Khu vực miền đông và miền nam châu Phi có lợi ích địa - chính trị rất đặc biệt đối với Ấn Độ. Ấn Độ muốn liên kết với Nhật Bản thúc đẩy kế hoạch "hành lang tự do" từ châu Á - Thái Bình Dương đến châu Phi.
Những rào cản khiến đường tới 'Mục tiêu Bogor' vẫn còn xa
- Cập nhật : 21/05/2017
Với hàng loạt tiến bộ đạt được trong tự do hóa thương mại và đầu tư kể từ sau Hội nghị Cấp cao ở Indonesia năm 1994, APEC đã gây bất ngờ cho không ít chuyên gia.
Tuy nhiên, đường tới đích cuối - Mục tiêu Bogor - của các nền kinh tế APEC vẫn rất gập ghềnh và đầy chông gai.
Con đường chông gai
Nhờ những nỗ lực tập thể của các nền kinh tế thành viên, trong hơn 2 thập kỷ qua, hàng rào thuế quan trong khu vực APEC đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều hàng rào phi thuế quan mới đã được dựng lên.
Những biện pháp bảo hộ phi thuế quan phổ biến trong khu vực này gồm chống bán phá giá, các biện pháp đối kháng (hay thuế chống trợ cấp), các biện pháp tự vệ, các biện pháp tự vệ đặc biệt, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT); trong đó chống bán phá giá là biện pháp được sử dụng phổ biến nhất.
Trong báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới Mục tiêu Bogor công bố hồi tháng 11/2016, Nhóm hỗ trợ chính sách APEC (PSU) cho biết trong giai đoạn 2010-2015, số lượng vụ kiện chống bán phá giá của các nền kinh tế thành viên APEC tăng 11,2%, các biện pháp đối kháng tăng 38,5%, các biện pháp bảo hộ tăng 104,2%, bảo hộ đặc biệt tăng 13%, SPS tăng 16,2% và TBT tăng 56,4%.
Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada và Australia lại là những nền kinh tế sử dụng các biện pháp bảo hộ nhiều nhất. Chẳng hạn, năm 2015, Mỹ tiến hành 257 vụ kiện chống bán phá giá đối với các công ty nước ngoài, Trung Quốc tiến hành 97 vụ và Canada 65 vụ, trong khi Philippines chỉ tiến hành 1 vụ, Papua New Guinea, Chile, Brunei và Singapore không tiến hành vụ kiện chống bán phá giá nào.
Cùng với hàng rào phi thuế quan, những tranh cãi đang gia tăng, cả về kinh tế lẫn chính trị, giữa các nền kinh tế APEC trong thời gian gần đây đang ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện Mục tiêu Bogor.
Đáng chú ý, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và một số nước phương Tây khác áp đặt lên Nga sau khi Moskva quyết định sáp nhập bán đảo Crimea đang gây rạn nứt trong nội bộ APEC, khiến cho việc thực hiện Mục tiêu Bogor càng trở nên khó khăn hơn.
Một chướng ngại vật khác trên “đường tới Bogor” của APEC chính là sự khác biệt về mặt trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên cho dù khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể sau hơn 2 thập kỷ thực hiện Mục tiêu Bogor.
Hiện tại, APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên; trong đó có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu tính theo phương pháp sức mua tương đương (PPP), năm 2014, GDP của Mỹ là 17.348 tỷ USD, gấp gần 1.000 lần GDP của Papua New Guinea, hơn 500 lần GDP của Brunei và hơn 108 lần GDP của New Zealand.
Mối lo mới
Mặc dù hàng rào phi thuế quan được dựng ra, sự bất đồng về quan điểm hay sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế APEC là những rào cản đáng kể đối với quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor nhưng theo giới phân tích, rào cản lớn nhất trên “đường tới Bogor” của APEC hiện tại chính là sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nền kinh tế chủ chốt, nhất là ở Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) và “Nước Mỹ trên hết” (American First), chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt thỏa thuận mới hình thành hồi tháng 2/2016 tại Wellington, New Zealand, vào một tương lai bất định.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ tái khởi động quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và có thể sẽ ngừng các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Thái Bình Dương (TTIP) với Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều người lo ngại sự tái xuất của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ và một số nền kinh tế thành viên APEC khác có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực đối với toàn cầu hóa và liên kết kinh tế.
Lo ngại này càng có cơ sở sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 (bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới; trong đó có tới 9 nền kinh tế thành viên APEC) ở Đức vào cuối tháng 3/2017.
Tại hội nghị đó, mặc dù ghi nhận tầm quan trọng của thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng trong Tuyên bố chung phát hành sau hội nghị, các Bộ trưởng tài chính G20 đã không đưa ra cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Điều này trái ngược hẳn với hội nghị năm ngoái khi G20 cam kết "chống lại bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa bảo hộ".
Kỳ vọng ở Đà Nẵng
Trong bối cảnh APEC đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình hiện thực hóa Mục tiêu Bogor, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào cuối năm nay.
Phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị các quan chức cấp cao APEC (SOM) lần thứ nhất vào đầu tháng 3 tại Nha Trang, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết Hội nghị đã thể hiện đồng thuận về tinh thần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch SOM APEC 2017, thương mại tự do và mở tiếp tục là dòng chảy chính của hợp tác APEC và châu Á-Thái Bình Dương.
Nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác đã được đưa ra trong khuôn khổ các ủy ban, nhóm công tác của APEC về thúc đẩy hoàn tất triển khai Mục tiêu Bogor theo lộ trình đã đề ra, hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), tăng cường kết nối, các vấn đề thương mại-đầu tư thế hệ mới, nhằm góp phần xác định các định hướng hợp tác của Diễn đàn trong năm 2017.
Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến lớn cho năm 2017. Nhiều đề xuất mang tính dài hạn, xuyên suốt các nội hàm hợp tác APEC; trong đó có vấn đề tự do hóa thương mại và đầu tư.
Nổi bật là đề xuất nghiên cứu, tiến tới hình thành cơ chế trao đổi về hợp tác APEC trong tương lai; trong đó có hình thành Tầm nhìn của Diễn đàn sau năm 2020 cùng với việc đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020.
Quá trình thảo luận và trao đổi tại các ủy ban/nhóm công tác của APEC cho thấy các nền kinh tế khác đánh giá cao các sáng kiến/đề xuất của Việt Nam. Nhiều nền kinh tế đồng ý hỗ trợ, đồng bảo trợ các sáng kiến/đề xuất đó.
Như vậy, cho dù “con đường tới Bogor” của APEC vẫn còn đầy chông gai nhưng những gì đã diễn ra tại SOM1 cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thực hiện Mục tiêu Bogor. Và nhiều người hy vọng APEC sẽ có những bước tiến mới sau Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào cuối năm nay.
ĐÀO TÙNG (TTXVN/VIETNAM+)