Ngày 8/10, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken...
Giáo sư Nhật: 'Tokyo có thể tham gia ngăn chặn gây hấn ở Biển Đông'
- Cập nhật : 12/10/2015
(Bien dong)
Với luật an ninh mới, phạm vi các lựa chọn của Tokyo mở rộng hơn rất nhiều, có thể đóng góp để ngăn chặn những hành động gây hấn ở Biển Đông.
Giáo sư Tomohito Shinoda, Đại học Quốc tế Nhật Bản, trao đổi vớiVnExpress về triển vọng hợp tác an ninh giữa Nhật và Việt Nam thời gian tới. Đầu tuần sau ông Shinoda sẽ đến Hà Nội tham dự hội thảo có chủ đề tương tự do Học viện ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản đồng tổ chức.
- Những cơ sở nào giúp Việt Nam và Nhật tăng cường hợp tác an ninh?
- Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang lên đầy hứa hẹn trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng nằm ở khu vực có vai trò quyết định tới đường giao thông trên biển của Nhật Bản. Vì thế việc Tokyo tăng cường hợp tác với Hà Nội là lẽ đương nhiên. Nhật rất mong hỗ trợ Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo phương thức không dùng đến vũ lực, mà tuân theo luật pháp quốc tế.
Nhiều người Nhật nhận ra Biển Đông rất quan trọng với đường giao thông hàng hải của Tokyo, các vấn đề ở đây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật. Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà không bị cản trở có thể "khuyến khích" nước này trở nên hung hăng hơn ở Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Nhật Bản.
Tokyo còn tăng cường mối quan hệ chiến lược với Philippines, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Việc hợp tác an ninh thành công với Việt Nam sẽ giúp Nhật tăng quan hệ với các nước trong hiệp hội. Bởi lẽ các nước kia sẽ trông vào kết quả hợp tác Nhật - Việt.
- Cùng với việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam hiện nay, Nhật có thể làm gì thêm để giúp Việt Nam nâng cao năng lực trên biển?
- Việc Nhật cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam tất nhiên là một sự đóng góp quan trọng, có thể gọi là "phần cứng". Trong khi "phần mềm" của an ninh hàng hải cũng là một phần không thể thiếu. Nhật có thể tăng cường trao đổi thông tin về an ninh, tăng nhận thức về lãnh thổ trên biển, cải thiện việc xây dựng năng lực dân sự trên biển và giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.
- Luật an ninh mới của Nhật Bản có ý nghĩa thế nào trong hợp tác với Việt Nam nói riêng và các đối tác khác?
- Những từ khóa của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe về an ninh là "tiên phong đóng góp cho hòa bình". Nhằm đạt được mục tiêu này, một bộ luật an ninh mới sẽ giúp Lực lượng phòng vệ Nhật có thể hỗ trợ quốc phòng không chỉ cho lực lượng Mỹ, mà còn cho các lực lượng nước ngoài khác trong khu vực.
Luật mới cũng cho phép Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Điều này giúp tạo nên phạm vi các lựa chọn an ninh cho Tokyo rộng mở hơn rất nhiều, có thể đóng góp để ngăn chặn những hành động gây hấn ở Biển Đông. Chính quyền của ông Abe đã thể hiện quyết tâm đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực này, đồng thời cam kết hợp tác an ninh mạnh mẽ với Việt Nam.
Khi xung đột ở Biển Đông có ảnh hưởng lớn tới an ninh của chính Nhật, tôi tin rằng chính phủ của ông Abe sẽ quyết tâm đưa Lực lượng Phòng vệ tới khu vực, nếu các điều kiện đáp ứng được quy định của luật an ninh mới.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay, khi Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo trái phép?
- Tình hình ở đây cực kỳ nguy hiểm. Việc Trung Quốc cải tạo trên một diện tích lớn, xây dựng các đảo nhân tạo cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc đưa khu vực thuộc "đường 9 đoạn" nằm dưới sự kiểm soát mạnh mẽ của nước này, thậm chí cần đến sử dụng vũ lực.
Việc này còn được đảm bảo bằng sự tự tin của Trung Quốc về khoảng cách gia tăng nhanh chóng về năng lực hàng hải giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN. Trung Quốc mua sắm tàu tuần tra, tàu giám sát, máy bay, tàu ngầm và các chiến đấu cơ thế hệ mới để thiết lập ưu thế trên biển và trên không.
- Các nước liên quan cần làm gì trong khi Trung Quốc vẫn xúc tiến việc cải tạo quy mô lớn ở Trường Sa?
- Việc các nước ASEAN hình thành một mặt trận đoàn kết là điều rất cần thiết, khi các nước cùng có quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Tôi cũng tin rằng việc các nước trong hiệp hội tiếp tục thuyết phục Trung Quốc đàm phán đa phương là điều quan trọng.
Với Việt Nam, không chỉ các nước có biển, Hà Nội cần có sự ủng hộ của cả các quốc gia trong đất liền nữa. Việt Nam cũng nên bảo đảm duy trì các cam kết của Mỹ trong khu vực.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu hồi 2006-2007, Thủ tướng Nhật Abe đã xây dựng kỹ lưỡng một liên minh an ninh để đối phó với tình hình ở Biển Đông. Cùng với các nước ASEAN, ông Abe cũng cam kết tăng cường mối hợp tác an ninh với Australia và Ấn Độ. Cùng với Mỹ, Nhật muốn thiết lập một liên minh hàng hải với các nước ở khu vực để ngăn những hành động gây hấn của Trung Quốc.