Nỗi lo béo phì giờ đây không còn là “độc quyền” của các nước phát triển. Những nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi cũng đang đối mặt khủng hoảng này.
Moscow cảnh báo Mỹ mở chiến dịch 'đánh' truyền thông Nga
- Cập nhật : 02/10/2017
Mỹ đang tìm cách ảnh hưởng lên quan hệ ngoại giao bằng cách tác động tiêu cực đến truyền thông Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 1/10 đã nhấn mạnh vào việc Mỹ bắt đầu chiến dịch chống lại cơ quan truyền thông Nga khi tìm cách đe dọa các phóng viên của Nga tại quốc gia cờ hoa.
Các phóng viên này chia sẻ rằng, họ cảm thấy "công việc đang trở thành mối đe dọa rất lớn tới tính mạng".
Bà Zakharova cho hay, Mỹ đang hành xử với đài RT về các cáo buộc can thiệp tới bầu cử Tổng thống 2016 và tuyên bố khả năng không cho phát sóng RT ở Mỹ.
"Những gì đang bắt đầu tại Mỹ nhằm chống lại các kênh truyền hình của chúng tôi - và không chỉ chống lại Russia Today (RT) mà chiến dịch tương tự cũng đang áp dụng để chống lại TASS, hay các tờ báo khác hay các phóng viên và nhà báo của chúng tôi. Họ đang tới, họ đặt tên vào danh sách, sẽ không cho hoạt động mở rộng hoặc công nhận thị thực, hay bất cứ những gì tương đương như vậy" - bà Zakharova nói.
Bà Zakharova nhấn mạnh, chiến dịch mà Mỹ đang phát động là một sai lầm khổng lồ và phía Nga vẫn đang thể hiện sự kiềm chế, không đối đầu.
Bà Zakharova cho hay, phía Nga "chưa bao giờ nghĩ tới việc đưa ai ra khỏi thị thực Nga, hoặc đóng cửa thị thực với bất cứ ai".
Phát ngôn Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Một phản ứng tương tự sẽ không có hiệu lực từ phía Nga. Chúng tôi không mắc phải sai lầm này, vì đối với chúng tôi, tự do báo chí rất thiêng liêng".
Tuy nhiên, bà Zakharova cũng cảnh báo, Nga sẽ thực hiện theo đúng những gì Mỹ sẽ tiến hành nếu Washington "đe dọa các phóng viên Nga về thể chất và khiến họ cảm thấy nguy hiểm tính mạng khi thực hiện công việc truyền thông của mình".
"Sự lựa chọn không phải là ở chúng tôi" - bà Zakharova kết luận.
Tuyên bố cứng rắn từ phía nữ phát ngôn viên Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra sau khi ban lãnh đạo mạng xã hội Twitter công bố thông tin trước Quốc hội Mỹ rằng RT đã đăng tải các thông tin quảng cáo sai lệch, làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016.
Truyền thông Mỹ xây dựng hình ảnh "ngáo ộp Nga"
RT trong thông cáo báo chí hôm 29/9 phản đối việc Twitter cho rằng, kênh truyền thông này đã chi bộn tiền cho các chiến dịch quảng cáo ở Mỹ và gần 2.000 quảng cáo của RT trên mạng xã hội khác biệt so với quảng cáo của nhiều tập đoàn truyền thông khác.
Cụ thể, tổng số tiền mà RT chi cho hoạt động quảng cáo tại Mỹ là 274.100 USD. Twitter thậm chí còn cho rằng các tài khoản của RT trên Twitter đã đăng hơn 1.800 dòng trạng thái rõ ràng và ẩn ý nhằm vào đất nước Mỹ.
RT phản bác lại cáo buộc trên cũng như lấy dẫn chứng kênh CNN của Mỹ cũng phát sóng quảng cáo của RT.
Quốc hội Mỹ đang xem xét về một dự luật riêng nhằm vào các kênh truyền thông Nga, qua đó yêu cầu các nhà phân phối ở Mỹ ngừng phát sóng đài RT. Nếu dự luật được thông qua, các nhà mạng của Mỹ có thể từ chối cung cấp dịch vụ cho RT cũng như RT có thể bị ép buộc rời khỏi nước Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã yêu cầu đài truyền hình RT của Nga đăng ký hoạt động tại Mỹ với tư cách là một "văn phòng đại diện nước ngoài". Hoạt động đăng ký này nhằm hiện thực hóa Đạo luật đăng ký các đại lý nước ngoài (FARA) được thông qua năm 1938 nhằm chống lại các hoạt động của phát-xít Đức trên đất Mỹ.
Kênh này đã phải đối mặt với áp lực từ các phương tiện truyền thông Mỹ sau các tuyên bố điều tra. Tổng biên tập nhà đài này cho biết, các nhà báo đã rất sợ hãi khi làm việc với danh nghĩa thuộc RT, còn các quan chức cũng đã được cảnh báo không hợp tác hay không trả lời phỏng vấn các phóng viên, nhà báo của RT.
Không chỉ RT, hãng tin Sputnik cũng đang bị cản trở hoạt động tại Mỹ. Nhà báo Mỹ Andrew Feinberg làm việc tại Sputnik cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hiện đang mở cuộc điều tra làm rõ cách thức hoạt động của Sputnik. Bản thân nhà báo này cũng đã bị FBI thẩm vấn ngày 1/9 vừa qua.
Tổng biên tập RT - bà Margarita Simonyan cho rằng, chính quyền Mỹ đang đánh giá quá cao RT khi khán giả của kênh này còn hơn những Tập đoàn truyền thông Mỹ, vốn đã không còn tiếng nói.
"Khán giả của kênh RT chỉ mới phát triển ở Mỹ. Nhưng ngay cả với những Tập đoàn truyền thông Mỹ lớn mạnh, đa số người dân Mỹ cũng chẳng tin họ. Chính quyền Mỹ không hiểu điều này.
Donald Trump là một ví dụ. Ông được bầu làm Tổng thống trong khi gần như tất cả các phương tiện truyền thông Mỹ đã tung ra các chiến dịch chống lại ông ta" - bà Margarita Simonyan nói.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump mới đây đã ký một sắc lệnh mới nhằm chống lại nạn buôn người. Trong đó, các biện pháp trừng phạt là Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ nhân đạo hoặc dành ngân sách cho trao đổi văn hoá hoặc giáo dục với Nga, Trung Quốc, Syria, Venezuela và các nước khác.
Các đòn trừng phạt liên tiếp trên mọi lĩnh vực ban đầu là kinh tế, ngoại giao, sắp tới sẽ là giáo dục, văn hóa... từ phía Mỹ hướng về phía Nga đã khiến quan hệ hai nước lớn trở nên nguội lạnh, bất chấp các nỗ lực hàn gắn từ phía Bộ Ngoại giao của hai bên.
Các trừng phạt được đưa ra sau khi ông Donald Trump với tư tưởng kéo gần quan hệ với Nga trở thành Tổng thống Mỹ, các mặt trận mà quân đội Mỹ tham gia ở Trung Đông dần mất đi ưu thế trước Nga, cũng như mối kết thân giữa Moscow và EU đang ngày càng khăng khít dù ngoài miệng tuyên bố cấm vận...
Hình ảnh những "con ngáo ộp Nga" được chính quyền Mỹ dựng lên ngày càng to lớn, che đi mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ chính trị Mỹ thông qua công cụ trừng phạt.
Đông Phong
Theo Baodatviet.vn