tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

17 mục tiêu vì một thế giới tốt đẹp hơn

  • Cập nhật : 10/11/2015

(The gioi)

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) vừa diễn ra trong các ngày 25-27/9 tại trụ sở Liên hợp quốc  (LHQ) ở New York (Hoa Kỳ), với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 193 nước thành viên LHQ, trong đó có Việt Nam.

Sau lễ khai mạc, Hội nghị đã thông qua Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và gần 60 Tổng thống, Thủ tướng phát biểu, hầu hết đều nêu bật tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030, nền tảng cho sự phát triển bền vững của thế giới trong 15 năm tới, nhấn mạnh quyết tâm thực hiện các mục tiêu đó. Hội nghị bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế cũng sẽ đạt được một Thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu tại Paris vào tháng 12/2015.

 

Các mục tiêu lớn

Sau bài diễn văn của Giáo hoàng Francis, các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, bao gồm 17 mục tiêu đầy táo bạo nhằm đạt được ba thành tựu "phi thường" là chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và vô luật pháp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Trong 15 năm tới, các chính phủ và tổ chức sẽ nỗ lực gấp bội nhằm xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên hành tinh để tất cả quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Ban Ki-moon nói: “Chương trình nghị sự Phát triển bền vững là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng tất cả quốc gia sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một chương trình nghị sự vì nhân dân, để chấm dứt mọi hình thức nghèo đói, vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, cùng hành động để chống biến đổi khí hậu, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới.

Trên hết, đó là cam kết rằng sẽ không có ai bị tụt lại đằng sau”. Theo ông, 17 mục tiêu phát triển bền vững là kim chỉ nam, danh sách những điều cần phải làm cho mọi người dân trên Trái đất...

Các Mục tiêu phát triển bền vững mới được xây dựng dựa trên những chương trình nghị sự đề ra mục tiêu của các hội nghị LHQ và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vốn đã được đông đảo dư luận ghi nhận là thành công trong việc giúp hàng triệu người cải thiện cuộc sống. Ông Ban Ki-moon cũng khẳng định những thành tựu quan trọng mà LHQ đã đạt được trong 70 năm qua.

 Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon thừa nhận những điểm nóng nổi lên trên thế giới trong mấy năm trở lại đây cho thấy LHQ cần tiếp tục có sự cải tổ và điều chỉnh thì mới có thể theo đuổi mục tiêu cuối cùng là trợ giúp tất cả các quốc gia trên Trái đất. Ông cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ, các cơ quan tài chính và một số tổ chức hoặc cơ chế được thiết lập để xử lý các cuộc khủng hoảng kinh tế là những định chế mà LHQ cần phải cải tổ.

Cũng tại hội nghị lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu nêu bật các thách thức lớn đang đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, nhất là nghèo đói, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn và căng thẳng gia tăng...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Chương trình nghị sự 2030 đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch, tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung về kinh tế, xã hội và môi trường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự, phát biểu tại một số hội nghị cấp cao chuyên đề về xóa đói nghèo, phát triển nông thôn, bình đẳng giới, hoạt động gìn giữ hòa bình. Còn bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các hoạt động tiếp xúc với giới doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ và tham dự Đối thoại Chính sách về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại trụ sở Hội Châu Á.

Thách thức phía trước

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde mới lên tiếng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong dài hạn. Phát biểu trước thềm cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), bà Lagarde cho hay đà tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay là “đáng thất vọng và không đồng đều”, với nhiều quốc gia mới nổi đang đương đầu với tình trạng nguồn thu ngân sách sụt giảm do giá các hàng hóa như dầu đi xuống.    

Bà Lagarde nhận định nhịp độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2015 dự kiến chậm hơn so với năm ngoái, và ở mức vừa phải trong năm 2016. Cụ thể, các nền kinh tế phát triển có thể chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải, trong khi các nền kinh tế mới nổi có khả năng sẽ tiếp tục tăng chậm lại trong năm thứ 5 liên tiếp.

Theo bà, dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan là do tình trạng bất ổn và biến động trên thị trường trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ những lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 9 năm qua cộng với việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc. 

Trước tình hình trên, bà Lagarde kêu gọi các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cần chuẩn bị tâm lý cũng như giải pháp ứng phó đối với tình huống giá các hàng hóa giảm trong thời gian dài trong bối cảnh “khách hàng lớn” Trung Quốc đang điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế. Theo bà, các nền kinh tế trên thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi, cần nâng cao khả năng ứng phó, đồng thời đẩy mạnh giám sát các hoạt động giao dịch bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp lớn.

Trong bối cảnh này, các nhà phân tích cho rằng IMF có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới", dự kiến công bố tại phiên họp thường niên diễn ra trong tuần tới tại Lima (Peru). Hồi tháng 7/2015, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 xuống còn 3,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 3,5% đưa ra trước đó và dự kiến sẽ tăng 3,8% năm 2016.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục