Trung Quốc đã khiến cả thế giới sửng sốt với số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài trị giá tổng cộng 246 tỷ USD trong năm 2016.
Đây chính là 'bàn tay vô hình' tạo nên 'phép màu' kinh tế Hồng Kông
- Cập nhật : 16/10/2017
Khi Cowperthwaite thôi chức Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông năm 1971, nhiệm kỳ của ông được đánh giá là thành công vang dội.
Thời kỳ những năm 1960, các Chính phủ trên thế giới thường phản ứng với tình trạng bất ổn chính trị và các thách thức kinh tế bằng chủ nghĩa dân tộc, các kế hoạch tập trung (centralised planning) và đẩy tăng chi tiêu công (được tài trợ bởi nợ và các khoản sưu cao thuế nặng). Khi đó, Sir John Cowperthwaite, người đứng đầu hệ thống tài chính của đặc khu hành chính Hồng Kông, đứng trước áp lực rất lớn về chuyện áp dụng những biện pháp tương tự.
Đã nhiều lần Chính phủ Anh hối thúc chính quyền Hồng Kông hãy tăng thuế, còn lãnh đạo Hồng Kông thì muốn tăng chi tiêu công để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở cho những người nhập cư nghèo khó hay tình trạng thiếu nước sạch. Trong khi đó, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đang bị đe dọa bởi làn sóng tăng thuế phí trên toàn cầu, khiến việc chuyển hướng mô hình kinh tế sang chú trọng vào phục vụ thị trường nội địa trở nên cấp thiết.
Trong cuốn sách “Architect of Prosperity: Sir John Cowperthwaite and the Making of Hong Kong” (tạm dịch: Vị kiến trúc sư của thịnh vượng: Sir John Cowperthwaite và Hồng Kông), tác giả Neil Monnery kể lại câu chuyện về người đàn ông đã dứt khoát nói không với tất cả những yêu cầu trên. Và, trong quá trình ấy, nhân vật chính của chúng ta cũng trở thành một trong những nhân vật kỳ lạ nhất trong lịch sử kinh tế: 1 nhà kỹ trị sắm vai người anh hùng của những người tán thành chủ nghĩa tự do.
Có thể gọi phương pháp tiếp cận của ông là “chủ nghĩa không can thiệp tích cực”, nghĩa là chính quyền để mặc cho dân chúng tự do kinh doanh. Chính quyền có thể tài trợ cho các dự án nhà ở công cộng nhưng chỉ là cho các căn hộ nhỏ, có thể xây bể chứa nước khổng lồ nhưng sẽ thu phí người sử dụng. Phần lớn các công việc còn lại đều để cho các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân đã được giải phóng khỏi các mệnh lệnh hành chính.
Cowperthwaite có thể đi ngược lại xu hướng chính phủ lớn (big government) cũng một phần là bởi bối cảnh lúc đó. Ông được đào tạo về chuyên ngành kinh tế vào đúng thời điểm các quan điểm của Adam Smith đang thắng thế với lý thuyết “bàn tay vô hình”. Điều này cho phép ông có nền tảng để tranh luận với những người đồng nghiệp đi theo chủ nghĩa kinh tế Keynes với những quan điểm trái ngược.
Ông đến Hồng Kông năm 1945, khi mà Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vừa dành lại quyền kiểm soát vùng đất này từ tay người Nhật. Trong suốt Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông, người dân ở đây đã phải gánh chịu nạn thiếu lương thực do sự áp đặt khẩu phần gây ra và nạn siêu lạm phát do áp đặt tỷ giá của quân đội Nhật. Chính quyền mới đã can thiệp mạnh vào công tác quản lý nền kinh tế, và một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Cowperthwaite là quản lý hoạt động buôn bán thực phẩm và các nguyên vật liệu thô, kiểm soát giá cả. Nhưng ông đã sớm nhận ra rằng vì Hồng Kông không có tài nguyên thiên nhiên, sự thịnh vượng chỉ có thể đến từ khả năng thu hút dòng vốn và các doanh nhân mà thôi.
Muốn làm được như vậy thì chính quyền phải đóng vai trò cung cấp sự tự do chứ không phải là sự giúp đỡ. Yêu cầu được trợ giá, trợ vốn của các ngành thường xuyên bị từ chối. Cowperthwaite cũng từ chối cả việc tài trợ thâm hụt ngân sách, dù điều này có thể khiến các thế hệ tương lai phải gánh chịu hậu quả và đẩy nền kinh tế vào rủi ro. Ông có một số ý tưởng khá cấp tiến: để đảm bảo các biến động nhất thời trong môi trường kinh doanh không được sử dụng để làm căn cứ điều chỉnh chính sách quản lý nền kinh tế, ông cấm hoàn toàn việc thu thập các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô.
Một trong những nhận định thẳng thắn và gai góc nhất của Cowperthwaite là “ngày nay chúng ta phải trả giá đắt vì những khẳng định, kết luận sai lầm của những ngành khoa học giả tạo, trong đó có cả kinh tế học”. “Bản thân tôi luôn có xu hướng không tin vào nhận định của bất kỳ ai không thực sự tham gia vào quá trình chấp nhận rủi ro”, ông nói.
Và niềm tin ấy đã đem đến những “quả ngọt” xứng đáng. Khi mà những ngành như kéo sợi bông hay đúc đồ gia dụng bằng kim loại tráng men gặp khó khăn và Cowperthwaite từ chối cứu trợ, các doanh nghiệp ngay lập tức chuyển sang những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hơn như sản xuất đồ chơi, đồ điện tử và sau đó là tài chính. Người nhập cư tìm được việc làm trong những ngành mới, trở thành một “bánh răng” của cỗ máy sản xuất chứ không phải là gánh nặng đối với nền kinh tế.
Khi Cowperthwaite thôi chức Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông năm 1971, nhiệm kỳ của ông được đánh giá là thành công vang dội. Tuy nhiên điều đó không có nhiều tác dụng trong việc bảo vệ các chính sách của ông trong tương lai. Lệnh cấm thu thập số liệu ngay lập tức được dỡ bỏ bởi người kế nhiệm. Sau này dù là người Anh hay người Trung Quốc lãnh đạo kinh tế Hồng Kông, họ đều nới lỏng “vòng kim cô” hạn chế sự can thiệp của chính quyền.
Một trong những lý do khiến quan điểm của Cowperthwaite bị phản đối là sẽ không tránh khỏi tình trạng một bộ phận người dân gặp rủi ro trong quá trình tự sinh tự diệt của nền kinh tế. Ông tin rằng “trong 1 nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ cao, thu nhập cũng sẽ được tái phân phối một cách nhanh chóng và hợp lý, do đó những người (dù tạm thời không may mắn hoặc mãi mãi) không được hưởng lợi từ sự phát triển chung”. Theo Cowperthwaite, lịch sử [của Hồng Kông] đã chứng minh điều đó. Và bây giờ, kehi mà lịch sử đang dần lùi vào dĩ vãng, 1 cuốn tiểu sử khéo léo phác họa rõ nét chân dung vị kiến trúc sư trưởng có công lớn tạo nên “phép màu kinh tế Hồng Kông” là thứ quý giá hơn bao giờ hết.
Theo Thu Hương-Trí thức trẻ