Nếu dòng dầu thô ngừng chảy, đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Triều Tiên sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền để trùng tu mà cũng chưa chắc thành công.
BRICS hạ gục G7: Từ hy vọng, kỳ vọng đến thất vọng
- Cập nhật : 03/09/2017
Từ khi thành lập, nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Nga thành lập chưa bao giờ đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta đặt vào nó.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS và những vấn đề nội tại
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi được khai mạc vào ngày hôm nay - 3/9/2017 tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc; với chủ đề chính là: “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng”.
Tuy nhiên, chủ đề của hội nghị thượng đỉnh của BRICS đã không còn là một sự kiện thu hút quá nhiều sự chú ý của các nhà phân tích và giới truyền thông vào lúc này; mà ngược lại, chính là những mâu thuẫn, tranh chấp lẫn nhau và các vấn đề nội tại của các thành viên mới là những điểm nhấn chính.
Khác xa với ánh hào quang từ những ngày đầu ra đời 1 thập kỷ trước về một đối trọng kinh tế mới với Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); cùng với những kỳ vọng về một đối thủ chính trị nặng ký của G7; BRICS chỉ còn là một cụm từ mang tính biểu tượng trong phát ngôn của Nga.
BRICS giờ đây đang khiến người ta nghi ngờ rằng, nhóm này chỉ đơn giản là đang “sống mòn”, tồn tại chỉ trên danh nghĩa một cái tên, được liên kết lỏng lẻo với nhau bởi các chữ cái B (Brazil), R (Nga-Russia), I (Ấn Độ-Indian), C (Trung Quốc-China) và S (Nam Phi-South Africa).
Từ khi được thành lập đến nay, những kế hoạch to lớn về kinh tế và cả những kỳ vọng về ảnh hưởng chính trị của các quốc gia BRICS đã không thực hiện được, bởi nhiều lí do khác nhau. Tuy nhiên, những điều này phần lớn xuất phát từ 3 thành viên chủ chốt là Nga,Trung Quốc và Ấn Độ; tập trung chủ yếu vào những nguyên nhân sau đây:
Sự bất đồng về quan điểm chính trị và đường lối đối ngoại
Nếu những ai cho rằng, kinh tế không liên quan gì đến chính trị thì người đó là hoàn toàn sai lầm, một khối liên kết về kinh tế muốn trở nên mạnh mẽ thì cần có những điểm tương đồng về chính trị hoặc ít nhất là có chung nhận thức về quan điểm đối ngoại.Sự tương đồng về chính trị và quan điểm đối ngoại là yếu tố then chốt khiến các khối, liên minh luôn đạt được sự đồng thuận cao về kinh tế và ngược lại. Đây chính là điểm quyết định khiến G7 luôn giữ sức mạnh trong các định chế kinh tế thế giới, cũng chính là nguyên nhân khiến Nga không thể tồn tại trong G8.
Trong khi đó, với nguyên nhân khách quan là vị trí địa lý cách xa nhau nên khó tìm được lợi ích địa-chính trị chung; BRICS dường như cũng quá xem nhẹ vấn đề tìm kiếm tiếng nói chung trong đường lối đối ngoại.
Các thành viên của khối này cơ bản không có sự đồng thuận hoặc không ủng hộ lẫn nhau trong các sự vụ của bản thân họ hay trong khi can dự vào các sự vụ quốc tế, ví dụ như chuyện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, can thiệp vào Syria hoặc tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với các nước láng giềng ngay cả trong khối như Ấn Độ hay những biến động chính trị ở Brazil…
Sự thiếu thống nhất giữa quan điểm chính trị và đường lối kinh tế đã khiến khối này không thể biến những mong muốn lợi ích kinh tế thành quyết tâm chính trị và ngược lại.
Sự mâu thuẫn về kinh tế với địa vị lãnh đạo khối
5 nước BRICS chiếm đến 22,5% tổng GDP của kinh tế thế giới (tính đến cuối năm 2016), chủ yếu đó là đóng góp của riêng mình Trung Quốc. Đó chính là điểm mấu chốt gây ra những mâu thuẫn giữa tiềm lực kinh tế và địa vị lãnh đạo của khối BRICS.
Trong tỷ lệ 22,5% GDP thế giới, riêng nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm khoảng 15%; tức là gấp 5 lần Ấn Độ; 2 nước Brazil và Nam Phi chiếm hơn 2.8%; còn Nga chỉ chiếm vẻn vẹn 1,7%; kinh tế Nga thậm chí còn thấp hơn 1 tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Sự khác biệt quá lớn về quy mô nền kinh tế (trong đó, “ông trùm” là Trung Quốc) sẽ tự nhiên sinh ra đòi hỏi tất yếu về sự tương thích với địa vị lãnh đạo khối của Bắc Kinh nhưng trong thực tế, người ta thường coi Nga mới là “nhà lãnh đạo tinh thần”của BRICS.
