tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thế giới phản ứng trái chiều về thỏa thuận TPP

  • Cập nhật : 07/10/2015

(Thuong mai)

Trong khi lãnh đạo các nước xem việc đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bước ngoặt lớn thì nhiều ý kiến lại tỏ ra lo ngại về những tác động của nó đối với nền kinh tế.

dai dien 12 nuoc tham gia dam phan tpp tai atlanta, my. anh: ustr

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ. Ảnh: USTR

 

Ngày 5/10, sau hơn 5 ngày làm việc thâu đêm, Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam tuyên bố kết thúc thành công quá trình đàm phán để đi đến một thoả thuận mang tính lịch sử.

Đại diện cơ quan Thương mại Mỹ (USTR) Michael Froman nhận định đây là hiệp định của thế kỷ 21, với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, đầy tham vọng, toàn diện và cân bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo mới và duy trì công ăn việc làm, tăng cường đổi mới và nâng cao năng suất cũng như năng lực cạnh tranh. Hiệp định cũng được cho là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói nghèo, thúc đẩy minh bạch và và tăng cường bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường.

"TPP là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mở cửa thương mại và hội nhập trong toàn khu vực", thông cáo của USTR viết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức ca ngợi TPP "tạo ra sân chơi" cho nông dân, các chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ cũng như giúp nước này đạt được nhiều mục tiêu khác.

"Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc viết ra luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải viết ra những luật lệ đó, mở cửa những thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ trong khi thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ người lao động và bảo tồn môi trường của chúng ta. Đó là những gì mà thỏa thuận đạt được hôm nay ở Atlanta sẽ làm", thông cáo của ông Obama có đoạn.

Những người ủng hộ TPP ở Mỹ bày tỏ sự lạc quan rằng hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp nước này dễ dàng bán sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu tăng trưởng sẽ tạo ra nhiều việc làm có thu nhập tốt ở trong nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh TPP, đánh giá rằng "hiệp định đã tạo ra một hệ thống kinh tế quốc tế tự do, công bằng và cởi mở ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó các nước chia sẻ những giá trị cơ bản về tự do, dân chủ, các quyền con người và quy định pháp luật". "Nó sẽ đóng góp to lớn đến an ninh của quốc gia chúng ta và sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và nó sẽ mang một ý nghĩa chiến lược quan trọng nếu Trung Quốc tham gia hệ thống này trong tương lai", ông nói.

Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng ca ngợi hiệp định lịch sử sẽ thiết lập một tiêu chuẩn vàng mới cho các thỏa thuận thương mại toàn cầu trong tương lai. TPP sẽ bảo vệ việc làm cho người Canada và tạo ra thêm nhiều công việc cho thế hệ sau này nhờ việc đảm bảo tiếp cận đến các thị trường quan trọng ở nước ngoài.

"Thỏa thuận này, không nghi ngờ gì, là lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế Canada", ông nói. 

thu tuong canada stephen harper trong cuoc hop bao ve tpp hom qua. anh:reuters

Thủ tướng Canada Stephen Harper trong cuộc họp báo về TPP hôm qua. Ảnh:Reuters

 

Ông Harper cũng cho biết nội các liên bang đã thông qua một kế hoạch chi 4,3 tỷ USD trong 15 năm tới để bảo vệ nông dân Canada khỏi những tác động của TPP.

Hàn Quốc cũng hoan nghênh việc đàm phán thỏa thuận TPP hoàn tất và tái khẳng định sẽ tích cực cân nhắc việc tham gia hiệp định thương mại tự do này sau khi phân tích kỹ lưỡng tác động của nó đối với nền kinh tế quốc gia.

Trong một thông cáo mới phát đi, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá thỏa thuận đạt được giữa các nước đang tham gia TPP là một bước phát triển rất tích cực. IMF sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết trước khi đưa ra một đánh giá toàn diện. "Tôi khuyến khích các quốc gia khác tái nỗ lực để hoàn thành các cuộc đàm phán đang diễn ra và cộng đồng quốc tế nói chung tái tham gia vào các sáng kiến thương mại đa phương nhằm đảm bảo một hệ thống thương mại toàn cầu gắn kết", bà nói.

TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Hiệp định vẫn cần được quốc hội 12 nước thông qua.

Trước đó, quốc hội Mỹ đã phê duyệt một điều luật gọi là Quyền Thúc đẩy Thương mại, cho phép họ chấp thuận hoặc bác bỏ thỏa thuận này nhưng không có quyền sửa đổi nó.

Tiếng nói hoài nghi

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Bernie Sanders nhanh chóng lên án TPP ngay sau khi việc hoàn tất quá trình đàm phán thỏa thuận được công bố. Ông cho rằng thỏa thuận thương mại này sẽ "gây tổn hại cho người tiêu dùng và việc làm của Mỹ".

"Phố Wall và các tập đoàn lớn khác lại chiến thắng", ông nói. "Đã đến lúc những người còn lại trong chúng ta phải ngừng làm ngơ việc các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng hệ thống này để thu lợi nhuận từ tiền của chúng ta". 

Thậm chí các nghị sĩ Cộng hòa, những người từng ủng hộ TPP, cũng hoài nghi trước kết quả đàm phán. "Tôi lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ nhanh chóng sụp đổ một cách thảm hại", thượng nghị sĩ Orrin Hatch, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, nói.

Những người phản đối cũng đề cập đến ảnh hưởng của TPP đối với nỗ lực bảo hộ sáng chế dược phẩm của các công ty dược. Thời hạn độc quyền dược phẩm dài hơn sẽ khiến bệnh nhân khó tiếp cận hơn các loại thuốc tương đồng giá rẻ, đồng thời tăng gánh nặng đối với dịch vụ y tế.

Judit Rius Sanjuan, cố vấn chính sách pháp lý của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, cho rằng "TPP sẽ đi vào lịch sử như một thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong việc tiếp cận dược phẩm ở các nước đang phát triển". Những nước này sẽ buộc phải thay đổi luật để bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các công ty dược.

Một trong các nguyên tắc của TPP, theo tờ Independent, là cơ chế giải quyết tranh chấp ISDS, theo đó các chính phủ có thể kiện nếu luật pháp thay đổi dẫn đến gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và kinh doanh. Trên thế giới từng diễn ra các tiền lệ, chẳng hạn Philip Morris kiện chính phủ Australia xung quanh quy định về bao gói thuốc lá mà nước này đưa ra. Những người chỉ trích TPP lo rằng thỏa thuận sẽ khiến các chính phủ gặp khó trong điều hành.

Tại Canada, nông dân ngành sữa bày tỏ lo ngại rằng việc cắt giảm thuế và nghiêm cấm bảo hộ khiến họ phải đối mặt với sự cạnh tranh giá thành rẻ hơn từ các đối thủ ở nước ngoài. Unifor, công đoàn lớn nhất Canada trong lĩnh vực tư nhân, cũng lên án đảng Bảo thủ vì ký kết một thỏa thuận "đe dọa đến ngành công nghiệp xe hơi". Tổ chức này ước tính hơn 2.000 người sẽ mất việc làm do TPP, dù chính phủ Canada bác bỏ con số này.

Tại New Zealand, đảng đối lập chính Lao động chỉ trích rằng các cuộc đàm phán TPP diễn ra quá bí mật, khiến người dân không được góp tiếng nói vào một thỏa thuận có tác động lớn đến sự phồn vinh của nền kinh tế quốc gia.

"Chính phủ phải làm rõ những thỏa hiệp xấu xí mà họ đã đưa ra sau các cánh cửa đóng kín", quyền lãnh đạo đảng, bà Annette King, nói. Tuy nhiên phe ủng hộ TPP nói rằng đàm phán kín là chuyện bình thường của các hiệp định thương mại.

Nói về độ bao phủ của TPP, Julian Assange, chủ trang Wikileaks, bình luận: "Cho dù bạn làm gì, viết, đọc, xuất bản, nghĩ, nghe, nhảy múa, hát hò hay sáng chế, cho dù bạn trồng cấy hay tiêu thụ, dù bạn ngã bệnh hôm nay hay mai kia, bạn luôn ở trong kính ngắm của TPP". 

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục