiếu chống và phiếu trắng ở Catalan hôm 1/10 cũng như nhiều vùng khác đã đổ xuống đường ở Barcelona, mang theo cờ Tây Ban Nha và cờ của Catalonia để yêu cầu đối thoại và bày tỏ không muốn rời Tây Ban Nha.
Cảnh sát cho biết, khoảng 350.000 người đã tham gia cuộc tuần hành ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha hôm 8/10. Trong khi các nhà tổ chức cho rằng số người tham gia lên tới hơn 1 triệu người.
Nggày 7/10, hàng ngàn người trên khắp Tây Ban Nha cũng đã tập trung các cuộc tuần hành, mặc áo màu trắng và không mang cờ để ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất, đòi hỏi đối thoại: "Chúng ta hãy nói chuyện".
Thống đốc Catalan - Carles Puigdemont đang chịu áp lực ngày càng tăng.
Hoặc ông sẽ bị phạt tù và khu vực Catalan bị tước quyền tự trị, thuộc quyền quản lý của Tây Ban Nha. Hoặc tiếp tục phản kháng, bị bạo lực trấn áp và lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn sau khi nhiều công ty, bao gồm cả ngân hàng lớn thứ 3 của Tây Ban Nha đã rời khỏi khu vực.
Thứ 3, ngày 10/10, ông Puigdemont sẽ phải xuất hiện tại Quốc hội Catalan và thông báo về quyết định của mình.
Catalan chỉ đòi quyền lợi như EU đã làm ở Nam Tư?
Thế giới vẫn chưa thể quên được "cuộc thanh lọc sắc tộc" xảy ra tại Liên bang Nam Tư hồi năm 1991-1992.
Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ khiến Liên bang Nam Tư gồm 6 nước cộng hòa Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia buộc phải tan rã. Trong đó, quyền tự trị của Kosovo và Vojvodina ở Serbia cũng bị hủy bỏ.
Tới năm 1992, Liên bang Nam Tư thống nhất đã bị tan vỡ. Đầu tiên là Slovenia rồi đến Croatia rời khỏi Nam Tư và cuộc xung đột ở Bosnia.
Những người thuộc sắc tộc Serbia vốn đang kiểm soát tới 70% nước Cộng hoà Bosnia muốn xây dựng nước cộng hòa Serbia hùng mạnh hơn. Còn những người Bosnia gốc Croatia, vốn mong muốn tách ra để thuộc về nước cộng Croatia.
Với áp lực từ phía Mỹ, Bosnia đã thiết lập nên thỏa thuận hòa bình Dayton cho phép tồn tại 2 thực tể tự trị gồm Cộng hoà của người Bosnia gốc Serbia và Liên bang Hồi giáo- Croatia.
Để giám sát việc chia tách này, lực lượng của liên minh quân sự NATO đã tới Serbia nhưng họ đã có quyền hành nhiều hơn những gì được phép bao gồm cả bắt giữ những tội phạm chiến tranh bị kết tội. Còn Croatia dần giành lại hầu hết vùng lãnh thổ của Serbia.
Trong khi đó, năm 1998, 8 năm sau khi quyền tự trị của tỉnh Kosovo bị bãi bỏ, lực lượng Quân đội Giải phóng Kosovo đã nổi dậy công khai chống lại sự điều hành của chính quyền Serbia.
Cộng đồng phương Tây hậu thuẫn cho quyền tự trị của Kosovo. NATO đã dùng mọi sức ép, thậm chí thực hiện cả oanh kích vào căn cứ quân đội và cơ sở dân sự ở Nam Tư, lần đầu tiên liên minh nhằm vào một quốc gia châu Âu có chủ quyền.
Còn nước cộng hòa Nam Tư duy nhất ở lại cùng Serbia khi đó là Montenegro cũng giảm dần quan hệ.
Liên bang Nam Tư đã chính thức biến mất khỏi bản đồ châu Âu sau 83 năm tồn tại. Năm 2008, Kosovo đã chính thức tuyên bố độc lập.
Sự tan rã của Liên bang Nam Tư nói chung và quá trình độc lập của tỉnh Kosovo nói riêng đã được minh chứng bằng các nỗ lực quân sự của Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó, trở lại quyền đòi độc lập ở Tây Ban Nha của Catalan. Người dân Catalan đã thực hiện một nỗ lực đòi độc lập trong hòa bình, thực hiện theo nguyên tắc dân chủ của châu Âu bằng cách mở một cuộc trưng cầu dân ý.
Nhưng châu Âu giờ đây rất khó ăn khó nói. EU đã im lặng một cách đáng sợ trước các bạo lực mà chính quyền trung ương đối với khu vực đòi quyền tự quyết.
Theo ông Tony Bayes-Genis - thành viên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu nói với The Guardian, Chính phủ Tây Ban Nha, với cách dùng bạo lực đã vi phạm Điều 7 của Hiệp ước Liên minh châu Âu, trong đó đề cập đến “sự vi phạm nghiêm trọng và dai dẳng” chống lại các giá trị của EU.
Ông cho rằng, việc cảnh sát Tây Ban Nha nhằm vào người dân đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý hòa bình ở Catalan đã vi phạm Điều 7 của Hiệp ước EU.
Và việc EU từ chối can thiệp vào vấn đề mà họ cho rằng là nội bộ quốc gia Tây Ban Nha là một sai lầm.
Tới một lúc nào đó trong tương lai, người dân châu Âu sẽ quyết định xem EU có đáng giá như nó đang tồn tại bây giờ hay không.
"Tôi buộc phải thừa nhận, giá trị EU là không còn nữa"- ông Bayes-Genis nói.
Đông Phong
Theo Baodatviet.vn