Giá dầu đậu tương thế giới hàng ngày
Dự trữ dầu để thao túng giá?
- Cập nhật : 29/10/2015
(Thi truong)
Giá dầu giảm trong phiên ngày 21/10 tại châu Á, sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng mạnh hơn dự kiến, gây lo ngại về tình trạng dư cung trên toàn cầu, dù đồng USD xuống giá nhẹ đã phần nào hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu Brent giao tháng 12/2015 giảm 30 xu Mỹ, xuống 48,41 USD/thùng vào lúc 0645 GMT, sau khi tăng 10 xu Mỹ trong phiên trước. Giá dầu thô của Mỹ giao cùng kỳ giảm 44 xu Mỹ so với phiên trước, xuống 45,85 USD/thùng. Theo Viện Xăng dầu Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này cho đến giữa tháng 10 tăng 7,1 triệu thùng, lên 473 triệu thùng. Các nhà phân tích ước tính mức tăng là 3,9 triệu thùng.
Trong khi thế giới đẩy mạnh khai thác dầu thì Mỹ và một số cường quốc lại thi nhau áp dụng chiến lược dự trữ dầu, gọi tắt là SPR (Strategic Petroleum Reserve). Động thái này hiện đang làm tăng mối nghi ngờ của dư luận…
Vậy nguyên nhân nào khiến các nước lớn phải phòng thủ về dầu mỏ. Câu trả lời có nguồn gốc từ cuộc khủng hoảng năng lượng đầu thập niên 70 ở thế kỷ trước, khi các hãng xuất khẩu dầu mỏ Ả Rập cắt đứt nguồn cung cho Mỹ lẫn phương Tây nhằm trả đũa việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur.
Thế giới quá lệ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông. Khi giá dầu tăng vọt đã đẩy Mỹ vào tình trạng khó khăn về nhiên liệu và nhiều hệ lụy mang tính dây chuyền khác, kể cả bất ổn về an ninh.
Sau sự kiện trên, Mỹ đã bắt đầu thực hiện chiến lược SPR, lấp đầy các hang động ngầm bằng dầu thô. Nguồn tin này được một trang web của chính phủ Mỹ tiết lộ: "Việc ra đời các hang động chứa dầu của SPR là để giúp Mỹ khắc phục nguồn cung bị gián đoạn và trở thành công cụ đắc lực cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". Đây là một sáng kiến tốn kém nhưng thực dụng.
Riêng ngân sách 2015, Mỹ đã dành cho SPR khoảng 200 triệu USD. Cũng nhờ SPR, mà Mỹ đã tránh được nạn thiếu dầu sau chiến tranh vùng Vịnh lần một, hoặc sự kiện bão Katrina xảy ra năm 2005.
Theo Bob Corbin, người có thâm niên 22 năm phục vụ trong Lực lượng Bảo vệ bờ biển, hiện đang công tác tại Bộ Năng lượng, phụ trách tài chính cho các dự án nói trên, thì tất cả các kho dự trữ dầu đều được đặt tại các vị trí được giới chuyên môn gọi là mỏ muối. Lợi thế của mỏ muối là muối không thấm, không pha trộn, không tác động tới dầu, do đó nó được xem là nơi lý tưởng để lưu giữ dầu thô với khối lượng cực lớn.
Thậm chí Corbin còn tiết lộ, Mỹ hiện có tới bốn địa điểm đang bảo tồn dầu kiểu này, từ Baton Rouge ở bang Louisiana kéo dài đến tận thành phố Freetown, bang Texas. Những hang động dầu nói trên hoàn toàn ngầm sâu trong lòng đất, chỉ nhô lên những điểm tiếp cận dạng như lỗ khoan lộ thiên. Hiện có trên 60 hang động đá muối ngầm được sử dụng cho mục đích này, được xây dựng cách đây 40 năm.
Corbin cũng kể rằng, việc quản lý hạ tầng các dự án nói trên rất phức tạp và mang tính đặc thù, bởi các mỏ muối không hoàn toàn ổn định. Đôi khi xuất hiện cả những bức tường chắn hoặc những mảng trần lớn có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, con người không thể tiếp cận hang động như khoan giếng tự nhiên, do vậy mọi thứ đều phải thực hiện từ xa, phải sử dụng tới các thiết bị chuyên dụng.
Ví dụ, dùng kỹ thuật chụp hình sonar để biết được kích thước ba chiều, biết được khi nào các mỏ này đầy. Hiện, Mỹ đã xây dựng những bồn chứa dầu khổng lồ ngầm dọc bờ biển, với tổng lượng dầu dự trữ đã lên tới gần 700 triệu thùng (barrel).
Và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện chiến lược dự trữ dầu. Nhật Bản hiện có các giếng dầu dự trữ vượt trên con số 500 triệu thùng, phần lớn được lưu chứa trong các bồn chôn trong lòng đất, như tại Shibushi. Sau sự kiện động đất và sóng thần năm 2011, Nhật Bản đã mở rộng kho dự trữ để thỏa mãn nhu cầu trong trường hợp sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai.
Tại Anh, việc dự trữ dầu là do từng công ty tự làm để phục vụ cho nhu cầu đột xuất. Một số quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc lại có chiến lược SPR riêng. Người Trung Quốc có kế hoạch đầy tham vọng, trữ dầu tại nhiều nơi trên mặt đất, kết hợp giữa cơ sở nhà nước và các kho dự trữ thương mại. Trong số này có Zhenhai được xem là quy mô lớn hơn cả, công suất 33 triệu thùng, đi kèm là các nhà máy lọc dầu…
Narongpand Lisapahanya, chuyên gia phân tích dầu khí tại Tập đoàn đầu tư CLSA của Hồng Kông cho hay, tới thời điểm hiện tại, chưa có siêu cường quốc nào hoàn thành chiến lược SPR, bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề. Chỉ riêng chi tiêu cho việc phát triển chiến lược SPR như trong kế hoạch của Trung Quốc đề ra cũng tốn kém không ít, nhất là khi Trung Quốc hiện không phải thành viên của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA).
Cũng có người lo ngại, các nước ngoài IEA có thể sử dụng dự trữ dầu để thao túng giá dầu toàn cầu, bán tháo vào thời điểm thuận lợi. Trong khi đó, đối với Mỹ, việc hoàn thành chiến lược SPR còn nhằm bảo vệ nền kinh tế. Mục tiêu này đã được khẳng định cách đây 40 năm và ngày nay vẫn là mục đích chính của SPR, nói đúng hơn là bảo vệ nền kinh tế chứ không phải là yếu tố để quản lý giá hay thao túng giá.
Dư luận hiện vẫn đang tranh luận về mục tiêu sử dụng của nguồn dầu trong SPR. Người thì cho rằng đây là giải pháp tích cực, cách đầu tư thông minh, ý kiến khác lại cho là tiêu cực, cáo buộc Mỹ luôn luôn tận dụng tối đa chiến lược SPR để thao túng giá dầu. Và thế giới sẽ được lợi gì từ nguồn dầu dự trữ này một khi khủng hoảng dầu diễn ra, chưa kể các quốc gia lớn khác hiện cũng đang chạy đua theo Mỹ để tích dầu?