Lần đầu tiên trong 9 năm qua, nước Mỹ sẵn sàng để tăng lãi suất. Ngược lại, nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn đang theo đuổi chương trình nới lỏng định lượng lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
'Kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong 2 năm nữa'
- Cập nhật : 27/11/2015
(Kinh te)
Một “cú hạ cánh nặng nề” của nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhấn chìm kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong vòng 2 năm tới, tờ Guardian (Anh) dẫn lời một chuyên gia kinh tế cấp cao người Anh cảnh báo.
Một nhóm các nhà phân tích tại Citigroup, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới của Mỹ, dự đoán khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu là 55%.
Dẫn đầu bởi Willem Buiter, chuyên gia kinh tế cấp cao của Citigroup và từng là nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng trung ương Anh, nhóm này đưa ra báo cáo cho rằng suy thoái phát sinh từ sức tiêu thụ của Trung Quốc suy yếu, đồng thời cảnh báo thêm rằng kinh tế nước này đang sắp rơi vào khủng hoảng.
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đang gặp nguy cơ cao là sẽ chịu một cú hạ cánh nặng nề mang tính tuần hoàn, với khả năng xảy ra đang tăng nhanh”, ông Buiter bình luận trong báo cáo.
“Nếu Trung Quốc rơi vào suy thoá, cộng với việc Nga cùng Brazil đã suy thoái, chúng tôi cho rằng nhiều thị trường mới nổi khác, vốn đã đang suy yếu, sẽ tiếp bước, một phần là do tác động từ sự sụt giảm về sức tiêu thụ của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu của các thị trường này”, theo chuyên gia kinh tế hàng đầu của Citigroup.
Guardian cho biết các chuyên gia kinh tế thường định nghĩa suy thoái kinh tế toàn cầu là giai đoạn kinh tế tăng trưởng dưới sức trong một thời gian dài.
Citigroup dự báo tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế toàn cầu ở mức 3%, nhưng cho rằng mức tăng trưởng sẽ “đạt 2% hoặc thấp hơn” trước khi cải thiện trở lại vào năm 2017.
“Chúng tôi cho rằng một cuộc suy thoái với mức độ trung bình sẽ là viễn cảnh khả dĩ nhất cho kinh tế vĩ mô toàn cầu trong khoảng 2 năm tới”, theo ông Buiter.
Tờ Guardian cho biết hiện chỉ có một số ít các chuyên gia kinh tế khác hiện đang dự đoán sẽ có suy thoái toàn cầu và các nhà đầu tư đã bình tâm trở lại từ sau đợt bán tháo hồi tháng 8, khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại đã khiến thị trường tài chính chấn động.
Tuy nhiên, khi nhận định về điều này, ông Buiter cho rằng: “Các chuyên gia kinh tế ít khi đề cập đến suy thoái, tuột dốc, hồi phục hoặc giai đoạn tăng trưởng mạnh trừ phi tận mắt chứng kiến. Và chúng tôi cho rằng đây có thể một trong những lúc như thế”.
Ông cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng Trung Quốc có thể làm giảm mức độ của cơn khủng hoảng vốn đang dần ló dạng sau khi chính phủ nước này hoảng hốt đưa ra một loạt các biện pháp can thiệp trong vài tuần gần đây nhằm ngăn đà tụt giảm giá cổ phiếu và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Ông Buiter bình luận Trung Quốc vào thời điểm đó giống như “một nền kinh tế thị trường hỗn độn theo kiểu tư bản thân hữu và là nơi mà các tham vọng về chính sách không trùng khớp với các đường lối chính sách được ban hành”.
Trong báo cáo, nhóm các chuyên gia phân tích kinh tế của Citigroup nhận định tăng trưởng GDP giảm mạnh tại các nền kinh tế mới nổi, thương mại toàn cầu tụt giảm, giá hàng hóa xuống thấp cùng lạm phát là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc suy yếu đã tàn phá thị trường thế giới. “Bằng chứng cho thấy đang có một cuộc suy thoái toàn cầu hiện diện khắp mọi nơi”, theo báo cáo của Citigroup.
Chuyên gia Buiter lo sợ chính quyền tại các quốc gia phát triển có ít biện pháp để đối phó với cuộc suy thoái do lãi suất đã tiệm cận mức 0% và nợ công cao đồng nghĩa với việc chính phủ các nước có lẽ sẽ không sẵn lòng tăng đầu tư công để kích cầu.