Những năm gần đây, Nga được cho là đang nỗ lực xoay trục sang châu Á với chính sách tăng cường hợp tác mọi mặt với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này dường như chưa mang lại lợi ích cho Nga.
Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Trung Quốc "tham bát bỏ mâm"
- Cập nhật : 16/10/2015
(Tin kinh te)
Ngày 8/10, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken...
... Và các nhà lãnh đạo đều cho rằng, song phương cần cùng nhau thực hiện nhận thức chung đã đạt được giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Tổng thống Barack Obama, thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định.
Trước khi đến Bắc Kinh, ông Tony Blinken đã tới Nhật Bản và Hàn Quốc, gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki và Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong, thương đàm những vấn đề Washington - Tokyo - Seoul cùng quan tâm.
Cũng trong ngày 8/10, tại cuộc gặp giữa Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy với Thứ trưởng Ngoại giao Tony Blinken tại thủ đô Bắc Kinh, 2 nhà lãnh đạo này đã cam kết hợp tác nhằm tăng cường quan hệ quân sự kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ra sức lôi kéo để mở rộng bành trướng
Ngày 11/10, tờ Vượng Báo (Đài Loan) đưa tin, tại một hội thảo quốc tế kín về Biển Đông diễn ra ở Đài Bắc trong 2 ngày 7 và 8/10, các học giả Trung Quốc và Đài Loan đã thương đàm để tìm cách hợp tác giải quyết trong vụ kiện “đường lưỡi bò” do Philippines khởi xướng. Việc này diễn ra khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ kiện này trong vài tuần tới.
Vượng Báo cho rằng, Bắc Kinh có kế hoạch mời học giả Đài Loan và một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác nghiên cứu yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Trường đại học Nam Kinh đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông mới và Giáo sư Chu Phong đến từ Đại học Bắc Kinh là Giám đốc, còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông Ngô Sĩ Tồn của tỉnh Hải Nam được bổ nhiệm làm Phó giám đốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Ngày 9/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) đã biện giải cho việc hoàn tất xây dựng phi pháp 2 ngọn hải đăng lớn tại bãi đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo bà Hoa Xuân Oánh (Doanh), Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, mật độ tàu thuyền qua lại lớn, tình hình biển lại phức tạp, thường xuyên xảy ra sự cố an toàn hàng hải, nên 2 ngọn hải đăng này sẽ phục vụ cho việc dẫn đường cho các tàu thuyền qua lại tại khu vực Trường Sa, nâng cao an ninh hàng hải tại Biển Đông!
Đồng thời bà còn ngang nhiên tuyên bố, thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các công trình dân sự khác tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa “để phục vụ tốt hơn” cho các quốc gia ven Biển Đông và các tàu thuyền qua lại tại khu vực này.
Ngày 8/10, tờ Inquirer dẫn tuyên bố của ông Roilo Golez, Chủ tịch Phong trào và liên minh phản kháng sự xâm lược của Trung Quốc (Marchu) ở Philippines nói trong thư đề nghị gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner, yêu cầu LHQ điều tra việc Trung Quốc phá hoại môi trường ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 8/10, tờ Philstar dẫn lời Thẩm phán tối cao Philippines Antonio Carpio, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ vô dụng nếu không được áp dụng vào Biển Đông, khi yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông bao trùm gần như toàn bộ vùng biển này không được xử lý theo UNCLOS. Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr cho rằng, an ninh hàng hải ở Biển Đông sẽ tiếp tục tác động tới quan hệ Trung - Mỹ cũng như với các nước láng giềng.
Không muốn xuống thang
Ngày 10/10, tờ News Week bình luận về lý do tại sao Trung Quốc không chịu xuống thang ở Biển Đông, đồng thời cho rằng Bắc Kinh sẽ “hợp lý hóa” đối với 209 thực thể ở Biển Đông hiện vẫn bị bỏ không và việc này có thể diễn ra trong vòng 18 tháng! Học giả Bill Bishop, chuyên gia về Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại trước chủ nghĩa dân tộc cực đoan và xu hướng gia tăng “cơ bắp, dằn mặt” đối phương của Trung Quốc.
Khi phát biểu tại hội thảo Thái Bình Dương 2015 ở Sydney hôm 7/10, tân Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tuyên bố, Chính phủ của Thủ tướng Turnbull đang duy trì lập trường cứng rắn đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo đó, Australia kịch liệt phản đối những hành động hăm dọa, gây hấn hay ép buộc để tuyên bố chủ quyền nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng. Ngày 8/10, tờ The Sunday Age dẫn cảnh báo của bà Marise Payne trước những động thái đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, mà Trung Quốc đang tiến hành.
