(The gioi)
Đà hồi phục kinh tế vốn đã rất yếu ớt của Pháp có nguy cơ chững lại sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, đặc biệt đối với ngành du lịch và tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cảnh báo hôm 15.11.
Binh sĩ Pháp tuần tra trên đường phố Paris hôm 14.11, một ngày sau khi diễn ra một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu - Ảnh: Reuters
“Chúng tôi quan sát thấy một trạng thái kiệt quệ kể từ hôm 14.11”, AFP dẫn lời ông Philippe Waechter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của ngân hàng Natixis (Pháp).
“Điều này có nguy cơ tạo ra một thái độ chờ đợi và bất định. Mà bất định thì không bao giờ tốt cho kinh tế”, chuyên gia kinh tế này cho hay.
AFP cho biết có một điều trớ trêu là chỉ vài giờ trước khi vụ tấn công đẫm máu khiến ít nhất 128 người thiệt mạng, chính phủ Pháp đã hân hoan chào mừng tin tức tốt lành nhất trong nhiều tháng qua về kinh tế - đó là kinh tế Pháp cuối cùng đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng tốt trong quý 3.
Đề cập đến việc GDP tăng 0,3% trong quý 3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin khi đó cho biết nước này “đã thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng kinh tế cực kỳ yếu kém, vốn đã kéo dài quá lâu”. Ông cũng lạc quan dự đoán kinh tế Pháp sẽ bước sang “một giai đoạn mới”.
Du lịch có nguy cơ thiệt hại nặng nề
Giới chuyên gia cảnh báo rằng ngành du lịch giúp hái ra tiền của Pháp sẽ là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công khủng bố.
“Chúng tôi lo ngại về số du khách thường xuyên du lịch đến đây vào những dịp lễ hội cuối năm”, Evelyne Maes, Chủ tịch hiệp hội khách sạn và nhà hàng Pháp, cho hay.
Theo thống kê của AFP, Paris là điểm du lịch hàng đầu thế giới và ngành du lịch Pháp chiếm đến gần 8% GDP nước này. Đã có chừng 84 triệu du khách đến Pháp hồi năm ngoái.
“Vụ tấn công có lẽ sẽ tác động đến các khách sạn và nhà hàng”, bà Agnès Benassy-Queré, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Kinh tế Paris, cho biết.
Tác động khác với vụ khủng bố báo biếm Charlie Hebdo
AFP cho biết kinh tế Pháp thực ra có hồi phục sau vụ tấn công khủng bố tại tòa soạn nhật báo châm biếm Charlie Hebdo hồi tháng 1.
Tuy nhiên, sau khi chỉ trong vòng chưa đầy một năm xảy ra đến 2 vụ tấn công khủng bố lớn tại Pháp, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế sẽ không còn trước việc chính quyền không đủ sức ngăn các vụ khủng bố. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức tiêu dùng của các hộ gia đình.
“Bất ổn đang khiến người tiêu dùng chuyển sang để dành tiền, hạn chế chi tiêu”, chuyên gia Waechter thuộc ngân hành Natixis, cho hay.
Sức đầu tư của các tập đoàn cũng sