Gần 23 năm đã trôi qua kể từ sau hội nghị ở Indonesia, nơi các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua các Mục tiêu Bogor, APEC đã đạt những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Hiệp định liên kết EU - Ukraine: Cú lừa lịch sử?
- Cập nhật : 03/09/2017
''Ukraine đã phê chuẩn một thỏa thuận gần giống với phiên bản do EU đề xuất ngay từ ban đầu"
Vui mừng quá sớm
RT ngày 1/9 đưa tin, Hiệp định liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là, với nhiều quy định được áp dụng, liệu Kiev có thể hi vọng hội nhập thực sự với châu Âu hay không?.
"Hiệp định của Ukraine với EU là một gói gồm 486 bản báo cáo, trong đó có 311 quy định về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại", chuyên gia kinh tế Nga Evsey Vasilyev cho biết.
"Trên thực tế, chúng ta đang nói về một khu vực mậu dịch tự do mở rộng. EU cũng có quan hệ tương tự với ba mươi quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Châu Mỹ La Tinh, Bắc Phi, Trung Đông, Albania, Kosovo, Nam Phi và Hàn Quốc.
Tất nhiên, các thỏa thuận là khác nhau. Song lãnh đạo của Ukraine đã coi nó như một bước tiến quan trọng trong việc gia nhập EU", Vasilyev nói.
Theo Vasilyev, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thoả thuận hiệp định tương tự với lãnh đạo tiền nhiệm của EU hồi năm 1963. Song cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không phải là thành viên của EU.
Bản thân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng nói rõ rằng, Ukraine không phải là thành viên của NATO hay EU.
"Một vài ngày trước, tôi thấy ông Poroshenko nói rằng, Ukraine sẽ gia nhập Liên minh Châu Âu, và NATO. Hiện tại, điều đó chưa thành hiện thực, và tôi nghĩ chúng ta cần lưu ý điều này", ông Juncker nói trong một cuộc họp các đại sứ EU tại Brussels.
Thiệt đơn thiệt kép
Theo các báo cáo kinh tế gần đây, Ukraine đã ghi nhận sự sụt giảm thương mại đáng kể với Nga.
Vào năm 2016, xuất khẩu của Ukraine sang Liên minh Châu Âu chỉ tăng 3%, và thương mại song phương tăng trưởng 6%. Trong khi đó, xuất khẩu của Ukraine sang Nga giảm 25,6% so với năm trước.
Theo bà Irina Klimenko-Viện nghiên cứu chiến lược New Ukraine, Nga chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại Ucraine, trong khi châu Âu chỉ chiếm 30%.
"Thêm vào đó, một số doanh nghiệp lớn của Ukraine thường tập trung chủ yếu vào thị trường Nga. Vì vậy, đối với một số doanh nghiệp, việc không thể xuất khẩu hàng hóa sang Nga là một vấn đề rất lớn", bà Klimenko nhấn mạnh.
CEO của một công ty nông nghiệp lớn tại Ukraine (đề nghị giấu tên) nói với RT rằng: "Các nước trong Liên minh châu Âu muốn bảo vệ thị trường trong nước và không muốn phải cạnh tranh. Do đó, công ty Ukraine khó có thể tiếp cận với thị trường này".
Ukraine chỉ được miễn thuế vào EU cho một lượng nhỏ các mặt hàng gồm: 3.000 tấn mật ong, 500 tấn rượu vang, 650.000 tấn ngô và bột ngô, 7.800 tấn lúa mạch và bột mì, 4.000 tấn yến mạch...
Chuyên gia kinh tế Nga Evsey Vasilyev cho rằng, "Các chính trị gia ở Kiev dường như quá bận rộn trong việc theo đuổi các khoản tiền có được thông qua các hoạt động chính trị.
Họ đã không phân tích tài liệu một cách cẩn thận, và họ cũng không đàm phán cụ thể với Brussels. Kết quả, Ukraine đã phê chuẩn một thỏa thuận gần giống với phiên bản do EU đề xuất ngay từ ban đầu", Vasilyev nói.
Trong khi các công ty của Ukraine ở châu Âu bị làm khó, thì các công ty châu Âu hoạt động tại Ukraine vẫn nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lý.
Bất kỳ tranh chấp kinh tế nào của các công ty châu Âu tại Ukraine sẽ được tòa án EU tự động giải quyết nhằm đảm báo lợi ích của người châu Âu.
Rõ ràng luật pháp châu Âu được ưu tiên hơn đối với luật pháp Ukraine, vị chuyên gia kinh tế Nga kết luận.
Tú Uyên
Theo Baodatviet.vn