Bất cứ một khối liên minh kinh tế hay chính trị - quân sự nào cũng cần một người đứng đầu đủ mạnh, đủ uy tín để kết nối các đồng minh. Ấn Độ không đủ cả thế lẫn lực; Trung Quốc có lực nhưng không bất tín; còn Nga có địa vị nhất định nhưng tiềm lực không lớn, lại không có đủ uy để liên kết các đồng minh.
Nga và Ấn Độ quyết không để Trung Quốc nắm địa vị chi phối BRICS, còn Bắc Kinh sẽ không cam chịu một địa vị thấp hơn trong một định chế mà họ có tiềm lực lớn nhất. Đây là một mâu thuẫn lớn mà BRICS không thể giải quyết được để thống nhất và phát triển.
Sự khác biệt trong quan điểm về phương Tây
Một vấn đề chủ chốt khiến BRICS không bao giờ trở thành một G7 theo kiểu Nga là sự mâu thuẫn trong quan điểm giữa những thành viên chủ chốt của BRICS về cái gọi là “thế giới phương Tây”.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Nga luôn coi thế giới phương Tây là “kẻ thù không đội trời chung”; còn Ấn Độ giữ quan điểm “tất cả là bạn bè”; trong khi còn Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ chính sách “thu lời từ chính đối thủ của mình”.
Do đó, rõ ràng là Bắc Kinh và Ấn Độ sẽ không chịu để Moscow với tiềm lực thấp hơn dẫn dắt BRICS đi theo con đường đối đầu với các định chế kinh tế-chính trị phương Tây; Ấn Độ sẽ tiếp tục bắt tay với tất cả các bên, còn Trung Quốc thừa đủ khôn ngoan để trung hòa mâu thuẫn chính trị và quyền lợi kinh tế đối với Mỹ và đồng minh, chứ không “dại” như Nga.
Đó mới là con đường Bắc Kinh đã chọn kể cả có nắm được hay không nắm được quyền lãnh đạo BRICS.
Do đó, ngay sau khi “Ngân hàng phát triển mới” (NBD) và quỹ đầu tư BRICS được khối này thành lập năm 2015, Trung Quốc đã thành lập ngân hàng Ngân hàng đầu tư và phát triển châu Á (AIIB), thu hút cả những đồng minh lớn của Mỹ ở châu Á, châu Âu.
Những mâu thuẫn nội tại và sự thiếu tin tưởng lẫn nhauHội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ mới tháo được ngòi nổ của cuộc xung đột biên giới kéo dài hơn 2 tháng qua, chỉ để làm cho không khí cuộc gặp thượng đỉnh BRICS bớt phần căng thẳng, nhưng những mâu thuẫn giữa 2 nước vẫn còn nguyên vẹn.
Ngoài việc nội bộ của khối không thống nhất bởi mâu thuẫn giữa hai cường quốc châu Á này, tham vọng quá lớn của Bắc Kinh cũng khiến Nga, Ấn Độ lúc nào cũng nghi ngại Trung Quốc; dẫn đến 3 thành viên chủ chốt của khối thiếu tin tưởng lẫn nhau.
Giấc mơ Tây tiến để chinh phục châu Á, châu Âu và châu Phi, trong kế hoạch phục hưng mang tên “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc mà thể hiện cụ thể là đại dự án “Một vành đai, một con đường” đã vấp phải sự hoài nghi và cảnh giác của Nga và Ấn Độ với chiến lược “Đông tiến”.
Hai thành viên này của BRICS hoàn toàn không muốn chứng kiến các vùng đất ảnh hưởng truyền thống của mình tại Trung và Nam Á dần dần rơi vào tay kẻ khác. Nga chỉ hưởng ứng dè dặt, còn Ấn Độ thậm chí từ chối góp mặt trong đại dự án mà Trung Quốc khởi xướng.
Một kế hoạch kết nối các nền kinh tế có thể được coi là lớn nhất thế giới do Trung Quốc khởi xướng lại không nhận được sự hưởng ứng của 2 nước lớn nhất trong BRICS. Còn sau hai năm ra đời, Ngân hàng và quỹ đầu tư BRICS cũng hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hoàn toàn chẳng có một hoạt động nào,
Do đó, không có gì khó hiểu khi BRICS không có thành tựu gì lớn về kinh tế (trong khuôn khổ một liên minh kinh tế); không giống những kỳ vọng ban đầu về một “đế chế mới” có khả năng “lật đổ” địa vị thống trị của các cơ cấu kinh tế phương Tây như WB và IMF.
16 năm trước, BRIC (chưa có Nam Phi) trở thành một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi (emerging economies); 6 năm trước đây, với sự tham gia của chữ S cuối cùng và đà khôi phục kinh tế thần kỳ của Nga, cùng sự phát triển mạnh mẽ của các nước còn lại, BRICS được coi là “tương lai của thế giới”; nhưng trong hai năm trở lại đây; BRICS đã cho thấy là nó không bao giờ có thể trở thành một đối thủ của G7.
Thiên Nam
Theo Baodatviet.vn