Thống kê của tổ chức phi chính phủ REAP cho thấy phần lớn các bà mẹ Trung Quốc không biết cách chăm sóc con cái, thậm chí còn không rành bằng cách chăn nuôi lợn.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Thách thức từ khoảng cách phát triển
- Cập nhật : 01/12/2015
(Kinh te)
Có một thực tế là dù nhiều loại thuế đã được điều chỉnh giảm, song các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi các hàng rào phi thuế quan trong khu vực...
Liên quan đến việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Sanchita Basu Das, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu ASEAN (Singapore) về những thách thức mà các quốc gia trong khu vực sẽ phải đối mặt khi AEC đi vào thực thi.
- Các lợi ích mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại thì đã nhìn thấy rõ. Vậy theo bà, đâu là những thách thức lớn nhất hiện nay mà các quốc gia thành viên phải đối mặt?
Bà Sanchita: Theo tôi, thách thức lớn nhất là làm thế nào có thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nhân.
Có một thực tế đó là dù nhiều loại thuế đã được điều chỉnh giảm, song các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi các hàng rào phi thuế quan trong khu vực như quá trình cấp phép, các bộ tiêu chuẩn, hay các quy định và chi phí hành chính đi kèm với các thỏa thuận ưu đãi thương mại mới... Chính điều này đã khiến doanh nghiệp vẫn phải tốn nhiều chi phí và cả thời gian.
Không những thế, cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN vẫn còn không đồng đều giữa các nước thành viên, trong khi Singapore có cơ sở hạ tầng vào loại tốt nhất thì tại các nước như Lào hay Myanmar, cơ sở hạ tầng là gánh nặng chính cho phát triển kinh tế. Điều này cũng dẫn đến những đến vấn đề về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua biên giới.
Ví dụ, một xe tải chở hàng hóa đến một nước khác, sẽ buộc phải dừng lại ở biên giới và thanh tra của cả hai bên sẽ tiến hành kiểm tra xe.
Sau đó hàng hóa sẽ được chuyển đến một chiếc xe mới bởi vì nước thứ hai không cho phép chiếc xe được vận hành… dẫn đến sự lãng phí về thời gian cũng như tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Ở một phân khúc khác, những người dân bình thường mong đợi có thêm nhiều sự lựa chọn về hàng hóa trong khu vực hay giá cả sẽ giảm khi mà AEC hình thành hoặc họ có thể có tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, nhiều khi các chính sách về việc làm ở các nước khác lại không phù hợp hay tương đối khác với các quy định trong nước.
Vì vậy, ngay cả khi chúng ta có thỏa thuận trao đổi lao động, cũng không hoàn toàn là dễ dàng để có được việc làm ở nước khác bởi vì quốc gia đó có thể đưa ra yêu cầu về ngôn ngữ cần đáp ứng cũng như áp đặt một số quy định về hạn ngạch lao động nước ngoài.
Do dó, đây sẽ là những thách thức lớn đối với các nước ASEAN và rõ ràng vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan để xây dựng một cộng đồng kinh tế hiệu quả.
- Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia kém phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia và các nước phát triển như Singapore, Malaysia và Thái Lan?
Bà Sanchita: Theo các thỏa thuận về AEC, chúng ta có một chính sách gọi là sáng kiến hội nhập ASEAN. Theo đó, các thành viên ASEAN phát triển hơn cố gắng giúp đỡ các thành viên kém phát triển mà chủ yếu là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là tạo ra một cơ chế trong AEC để các nước kém phát triển hơn nâng cao năng lực cũng như tùy chỉnh khi thiết kế các chương trình, dự án hỗ trợ ùy theo nhu cầu của từng nước.
Bởi vì một dự án hỗ trợ cho Campuchia có thể không thích hợp với Việt Nam, vì Việt Nam phát triển hơn Campuchia hoặc Lào.
Mặt khác, theo tôi, mỗi quốc gia cũng nên tự mình cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục bởi khoảng cách về kỹ năng là một vấn đề rất lớn trong ASEAN tại thời điểm này.
Đối với một quốc gia như Việt Nam cần xem xét về vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất. Có lẽ Việt Nam nên tập trung vào vấn đề chi phí lao động thấp để có thể đặt mình trong chuỗi giá trị thấp hơn.
Điều quan trọng là các nước cần phải tự mình cân nhắc làm thế nào để tận dụng được lợi thế của AEC và điều đó sẽ giúp họ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
- Có những lo ngại rằng AEC có thể gặp phải những vấn đề tương tự như Liên minh châu Âu (EU). Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Sanchita: ASEAN là rất mới so với EU. Với ASEAN, quá trình hình thành AEC mới chỉ bắt đầu vào năm 2007. Hơn thế, chúng ta cần phải nhìn nhận giữa loại hình hội nhập trong ASEAN cũng như những gì xảy ra trong EU.
Hội nhập ASEAN là một hội nhập thiên về kinh tế và mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Điều này có nghĩa nó là một thỏa thuận thương mại tự do mang tính gắn kết hơn, trong khi EU đã vượt qua hội nhập kinh tế đơn thuần và hiện tại là hội nhập chính trị.
Bởi rất nhiều các chính sách được hài hòa trong EU, đó là một “siêu quốc gia” trong EU. Vì vậy, EU là một hình thức hội nhập kinh tế tiến bộ hơn so với các nước ASEAN.
Do vậy, chúng ta không thể đưa ra sự so sánh giữa ASEAN và EU một cách hoàn toàn như thể ngay ngày mai ASEAN có thể sẽ gặp phải khủng hoảng.
Trường hợp ASEAN có thể đối mặt với khủng hoảng, đó là nếu các nước thành viên không thể thu hẹp khoảng cách phát triển.
Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, đặc biệt là những người dân địa phương về những lợi ích mà họ được hưởng từ AEC. Nếu chính phủ không thể giải thích rõ về những lợi ích do quá trình này mang lại thì có thể người dân sẽ không đồng tình với những thay đổi của nền kinh tế trong nước.
Do đó, công cuộc cải cách sẽ không thể được tiến hành và khoảng cách sẽ lại tiếp tục được nới rộng giữa các nước kém phát triển và các nước phát triển hơn trong ASEAN. Đây có thể là một vấn đề trong tương lai của ASEAN.
Vì vậy, nếu ASEAN quan tâm về khoảng cách phát triển này và có cách thức phù hợp để cả hai nhóm, các nước kém phát triển và các nước phát triển hơn, có thể tận dụng lợi thế của việc hội nhập kinh tế từ AEC, thì quá trình này có thể vận hành một cách thuận lợi.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.