Hiện nay, Trung Quốc đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ Mỹ, Nga đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Âu - Mỹ. Điều này đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc tìm cách tạo ra một khuôn khổ để hành động chung.
Chuyên gia Mỹ vạch trần sự phi lý, nực cười của Trung Quốc trên Biển Đông
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Đòi hỏi các quyền lợi trên biển theo luật pháp quốc tế nhưng lại lảng tránh các nghĩa vụ song hành, xây đảo nhân tạo và đòi vùng biển chủ quyền vốn không hề có là hai trong số những điều phi lý và nực cười của Trung Quốc trên Biển Đông.
Kể từ năm 2009, khi Trung Quốc đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc luân chuyển tuyên bố về cái gọi là “đường 9 đoạn” tới cộng đồng quốc tế, thế giới đã không ít phen sửng sốt trước những hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chính sách của Bắc Kinh đã tạo ra những hỗn loạn nguy hiểm, với sự nực cười ở nhiều cung bậc khác nhau.
Tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc thường xuyên quấy rối ngư dân các nước trên Biển Đông (Ảnh: Inquirer)
Phá vỡ luật pháp quốc tế
Theo giáo sư James Kraska, đến từ Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế Stockton, đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, điều nực cười đầu tiên đó là việc Trung Quốc đòi chiếm đoạt vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia láng giềng.
Trước đây trong quá trình đàm phán Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), các quốc gia đang phát triển đã miễn cưỡng nhượng bộ việc tự do đi lại qua các eo biển và EEZ của họ để đổi lại việc có toàn quyền khai thác tài nguyên xa bờ. Ví dụ Indonesia và Malaysia từng phản đối việc để tàu bè đi lại tự do qua các eo biển giữa hai nước này, mà hầu hết đều nằm trong vùng EEZ 200 hải lý, gồm Eo Malacca và Eo Sunda. Dù vậy cuối cùng họ đã cùng nhượng bộ.
Việc Trung Quốc đòi chiếm đoạt EEZ của các quốc gia láng giềng hiện nay đã phá vỡ thỏa thuận đó. EEZ được tạo ra một phần để đảm bảo an ninh lương thực cho các nước đang phát triển, do khoảng 90% thủy hải sản của thế giới đều nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ. Ngày nay, các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á đều trông cậy vào nguồn lợi từ biển hơn lúc nào hết, và họ đang phải đối mặt với viễn cảnh mất đi nguồn lợi hợp pháp đó do chính sách của Trung Quốc.
Hai là, Trung Quốc từng là một trong những nước đi đầu trong nhóm quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng cao và đảm bảo an toàn đánh bắt xa bờ cũng như quyền khai thác khoáng sản của các quốc gia ven biển. Vậy nhưng giờ đây, khi đã gia nhập hàng ngũ cường quốc hàng đầu thế giới, họ lại đang quay lưng với toàn bộ những gì họ từng kêu gọi.
Mỹ, dù ban đầu là một quốc gia phản đối việc thiết lập EEZ và không phải một bên ký kết UNCLOS, vẫn đang khuyến khích và tôn trọng EEZ của các nước. Trung Quốc trong khi là một bên ký kết UNCLOS và đề cao tầm quan trọng của EEZ, lại đang không tôn trọng quyền EEZ của các nước láng giềng.
Bá quyền chiến lược
Ba là, ở cốt lõi của vấn đề, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng không chỉ ở sự thèm muốn khổng lồ của Bắc Kinh với các nguồn tài nguyên, mà ở chỗ Trung Quốc muốn củng cố sức mạnh và quyền bá chủ chiến lược tại Đông Á.
Điều nực cười là ở chỗ, Biển Đông có ít tài nguyên, và đến nay chỉ có Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia (CNOOC) của Trung Quốc tuyên bố có lượng lớn khí và dầu tại đây. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ tin rằng mặc dù Biển Đông có khả năng chứa lượng dầu mỏ tương đương 11 tỷ thùng, và lượng khí tự nhiên 5,38 nghìn tỷ m3, hầu hết nguồn tài nguyên này nằm ngoài các khu vực tranh chấp, dọc theo đường bờ biển bên ngoài cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Tương tự vậy, nguồn lợi thủy sản tại Biển Đông từng dồi dào nhưng nay đã cạn kiệt. Trung Quốc là nước có đội tàu đánh bắt lớn nhất thế giới, và đây là nguyên nhân chính. Do đó, tuyên bố Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và thủy sản chỉ là bình phong để che đậy cho những bước đi về chiến lược của Trung Quốc.
