Hiện tại xuất hiện nhiều điểm tương đồng với giai đoạn kinh tế toàn cầu cất cánh 2005- 2007 trước khủng hoảng 2008 do đó có nhiều ý kiến lo ngại rằng 2019 – 2020 nền kinh tế thế giới có thể rơi vào giai đoạn suy giảm của một chu kỳ kinh tế 10 năm.
Thượng đỉnh BRICS: Cơ hội đối đầu Mỹ vẫn... khó khăn
- Cập nhật : 28/07/2018
Trung Quốc tìm kiếm sức mạnh tập thể BRICS để đối trọng Mỹ nhưng vẫn đầy khó khăn.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 đã diễn ra thành công tại Johannesburg (Nam Phi). Về mặt chính thức, thượng đỉnh lần thứ 10 của khối BRICS có mục tiêu thảo luận về chủ đề "Hợp tác nhằm hướng đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế mở rộng cho tất cả".
Nhưng trong bối cảnh Washington từ nhiều tháng nay liên tục đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại cho mình nên cuộc họp lần này của khối BRICS được cho là không đơn thuần mang mục tiêu chính thức công bố.
Tại đây, các lãnh đạo thành viên BRICS khẳng định muốn có một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc được thể hiện bởi WTO để trở thành trung tâm thương mại toàn cầu khi thành viên lớn nhất của khối BRICS phải đối mặt với khó khăn áp thuế hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Tuyên bố chung có đoạn: "Chúng tôi nhận thấy rằng hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với những thách thức chưa từng có... Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên WTO tuân thủ các quy định của WTO và tôn trọng các cam kết của họ".
Tuần trước, Bộ trưởng Kinh Tế Nga Maxime Orechkine tuyên bố, trong bối cảnh này, thảo luận giữa các lãnh đạo BRICS là dịp "đặc biệt quan trọng để phối hợp quan điểm của các bên".
Ông Orechkine cho rằng, lập trường của Moscow là, nhân cơ hội cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng, để cổ vũ cho việc các nước BRICS gia tăng gấp bội các trao đổi thương mại thông qua đồng tiền quốc gia, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố, trong chuyến công du châu Phi lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang theo cơ hội đưa 14 tỉ USD đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, kinh tế đại dương, kinh tế xanh, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, môi trường tài, chính.
Ông Sreeram Chaulia, một chuyên gia Ấn Độ về quan hệ quốc tế, các nước khối BRICS "có lợi ích chung trong việc khuyến khích trao đổi thương mại" trong khối. Chuyên gia này dẫn trường hợp Liên minh Châu Âu và Nhật Bản vừa ký kết một thỏa thuận trao đổi thương mại tự do, nhằm đối phó với Mỹ là một ví dụ.
Tuy nhiên, khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nam Phi lần này, dường như là phục vụ mục tiêu riêng của Trung Quốc hơn là muốn thắt chặt quan hệ hợp tác để đối phó với Washington.
Charles Pennaforte, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Liên bang Pelotas, bang Rio Grande do Sul, trong một bình luận dành cho Sputnik Brazil, giải thích cách mà chính sách của Trump có thể có lợi cho nhóm BRICS.
Trong suốt năm 2018, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã đặt ra sắc thái cho chính sách quốc tế của Mỹ. Vào tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế quan đối với thép và nhôm, thậm chí không loại trừ các đồng minh thân cận của mình. Tạo ra sự lo lắng và nghi ngờ trên toàn thế giới, hành động của Trump có thể mang lại cho các nước BRICS cơ hội tái cấu trúc hệ thống thương mại thế giới.
Do vậy, ông tin tưởng, xu hướng sắp tới là khi Mỹ tự cô lập mình, những nước khác tham gia thương mại quốc tế đang bắt đầu xây dựng lại chính sách.
"Không nghi ngờ gì nữa, điều này rất quan trọng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của BRICS về mặt giao thương thế giới. Trên thực tế, ông Trump chỉ vạch rõ bản chất thương mại quốc tế hiện nay — để phục vụ lợi ích của các cường quốc kiểu cũ" - ông Charles Pennaforte cho biết.
Theo chuyên gia Charles Pennaforte, các nước BRICS đang trở thành nơi mà các quốc gia đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho giao thương quốc tế hiện do Mỹ dẫn đầu.
"Từ quan điểm thực tế, Trump không có cơ sở kinh tế tối thiểu. Phần lớn sản xuất của Mỹ nằm ngoài nước, ở Trung Quốc và các nước khác. Do đó, phát động cuộc chiến thương mại là một loại trả đũa dưới hình thức thuế hải quan, sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với ngành công nghiệp Mỹ trong trung hạn" - ông nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, tác động tích cực của những cú sốc bảo hộ nằm trong thực tế là cần thúc đẩy thế giới hướng tới việc tập hợp lại các lực lượng chính trị để tìm kiếm một giải pháp thay thế. Theo Pennaforte, BRICS sẽ đi theo đường hướng của hai quốc gia chính, có ảnh hưởng hiện đang tăng lên là Nga và Trung Quốc.
"Dưới sự lãnh đạo của Putin trong những năm gần đây, nước Nga đã tái sinh như một tay chơi địa chính trị. Họ, giống như cách Trung Quốc đã làm, [cải cách] kho vũ khí quân sự của mình. Tôi tin rằng hai nước này sẽ đi trước, thúc đẩy những thay đổi trên đấu trường quốc tế" - vị chuyên gia kết luận.
Giới quan sát cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này thực chất là dịp để Bắc Kinh tập trung sức mạnh tập thể, đối đầu thương mại với chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ đang ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, các nước thành viên trong khối đang có những vấn đề riêng biệt: Brazil và Nam Phi bị sa lầy trong cuộc đấu tranh của các lực lượng chính trị khác nhau, trong khi Ấn Độ không che giấu sự bất mãn với dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.
Do vậy, thời điểm này, khối BRICS khó giúp Trung Quốc có thêm lợi thế gì trước cuộc đối đầu với ông Trump.
Huy Vũ
Theo Baodatviet.vn