Trong chuyến công du ba nước Trung Đông vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải "đi trên dây" để đảm bảo sự cân bằng trong mối quan hệ đối với các quốc gia vốn tồn tại nhiều bất đồng.
Triển vọng các ngành kinh tế năm 2016: Tìm cơ hội trong "giông bão"
- Cập nhật : 22/01/2016
(Kinh te)
Dựa trên những đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu, các chuyên gia phân tích của The Economist Intelligence Unit đã viết nên báo cáo nêu bật 3 xu hướng sẽ chi phối chiến lược của các ngành trong năm 2016.
Thế giới vừa chào đón năm mới 2016 chưa được 1 tháng nhưng đã phải đón quá nhiều tin xấu và vì vậy mà môi trường kinh doanh cũng trở nên không mấy sáng sủa. Ở các thị trường mới nổi, một số số liệu khả quan không thể che giấu được những rủi ro như Mỹ tăng lãi suất và giá dầu sụt giảm.
Hai trong số 4 nước thuộc nhóm BRIC là Nga và Brazil đang chìm trong suy thoái và viễn cảnh ảm đạm. Kinh tế Trung Quốc đang ở trong trạng thái khỏe mạnh hơn, nhưng nền kinh tế này chỉ cần giảm tốc nhẹ cũng khiến lực cầu đối với mọi loại hàng hóa từ xe hơi đến nguyên vật liệu cơ bản sụt giảm và ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nước.
Các doanh nghiệp có thể để mắt tới Ấn Độ để tìm kiếm một cơ hội. Họ có thể gặp may trong một số ngành (như thương mại điện tử), nhưng rõ ràng thị trường này có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
Dựa trên những đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu, các chuyên gia phân tích của The Economist Intelligence Unit (EIU - cơ quan nghiên cứu trực thuộc tạp chí The Economist) đã viết nên báo cáo nêu bật 3 xu hướng sẽ chi phối chiến lược của các doanh nghiệp cũng như đánh giá triển vọng của các ngành.
Xu hướng thứ nhất là sự “keo kiệt” của người tiêu dùng. Ở các nước phát triển, người tiêu dùng đã không hào hứng mua sắm dù thu nhập của họ dần dần hồi phục và trở lại mức trước khủng hoảng. Vì vậy các công ty sản xuất hàng tiêu dùng/bán lẻ sẽ phải tìm kiếm nhiều hơn các biện pháp tiết kiệm chi phí để có thể cho phép khách hàng cân bằng giữa nhu cầu tiết kiệm và thú vui mua sắm.
Không chỉ ở góc độ tư nhân, chi tiêu công cũng sẽ bị siết chặt. Điều này ảnh hưởng tới ngành y tế và những vụ M&A gần đây trong ngành dược phẩm chính là một động thái đón nhận xu hướng này.
Xu hướng thứ hai là sự siết chặt luật pháp. Các ngân hàng châu Âu và Mỹ sẽ trải qua những bài kiểm tra khủng hoảng, đồng thời EU buộc các công ty bảo hiểm phải củng cố khả năng thanh toán.
Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa được ký ở Paris cuối năm ngoái đồng nghĩa với các cơ quan giám sát sẽ sử dụng quyền lực của họ để buộc các công ty phải tuân thủ các quy định về môi trường, ảnh hưởng đến các ngành như năng lượng và ô tô.
Xu hướng thứ ba là sự đột phá về công nghệ. Vì Internet phủ sóng tới hơn 50 trên mỗi 100 người trên toàn thế giới, các công ty viễn thông cần không ngừng biến đổi để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Công nghệ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành, từ bán lẻ đến viễn thông.
Dẫu vậy, sẽ là không công bằng khi nói rằng bức tranh triển vọng chỉ có một màu xám đen. Bên cạnh thách thức là những cơ hội cho ngành nào biết tận dụng. Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến y tế công cộng sẽ mở ra những thị trường mới cho ngành y tế. Các công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang có lợi thế so với mô hình truyền thống. Internet ngày càng phủ sóng sâu rộng đem đến cơ hội cho các tập đoàn viễn thông.
Báo cáo của EIU phân tích cơ hội và thách thức đối với các ngành ô tô, bán lẻ, năng lượng, tài chính, y tế và viễn thông. Chúng tôi sẽ lược dịch báo cáo này theo từng ngành và lần lượt gửi tới bạn đọc trong thời gian tới. Mời các bạn đón đọc.