Theo hãng tin Bloomberg, động thái hoãn nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau cuộc họp ngày 17/9 vừa qua đã khiến nhiều lãnh đạo Châu Á “thở phào nhẹ nhõm”, nhưng những rủi ro trong nền kinh tế của khu vực này vẫn chưa được giải quyết.
Học giả Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ với tâm thế đương đầu
- Cập nhật : 23/09/2015
(Tin kinh te)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Mỹ từ ngày 22 tới 25/9 và được dự đoán sẽ không nhượng bộ trước áp lực của Washington trong các vấn đề gai góc như tin tặc, tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông…
Với tư cách Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 14/2/2012 . (Ảnh:Xinhua)
“Ông Tập Cận Bình bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Cuộc gặp thượng đỉnh lần này (hội đàm với Tổng thống Barack Obama ngày 25/9) sẽ không có tiến bộ trong các vấn đề chiến lược”, báo Mỹ New York Times dẫn lời GS Shi Yinhong ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh.
Sau gần 3 năm lãnh đạo, ông Tập đã tích lũy quyền lực thông qua việc nắm quyền kiểm soát các ủy ban chính sách quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay cả khi ông Tập nhấn mạnh mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, sự thách thức ngày càng lớn mà Trung Quốc tạo ra với Mỹ sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ.
New York Times dẫn lời GS Shen Dingli ngành quan hệ quốc tế và là chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ tại ĐH Phúc Đán (Trung Quốc), cho rằng, các nhà làm chính sách Mỹ gặp khó khăn trong việc hiểu ông Tập vì “ông ấy là người khởi xướng, trong khi các lãnh đạo Trung Quốc trước đây thường chờ phản ứng”.
GS Shen nói: “Ông Tập tin Trung Quốc là cường quốc và ngày càng sẵn sàng đối đầu với Mỹ”.
Vấn đề an ninh mạng, biển Đông
Trung Quốc và Mỹ đang thương lượng để tiến tới thỏa thuận kiểm soát vũ khí mạng và công bố kết quả trong chuyến thăm của ông Tập lần này, CNN đưa tin. Thỏa thuận sẽ giúp bảo đảm cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời bình, nhưng không được kỳ vọng sẽ bao gồm những vấn đề gây tranh cãi như đánh cắp dữ liệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Giới chuyên gia dự đoán, ông Tập và ông Obama sẽ nói về những khác biệt trong nhiều vấn đề, như an ninh mạng, căng thẳng ở biển Đông, buộc hồi hương quan tham Trung Quốc chạy sang Mỹ, đối xử của chính phủ Trung Quốc đối với các nhân vật bất đồng chính kiến…
Về các vấn đề này, từ khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, ông Tập đã thể hiện quan điểm của mình cứng rắn hơn những người tiền nhiệm. Giới quan sát cho rằng, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu Mỹ rất có thể sẽ tiếp diễn.
Các học giả Trung Quốc cũng cho rằng, ông Tập sẽ không nhượng bộ trước những yêu cầu của chính quyền Obama về việc dừng xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự ở khu vực tranh chấp trên biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích và xây đảo nhân tạo ở nơi cách Trung Quốc đại lục hơn 800 dặm.
Những hình ảnh vệ tinh được công bố trong tháng này cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu xây đường băng trên 2 đảo mới thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để phục vụ mục đích quân sự.
Ông Tập cũng được cho là tự tin trong điều hành kinh tế, dù nền kinh tế nước này đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Tuần trước, trong một hội nghị với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh, ông Tập khẳng định, dù kinh tế Trung Quốc gần đây khó khăn hơn, chính phủ Trung Quốc vẫn giữ thế thượng phong.
New York Times dẫn lời một doanh nhân Mỹ. “Các bằng chứng cho thấy tầm nhìn của ông Tập hướng về sự tập trung quyền lực và khẳng định sự vĩ đại của Trung Quốc”, ông Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics và là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc lâu năm, nhận định.
“Khi buộc phải chọn giữa việc để các lực lượng thị trường tự do hơn dưới danh nghĩa hiệu quả và tăng trưởng bền vững với việc tái khẳng định tính ưu việt của nhà nước, bất chấp chi phí kinh tế dài hạn, ông Tập rất có thể sẽ chọn điều thứ hai”, ông Kroeber nói.
Nhiều nhà kinh tế nhận xét, chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình, trong đó có nỗ lực làm sống lại khu vực kinh tế nhà nước, đến nay mang lại rất ít kết quả cụ thể. Theo họ, chính phủ Trung Quốc tự đánh giá quá cao khả năng của họ trong việc kiểm soát giá cổ phiếu khi chi hàng tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy thị trường, Bloomberg đưa tin.
Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, trong chính sách đối ngoại, ông Tập Cận Bình dường như ít hứng thú với việc thỏa thuận và muốn cọ xát với thế giới bên ngoài nhiều hơn những người tiền nhiệm.
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp)
Tiền Phong