Năm 2015 chứng kiến chiến lược phát triển quân sự của Nga nhằm thay đổi trật tự thế giới do phương Tây thiết lập sau Chiến tranh lạnh đã đạt được những kết quả nhất định.
Nga đi nước cờ dài khi xây loạt căn cứ quân sự ở Bắc Cực
- Cập nhật : 13/11/2015
(The gioi)
Nga đang mở rộng hiện diện quân sự tại Bắc Cực với những tính toán nhắm đến các lợi ích lâu dài, bao gồm nguồn tài nguyên khổng lồ chưa được khai thác ở đây.
Căn cứ quân sự Arctic Trefoil trên đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef, Nga, ở Bắc Cực. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 22/10 cho biết đến năm 2018, Nga sẽ thành lập và trang bị xong một đơn vị quân đội thường trú tại Bắc Cực. Bên cạnh tu bổ lại 6 căn cứ không quân có từ thời Liên Xô , Nga còn xây thêm nhiều căn cứ quân sự mới ở đây.
"Chúng tôi không che giấu việc này. Thực tế, chúng tôi đã xây xong một căn cứ quân sự ở ở đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk", AFP dẫn lời ông Shoigu nói. "Đây là một căn cứ khá lớn. Ngay cả thời Liên Xô cũng không có công trình nào lớn như vậy ở Bắc Cực".
Ngoài ra, các căn cứ quân sự nhỏ hơn cũng sẽ được thiết lập trên đảo Wrangle, Mũi Schmidt, bờ đông khu tự trị Chukotka thuộc vùng Viễn Đông Nga và trên quần đảo Kuril, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Moscow và Tokyo.
Hai ngày trước đó, ông Shoigu thông báo Nga đã hoàn tất 97% quá trình xây dựng căn cứ quân sự Arctic Trefoil có diện tích 14.000m2 trên đảo Alexandra Land, thuộc quần đảo Franz Josef. Khi hoàn thành, căn cứ này sẽ là nơi đồn trú của khoảng 150 binh sĩ. Thực phẩm và nhiên liệu dự trữ sẽ giúp họ lưu lại đây trong 18 tháng liên tục mà không cần tiếp tế từ bên ngoài. Các binh sĩ có thể di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác bên trong căn cứ mà không cần ra ngoài giữa thời tiết lạnh đến -47 độ C.
Giới chuyên gia đánh giá, Nga đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại Bắc Cực như một phần trong học thuyết hải quân mới của nước này. Theo đó, tăng cường hiện diện ở Bắc Cực được coi là ưu tiên hàng đầu bởi khu vực này rất giàu khoáng sản và có tầm quan trọng chiến lược.
Các quan chức Nga từng khẳng định những căn cứ quân sự ở Bắc Cực rất cần thiết, chúng giúp bảo vệ các tuyến giao thương đường biển kết nối châu Âu với khu vực Thái Bình Dương thông qua Bắc Băng Dương.
Tháng 8/2015, Moscow nộp hồ sơ lên Liên Hợp Quốc tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa trải rộng 1,2 triệu km2 ở đây. Năm 2007, trong một động thái nhằm củng cố chủ quyền tại khu vực này, Moscow triển khai hai tàu ngầm nhỏ lặn xuống đáy biển Bắc Cực để cắm quốc kỳ Nga.
Viết trên trang tin Vice News của Mỹ, nhà báo John Dyer nhận định căn cứ quân sự Arctic Trefoil là dấu hiệu mới nhất cho thấy kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chơi lâu dài ở Bắc Cực của Nga.
Thu nhập từ dầu khí và các ngành công nghiệp khác ở Bắc Cực chiếm khoảng 20% GDP của Nga, theo chuyên gia Heather Conley, giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các khối băng ở Bắc Cực đang tan chảy, làm gia tăng khả năng tiếp cận tới trữ lương dầu khí khổng lồ cùng các nguồn khoáng sản khác ở Bắc Cực cũng như mở ra một tuyến giao thương đường biển nhanh nhất từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Nga, Canada, Mỹ, Na Uy và Đan Mạch đang chạy đua giành lợi ích ở Bắc Cực. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực nắm 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu thô chưa được khai thác của thế giới, tương đương 90 tỷ thùng dầu.
