Với luật an ninh mới, phạm vi các lựa chọn của Tokyo mở rộng hơn rất nhiều, có thể đóng góp để ngăn chặn những hành động gây hấn ở Biển Đông.
Báo Mỹ: Đàm phán TPP thành công là một thiệt thòi cho Trung Quốc
- Cập nhật : 07/10/2015
(Thuong mai)
Việc 12 nước, trong đó có Việt Nam, tham gia đàm phán TPP đạt được thỏa thuận chung vào hôm 4.10 đã đánh dấu một sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến định hình thương mại toàn cầu với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo tờ Wall Street Journal (Mỹ).
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) bình luận việc đàm phán TPP thành công là một thiệt thòi cho Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Tại vòng đàm phán diễn ra ở thành phố Atlanta (Mỹ), 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được sự thống nhất trong thỏa thuận TPP, một hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng sẽ dọn đường cho việc cắt giảm mạnh, thậm chí là gỡ bỏ ở một số trường hợp, hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu và mở cửa thị trường buôn bán hàng hóa, cũng như dịch vụ. Các nước thành viên này bao gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
Giới lãnh đạo Nhật Bản xem TPP là yếu tố then chốt cho các mục tiêu kinh tế và an ninh trong bối cảnh Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi Tokyo từ lâu đã là nhà đầu tư và “mạnh thường quân” lớn.
Wall Street Journal cho biết Trung Quốc hiện đang trong tuần nghỉ lễ và các quan chức nước này hiện không thể đưa ra bình luận về TPP, nhưng Tân Hoa xã hồi cuối tuần trước đã có bài viết phê bình rằng đàm phán TPP thiếu tính minh bạch.
Một số nhà phân tích Trung Quốc đã lặp lại các chỉ trích từng đưa ra trước đây, cho rằng Washington vạch ra TPP nhằm mục đích kìm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
“Liệu Trung Quốc sẽ tham gia chăng? Liệu TPP do Mỹ dẫn đầu có nhằm mục đích kìm hãm Trung Quốc hay không?”, giáo sư Phong Uy thuộc Trường đại học Phục Đán (Trung Quốc) đặt vấn đề trên trang mạng xã hội Weibo.
Wall Street Journal cho biết Trung Quốc từng được mời gia nhập TPP, nhưng Bắc Kinh đã chần chừ trong việc tuân thủ theo nhiều quy định bắt buộc của hiệp định, chẳng hạn như mở cửa mảng tài chính. Giới phân tích nhận định do không tham gia TPP, nên Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội cùng các nước khác định hình một rường cột quan trọng cho hệ thống giao thương thế giới, điều vốn là ưu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Điều then chốt là liệu cải cách kinh tế trong nước của Trung Quốc có đủ (để nước này cạnh tranh với các cường quốc kinh tế khác) hay không. Nếu không thì Trung Quốc sẽ phải bám đuổi Mỹ và mất cơ hội cùng TPP tạo ra các luật lệ”, ông Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Trường đại học Nhân Dân (Trung Quốc) nói.
TPP được cho là sẽ khiến nỗ lực định hình "đường đi nước bước" trong khu vực của Bắc Kinh trở nên kém hiệu quả. Các nỗ lực này bao gồm đề xuất thiết lập Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), được Trung Quốc lập ra nhằm mục đích đối đầu với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) của Nhật.
Các nước châu Á đều muốn gia nhập TPP hơn là một khối thương mại do Trung Quốc dẫn đầu, trừ phi Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế của mình, ông Masahiro Kawai, cựu quan chức thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản và từng là chuyên gia kinh tế cấp cao về Đông Á - Thái Bình Dương của tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank), bình luận.
Các nhà phân tích còn nhận định rằng không vào TPP cũng đã khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bỏ lỡ cơ hội làm ăn với nhiều quốc gia tiến bộ vượt bậc về mặt công nghệ tại thời điểm Bắc Kinh đang cố cổ súy cho các sáng tạo mang tính công nghệ cao.
Và nền kinh tế Trung Quốc cũng cần có áp lực phát sinh từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài để tạo cú hích cho chương trình cải cách trong nước, vốn đang ngưng trệ, Wall Street Journal dẫn phân tích từ nhiều chuyên gia.