Ngày 6/10, tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc dẫn lại thông tin từ báo chí Mỹ đề cập tới việc Bắc Kinh không có năng lực chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân. Trong khi đó, dư luận quốc tế lại cho rằng, tàu sân bay nội đầu tiên Type 001A của Trung Quốc có thể hạ thủy vào ngày 26/12/2015, nhằm kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tờ China Daily vừa hé lộ các đặc tính kỹ thuật của chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến thế hệ thứ 5 J-31, sản phẩm của Tổng Công ty hàng không Trung Quốc (Avic), đối thủ cạnh tranh với chiến đấu cơ tàng hình F-35 của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ). J-31 là thế hệ máy bay do thám sản xuất nội địa thứ 2 của Trung Quốc.
Ngày 7/10, tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc dẫn lại thông tin từ trang mạng Quỹ Jamestown Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng không quân chiến lược. Bởi trong 20 năm qua, không quân Trung Quốc đã đẩy mạnh chuyển đổi và trở thành “hạng nhất”.
Theo tờ Washington Post, Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc cố tình leo thang căng thẳng trong khu vực, cũng như không công nhận yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông.
Theo người phát ngôn Hải quân Mỹ William Marks, cho dù chưa có kế hoạch cụ thể về việc điều tàu đến các đảo nói trên, nhưng Mỹ sẽ đi lại trong vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông theo đúng quy định quốc tế về hàng hải.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết, Mỹ đang hiện diện và hoạt động tích cực ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, cảm thấy an tâm khi biết rằng các phương án kể trên đang được cân nhắc.
“Vùng biển 12 hải lý”
Ngày 10/10, khi bình luận trên tờ The Wall Street Journal, học giả Jerry Hendrix đến từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng, vùng biển 12 hải lý xung quanh các bãi đá mà Bắc Kinh bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa là vùng biển quốc tế, không thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Theo ông Jerry Hendrix, Trung Quốc đang thách thức không chỉ Mỹ, mà cả Nhật Bản, Philippines và các nước trong khu vực, nhằm tìm cách độc chiếm Biển Đông. Và điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc đang tìm cách xác lập chủ quyền bằng vũ lực ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 10/10, khi trả lời Đài Truyền hình NHK Nhật Bản, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris tuyên bố, Washington chuẩn bị điều tàu chiến đến khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông; không thừa nhận yêu sách thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc mới xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Trước đó (8/10), tờ Financial Times cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gây sức ép với Nhà Trắng trong nhiều tháng để được phép hành động cứng rắn hơn trước những hành động leo thang ở Biển Đông của Trung Quốc.
Ngày 9/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) đã phát biểu hết sức ngang ngược khi cho rằng, Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm “vùng nước chủ quyền và không phận Trung Quốc” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vì lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.
Bắc Kinh “không cho phép” Mỹ hay bất cứ nước nào điều tàu vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi đá Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Theo thống kê, từ tháng 5, Bắc Kinh đã 8 lần yêu cầu máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ rời khỏi vùng trời bãi đá Chữ Thập.
Cũng trong ngày 9/10, trang mạng Milytary.com dẫn tuyên bố của Phó đô đốc Nora Tyson cho biết, Chỉ huy Hạm đội 3 Mỹ cho biết, họ sẽ giúp thực thi tự do, an ninh hàng không, hàng hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông và Hạm đội 3 cùng Hạm đội 7 sẽ hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris từng tuyên bố, Mỹ phải tiến hành các chuyến tuần tra để đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Châu Á - Thái Bình Dương và việc này sẽ gia tăng nguy cơ Mỹ - Trung giáp chiến tại Biển Đông.
Ngày 8/10, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ tờ Navy Times và Financial Times cho biết, Nhà Trắng chính thức chấp nhận những kiến nghị kể trên bởi hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc đã trở thành nguồn cơn căng thẳng, đặt ra mối đe dọa về tự do và an ninh hàng không, hàng hải ở Biển Đông.
Ngày 11/10, tờ Đa Chiều đưa tin, lãnh đạo Hạm đội Đông Hải và Nam Hải đã bị thay sau khi Mỹ có những tuyên bố và động thái mới tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Giáo sư David Lampton chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang ép người quá đáng và ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu Mỹ phải động thủ, do đó nguy cơ xung đột khó tránh khỏi.
Trước đó (8/10), tờ Sankei shimbun đưa tin, Philippines đã diễn tập đổ bộ với Mỹ. Cuộc diễn tập Phiblex 2015 giữa Mỹ và Philippines diễn ra từ ngày 1 đến ngày 9/10, nhằm tăng cường đối phó với các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes, Dân Trí