Bốn là, Trung Quốc luôn khăng khăng về cách “diễn giải” luật pháp quốc tế độc nhất và “chân thành” của mình, nhằm hợp pháp hóa chính sách tại Biển Đông, vốn không được quốc tế ủng hộ.
Các quan chức và học giả Trung Quốc đã liên tục là đối tượng của những chỉ trích và phản đối về luật biển từ các luật sư, và nhà hoạch định chính sách nước ngoài, tại vô số các hội thảo và đối thoại. Nhưng lần nào cũng vậy, cho dù thế giới có tranh luận cho đến khi tím tái mặt mũi, các đại diện của Trung Quốc thường tỏ ra không tiếp thu.
Trung Quốc chỉ có vẻ hiểu luật biển khi nó có lợi cho các lợi ích của họ. Ví dụ như nước này đã đạt được thỏa thuận mang tính hòa giải và công bằng với Việt Nam về Vịnh Bắc Bộ, và với Hàn Quốc về Hoàng Hải, theo đó sẽ phân chia một cách có trách nhiệm và công bằng nguồn lợi thủy sản, đồng thời tiến hành tuần tra chung để giảm căng thẳng. Đến nay hoạt động hợp tác này vẫn diễn ra chặt chẽ và lâu dài, vậy nhưng Trung Quốc lại phớt lờ chính những chuẩn mực của luật biển đó khi nói đến Biển Đông.
Điều nực cười thứ năm đó là, Trung Quốc đã “đút túi” những quyền lợi họ có được theo UNCLOS, trong khi lảng tránh trách nhiệm. Chính Bắc Kinh từng đi đầu trong nhóm các quốc gia đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, kêu gọi mở rộng vùng biển chủ quyền từ 3 hải ý lên 12 hải lý, và lập EEZ 200 hải lý.
Trong khuôn khổ gói thỏa thuận đó, Trung Quốc và các nước khác cũng có những nghĩa vụ phù hợp với quyền lợi mới, nhưng Bắc Kinh lại phớt lờ. Trung Quốc đã cài thêm các điều kiện để tàu thuyền nước ngoài được đi vào vùng biển chủ quyền và EEZ của mình, mà những điều kiện đó không những không có trong UNCLOS, mà còn từng bị cộng đồng quốc tế phản đối đích danh trong quá trình đàm phán UNCLOS. Trong khi đó Trung Quốc vẫn được hưởng quyền và tự do đi lại trong EEZ các nước khác.
Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông và đòi vùng biển chủ quyền quanh các đảo này hoàn toàn không được luật pháp quốc tế công nhận (Ảnh: EPA)
Tuyên bố chủ quyền trơ tráo
Sáu là, ngay cả những cách áp dụng luật quốc tế hào phóng và có lợi nhất cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cũng không thể giúp họ có được gì nhiều ngoại trừ một vài vùng biển rất bé nhỏ trong khu vực. Bắc Kinh đến nay vẫn từ chối làm rõ ý nghĩa của tuyên bố “đường 9 đoạn”, nhưng ý nghĩa hợp pháp nhất có thể biện hộ của tuyên bố này chỉ là một đường định vị để tuyên bố chủ quyền với các bãi đá và đảo trên Biển Đông.
Tuy nhiên, vô số những bãi san hô, kết cấu mực triều thấp và bãi đá ngầm này không được hưởng quyền pháp lý, và thuộc về quốc gia mà các kết cấu này nằm chung thềm lục địa. Vậy nhưng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với các bãi đá và đảo này dựa trên phát hiện lịch sử, dù không thể đưa ra những căn cứ rõ ràng cho tuyên bố trơ tráo đó.
Trung Quốc tuyên bố rằng dữ liệu cổ cho thấy những người đi biển Trung Quốc đã ghé qua và đặt tên cho một vài kết cấu đá trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, không hề rõ liệu những chuyến đi này mang tính chính thức của nhà nước Trung Quốc thời đó, hay chỉ đơn giản là sự việc tình cờ do các ngư dân vô danh ghi nhận.