"Bắc Cực đã thể hiện rõ tầm quan trọng của nó và các nước sẽ nhận ra rằng khu vực này càng quan trọng hơn trong tương lai”, bà Conley nói.
Củng cố sức mạnh
John Dyer nhận định căn cứ quân sự Arctic Trefoil còn mang lại niềm phấn chấn cho những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc và xem Bắc Cực như là "miền Tây hoang dã" của Nga hay một chân trời mới cần chinh phục.
Sự hiện diện quân sự của Nga ở vùng Bắc Cực rộng lớn cũng như tại khu vực chiến sự Syria đang giúp Tổng thống Putin chứng tỏ bản thân là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cho dù chất lượng sống của người dân Nga hiện giảm sút nhanh chóng do giá dầu lao dốc, gây khốn đốn cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.
Các động thái triển khai sức mạnh ra khu vực đem lại một cảm nhận về quyền thống trị mang tính biểu tượng, giúp củng cố quyền lực của ông Putin ở trong nước nhưng mặt khác lại khiến các quốc gia láng giềng lo lắng.
Nga trong năm qua tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực. Hồi tháng ba, Moscow phát động cuộc tập trận 5 ngày với sự tham gia của 80.000 binh sĩ, 220 máy bay, 41 tàu chiến cùng 15 tàu ngầm ở Bắc Cực. Khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tiến hành tập trận tại khu vực này vào tháng 5, Tổng thống Putin liền gửi 12.000 binh sĩ cùng 250 máy bay trở lại đây để thao luyện. Đến tháng 9, tàu chiến thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga lại tập trận đổ bộ ở một số đảo thuộc Bắc Cực.
Nằm trên đảo Alexandra Land, cách đông bắc Scandinavia 1.600 km, căn cứ Arctic Trefoil mang một ý nghĩa biểu trưng lớn. Công trình này có cấu trúc chia làm ba cánh, được sơn màu trắng, xanh da trời và đỏ theo màu cờ Nga. Nó được miêu tả như một biểu tượng sống động về tầm vươn xa của nước này ở Bắc Cực, đồng thời nhắc nhở bất kỳ ai tình cờ đi ngang đây rằng họ đang ở vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát.
Nhiều người cho rằng thật phi lý khi đầu tư nhiều nguồn lực đến một khu vực ẩm ướt, băng giá và lộng gió quanh năm, nơi mà 150 binh sĩ Nga chủ yếu chỉ ngồi chơi xơi nước chứ không thể hoạt động gì nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia Conley nhận xét căn cứ Arctic Trefoil phản ánh tầm nhìn xa của giới lãnh đạo ở Điện Kremlin trong bối cảnh tương lai họ phải bảo vệ những giàn khoan dầu khí của các công ty nhà nước hay canh chừng các lực lượng hải quân phương Tây.
Theo trang tin Global Post, Na Uy hiện cảm thấy bất an trước hàng loạt động thái của Nga như cắm cờ dưới lòng biển Bắc Cực, triển khai máy bay ném bom chiến lược sát không phân Na Uy, hay việc Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đến thăm đảo Svalbard của Na Uy vào tháng 4/2015. Ông nằm trong danh sách bị cấm nhập cảnh vào châu Âu theo lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến vấn đề Crimea. Theo hiệp ước Svalbard, hòn đảo là lãnh thổ thuộc chủ quyền Na Uy nhưng Nga, một trong những bên ký hiệp ước, có quyền đưa công dân đến cư trú và hoạt động thương mại tại đó.
"Cách đây vài năm, phát ngôn của Nga về Bắc Cực thường là những thuật ngữ như phát triển hòa bình, giảm căng thẳng và giảm hoạt động quân sự nhưng hiện nay, các lãnh đạo Nga thường đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường hoạt động quân sự ở Bắc Cực", trung tướng Kjell Grandhagen, giám đốc Cục Tình báo Na Uy, bình luận.
"Họ muốn trở thành cường quốc có vị thế quan trọng trên phạm vi toàn cầu nhưng khả năng thì có hạn. Điều này khiến họ trở nên khó lường. Giới lãnh đạo Nga đang đứng trước áp lực lớn là phải thể hiện điều gì đó cho người dân Nga thấy", ông Grandhagen nhấn mạnh.
Lính Nga hôm 20/3 tập trận tại sân bay Severomorsk-3 ở thị trấn Severomorsk, vùng Murmansk, gần Bắc Cực. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga