Những thay đổi trong quan điểm của bà Hillary Clinton về hai hiệp định thương mại NAFTA và TPP đang tạo nên hình ảnh một ứng cử viên tổng thống đầy mâu thuẫn.
'Trật tự thế giới mới' của Trung Quốc:Tiền Trung Quốc biến đổi châu Phi
- Cập nhật : 21/05/2017
“Ở châu Phi, đôi khi các nhà hoạch định chính sách của chúng tôi nghĩ Trung Quốc là ông già Noel”...
Công nhân người Trung Quốc và người bản xứ trên tuyến đường sắt đang được xây dựng ở Kenya, tháng 3/2016 - Ảnh: Bloomberg/Getty/CNN.
Từ đầu tư vào Pakistan cho tới triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc đang được cảm nhận rõ nét ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hãng tin CNN mới đây đã có một bài viết mang tựa đề “China’s new world order” (Trật tự thế giới mới của Trung Quốc). VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch của bài viết này.
Tiền của Trung Quốc biến đổi châu Phi
Ở thủ đô Nairobi của Kenya, công nhân người bản xứ và Trung Quốc đang hoàn tất công đoạn cuối cùng của dự án hạ tầng lớn nhất kể từ khi nước này giành độc lập.
Đó là một tuyến đường sắt dài 472 km, trị giá 3,8 tỷ USD, nối giữa thành phố cảng Mombasa với Nairobi. Tuyến đường sắt này là một phần trong hệ thống đường sắt do Trung Quốc xây dựng kết nối một số quốc gia châu Phi với nhau.
Khi đầu máy xe lửa và các toa tàu chở hàng bắt đầu lăn bánh vào tháng 6 năm nay, tuyến đường sắt nói trên có thể sẽ trở thành một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Kenya. Sở hữu cảng biển lớn nhất khu vực Đông Phi, nước này hiện vẫn đang vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng một tuyến đường bộ nổi tiếng nguy hiểm.
Tuyến đường sắt mới - được Trung Quốc xây dựng và cấp 90% vốn đầu tư - dự kiến sẽ giải quyết 50% khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Mombasa đến biên giới giữa Kenya với Uganda, so với mức chỉ 4% hiện nay do tuyến đường sắt xây dựng từ thời thực dân Anh đảm nhận.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Các dự án do nước này đầu tư đã vấp phải nhiều cáo buộc về chất lượng xây dựng kém, đối xử tồi với công nhân, và thiếu minh bạch.
Nhà thầu xây dựng dự án đường sắt ở Kenya là Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, một doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc. Nhà thầu này đã phải nỗ lực để xoa dịu sự chỉ trích bằng cách thuê 25.000 công nhân người Kenya và đào tạo toàn bộ đội ngũ nhân viên làm việc trên tàu, bao gồm cả lái tàu. Ngoài ra, nhà thầu cũng đã xây dựng những đường hầm đặc biệt để cho phép động vật hoang dã đi qua tuyến đường ray đi xuyên hai công viên quốc gia của Kenya.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, 8 con voi đã thiệt mạng khi đi lạc vào công trường xây dựng đường sắt này - theo Save the Elephants, một tổ chức phi chính phủ của Kenya về bảo vệ loài voi.
Chưa kể, mức vốn đầu tư của dự án trên đã khiến không ít người “giật mình”. Được cấp vốn bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim), mức giá trung bình mỗi km của tuyến đường sắt này cao gấp đôi so với tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti dài 750 km ở Ethiopia, cũng do Trung Quốc xây dựng.
Kenya Railways, đơn vị sẽ vận hành tuyến đường sắt sắp đi vào hoạt động ở Kenya, không trả lời câu hỏi của CNN về vấn đề trên. Tuy nhiên, trước đây, các quan chức của công ty này từng nói rằng không nên so sánh hai dự án, bởi dự án ở Kenya có công suất chở hàng cao hơn và đi qua nhiều khu vực đô thị hơn, dẫn tới chi phí xây dựng đắt đỏ hơn.
“Ở châu Phi, đôi khi các nhà hoạch định chính sách của chúng tôi nghĩ Trung Quốc là ông già Noel”, nhà phân tích tài chính Ali Khan Satchu ở Nairobi phát biểu. “Chẳng có chuyện đó đâu. Họ đến đây để tìm kiếm lợi nhuận từ những khoản đầu tư của họ”.
Trong thời gian 10 năm từ 2004-2014, các nước châu Phi đã vay gần 10 tỷ USD từ Trung Quốc thông qua các dự án đường sắt mà nước này xây dựng. Các dự án đường sắt này đều được rót vốn bởi Exim.
Trung Quốc xem đường sắt là một cơ hội đầu tư, mở ra thị trường xuất khẩu cho các ngành thép và xây dựng đang phát triển bùng nổ của nước này.
Ở bến tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt của Kenya, ở ngoại ô Nairobi, những người dân địa phương như anh bảo vệ Joseph Mailoya chẳng phàn nàn gì về dự án này.
“Tôi nghĩ đây là một ý tưởng tuyệt vời. Mọi thứ xung quanh đây rồi sẽ thay đổi”, Mailoya nói và chỉ tay về phía những ngôi nhà lợp tôn gần khu nhà ga. Đó là khu dân cư mới mọc lên của những người bị thu hút bởi tuyến đường sắt mới.
“Những người ở đây sẽ bắt đầu kinh doanh, cộng đồng sẽ phát triển. Các con tôi cũng có thể kiếm được việc làm ở đây”, Mailoya lạc quan.
Theo An Huy
VnEconomy