Sau vụ bắt giữ Chủ tịch Đảng đối lập Kem Sokha, Campuchia đang lo ngại về khả năng đối đầu chính sách ngoại giao và thương mại với Mỹ.
Xoay trục hướng Đông vì kinh tế, Nga dễ bị hóc?
- Cập nhật : 31/08/2017
Nga đang thúc đẩy hành lang kinh tế với Mông Cổ và Trung Quốc trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của lệnh trừng phạt nhưng...
TASS ngày 30/8 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông tin, hành lang vận tải Nga- Mông Cổ- Trung Quốc sẽ chính thức được đưa vào hoạt động vào năm 2018.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc đàm phán với người đồng cấp Mông Cổ Lundeg Purevsuren vào cùng ngày.
Ông Lavrov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hành lang này trong việc vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế của 3 bên.
"Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ có hiệu lực và sẽ sớm được thông qua tại các quốc gia đối tác (hiện Nga đã thông qua - PV) để việc vận chuyển bằng hành lang Nga- Mông Cổ - Trung Quốc sẽ được mở ra vào năm sau- tức năm 2018" - Ngoại trưởng Nga nói.
Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov cùng ngày 30/8 cũng chia sẻ về cuộc họp của các quan chức cấp cao thuộc các Bộ về kinh tế và vận tải của ba nước, theo đó danh sách các dự án được ưu tiên cho chương trình chung đã được phê duyệt.
Ba trong số các dự án thuộc về lĩnh vực vận tải.
"Đây là sự phát triển của hành lang đường sắt được lấy làm trung tâm, từ đó tổ chức các hoạt động vận tải quá cảnh trên đường bay Tianjin-Ulan Bator-Ulan-Ude và mở một con đường dọc theo tuyến đường sắt này" - ông Sokolov nói.
Bộ trưởng Giao thông Sokolov cho rằng, các chuyến hàng đầu tiên có thể sẽ được vận chuyển bằng đường cao tốc vào năm 2018 sau khi ba quốc gia chấp thuận cấp phép để xây dựng tuyến đường nối này.
Ông Sokolov nhấn mạnh rằng, chính sách vận tải của Moscow đã được đầu tư thành trọng tâm trong thời điêm hiện nay, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác 3 bên với Nga, Mông Cổ, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Sokolov cũng khẳng định, hiện Bộ Giao thông cũng sẵn sàng cho việc tăng cường vận tải quá cảnh dọc theo các tuyến hành lang và tuyến đường giữa Nga và Trung Quốc thông qua Mông Cổ.
Hồi tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã bày tỏ sự ủng hộ việc thúc đẩy dự án hành lang kinh tế trên. Ông Wang Yi nói rằng, việc xây dựng một hành lang vận tải nối liên 3 nước này sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế và khuyến khích sự tham gia của Mông Cổ vào các thị trường quốc tế.
Nga chỉ đang trông chờ bánh vẽ?
Với việc Nga đang rất sốt sắng về dự án hành lang kinh tế mới với Mông Cổ tới Trung Quốc, đây được xem là một trong những nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp vào Nga.
Tuy nhiên, với việc thúc đẩy hành lang kinh tế này, Nga khó có cơ hội để tìm kiếm sự xoay trục hoàn toàn hay kiếm được nhiều lợi ích kinh tế hơn.
Trên thực tế, hàng hóa mà Nga có thể thúc đẩy qua hành lang kinh tế này là các sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản.
Tuy nhiên, với lợi thế là một quốc gia giàu khoáng sản, hiện đã bị ảnh hưởng bởi các dòng chảy tài chính của Trung Quốc, lại có dân số không lớn, hy vọng của Nga vào Mông Cổ là khó mang lại nhiều triển vọng lớn.
Trong khi đó, dù có nhiều dự án hợp tác chung lâu nay, Nga cũng không thuận lợi trong việc làm ăn với Trung Quốc.
Sáng kiến "Một vành đai - Một con đường" của Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác với Nga đi vào chiến lược. Nhưng Nga đã tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc, còn Bắc Kinh thì chỉ tô vẽ.
Tỷ phú Gennady Timchenko-một trong những người bạn thân nhất của Tổng thống Putin được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh cho biết, khi lập dự án thì Trung Quốc xúc tiến rất nhanh, dù dự án hoành tráng như thế nào đi nữa, nhưng tiền thật từ Trung Quốc thì rất chậm.
“Trong số hàng chục các dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ có một ít được thực hiện"-ông Timchenko nói.
Đơn cử như dự án đường ống dẫn khí qua Siberia đến Trung Quốc được dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 với khoản tín dụng 55 tỷ USD từ Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ chuyển trước khoản 25 tỉ USD nhưng Gazprom đã chờ và dần từ bỏ việc khoản tín dụng này được chuyển tới.
Trong khi hợp tác trong lĩnh vực năng lượng được Moscow xem là xương sống của quan hệ kinh tế giữa Nga-Trung thì tất cả các dự án đường ống dẫn khí đốt cho tới lưới điện đều bị trì hoãn, chậm trễ.
Đáng chú ý, Moscow đã tung nhiều quả ngọt hơn cho Bắc Kinh nhưng những gì nhận được thực tế từ Trung Quốc chỉ là chiếc bánh vẽ.
Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu của Nga, thậm chí lên mức kỷ lục 5,2 triệu tấn trong tháng 5/2016. Không những vậy, Bắc Kinh còn tăng lượng dầu nhập Saudi Arabia, lên 961.000 thùng/ ngày, tăng lượng dầu nhập từ Iran, lên 619.300 thùng/ngày.
Theo giới phân tích, Bắc Kinh nhập khẩu dầu kỷ lục từ Nga vì lợi ích từ dầu giá rẻ và ưu đãi từ Moscow, nhưng tăng nhập khẩu dầu từ các đối thủ của Moscow nhằm tạo sự cạnh tranh khiến Moscow phải giảm giá thêm.
“Các công ty Trung Quốc sẵn sàng xây dựng đường cao tốc ở Nga, người Trung Quốc có thể thi công đường nhựa ở Nga, nhưng sau khi hoàn thành những con đường này phải đem lại lợi nhuận cho người Trung Quốc"- Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài He Chzhenvey nhận xét.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đạt tới 1.220 tỷ USD, nhưng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong cùng kỳ chỉ đạt 24,73 tỷ USD.
Con số này đã đủ nói lên rất nhiều điều từ việc Nga đã giành nhiều ưu ái cho Bắc Kinh nhưng nhận lại thì quá ít. Điều này sẽ đặt dấu hỏi cho Nga khi hiệu quả đạt được có xứng đáng với những nỗ lực mà họ đã bỏ ra cho việc kỳ vọng vào hành lang này hay không.
Thạch Tú
Theo Baodatviet.vn