Trong khuôn khổ luật pháp, ngay cả khi các công thần được hoàng đế phái tới các kết cấu đá và thay mặt hoàng đế tuyên bố chủ quyền, thì chuyến đi đó không có ý nghĩa gì về mặt luật pháp. Điều này cũng tương tự như việc Mỹ đặt chân lên Mặt trăng không có nghĩa là họ có quyền về mặt pháp lý đối với thiên thể đó.
Việc một nước nào đó phát hiện ra một hòn đảo không phải căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền. Năm 1928, Mỹ từng thua Hà Lan tại tòa trọng tài trong tranh chấp chủ quyền với đảo Palmas nằm giữa Philippines và Indonesia, bởi việc phát hiện ra hòn đảo mà không thực thi việc quản lý hiệu quả trong thời gian dài cũng không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý.
Những vụ việc sau đó gồm phân xử tranh chấp chủ quyền đảo Clipperton giữa Pháp và Mexico năm 1933. Mexico cũng khẳng định là người phát hiện nhưng trọng tài quốc tế đã tuyên hòn đảo thuộc về Pháp do sự hiện diện và sử dụng hòn đảo của người Pháp…
Ngay cả trong trường hợp có bằng chứng cho thấy Trung Quốc thực sự đã có quyền hợp pháp với các cấu trúc đá và đảo này, họ sau đó cũng đã để mất nó. Điều này không liên quan gì đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc phương Tây, mà do Trung Quốc đóng cửa, bế quan tỏa cảng với thế giới. Việc thiếu sự hiện diện chính thức và không hoạt động trên một cấu trúc theo thời gian sẽ cấu thành sự từ bỏ quyền của một quốc gia với một hòn đảo hay cấu trúc trên biển.
Vùng nước chủ quyền
Bảy là, dù có một phép màu xảy ra và Trung Quốc có được chủ quyền với tất cả những bãi đá và đảo trên Biển Đông, thì theo luật pháp, họ cũng chỉ được hưởng vùng biển nhỏ bé quanh mỗi cấu trúc này.
Các quốc gia lâu nay vẫn tăng cường tuyên bố chủ quyền với các cấu trúc rất nhỏ bé, với hy vọng mong manh rằng có thể được hưởng vùng biển chủ quyền rộng lớn, quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng nước bao quanh các kết cấu đó. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Một kết cấu nằm giữa biển ở mực triều thấp, tức là nằm dưới mặt nước khi thủy triều dâng cao, nhưng trên mặt nước khi ở mực triều thấp, không được hưởng bất kỳ vùng biển chủ quyền nào.
Bên cạnh đó, nguyên tắc bất đối xứng đường bờ biển của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), từng được áp dụng trong vụ phân xử 2 cấu trúc đá tranh chấp giữa Colombia và Nicaragua chỉ ra rằng, nếu một quốc gia là chủ một kết cấu giữa biển và kết cấu đó nằm trong EEZ của một nước khác, thì vùng biển chủ quyền quanh kết cấu đó sẽ chỉ vô cùng giới hạn.
Ví dụ như Việt Nam có 2.200 km bờ biển hướng ra Biển Đông, gấp hàng trăm lần đường bờ biển của tất cả cấu trúc đá và đảo trên Biển Đông hướng về phía Việt Nam gộp lại. Theo công thức của ICJ, Việt Nam được hưởng một vùng EEZ khổng lồ dọc theo bờ biển Việt Nam, và bất kỳ quốc gia nào có chủ quyền với các đảo nằm trong EEZ Việt Nam cũng chỉ được hưởng vùng nước chủ quyền tối thiểu.
Tám là, nỗ lực khổng lồ của Trung Quốc để bồi lấn và xây dựng các đạo nhân tạo trên Biển Đông hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý. Trung Quốc đã bồi lấn và xây dựng trên 7 bãi đá trên Biển Đông, gồm Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, Subi, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên. Nhưng các phân tích tại Đại học Middlebury chỉ ra rằng đây có vẻ đều là các cấu trúc mực triều thấp. Đơn kiện của Philippines chống lại Trung Quốc tại tòa trọng tài cũng chỉ ra rằng Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên chỉ là các bãi đá.
Cho dù các đảo nhân tạo có được xây lớn đến đâu, chúng cũng không được hưởng thêm các quyền hợp pháp so với các quyền vốn có khi là cấu trúc tự nhiên.
Thanh Tùng
Theo The Diplomat, Dân Trí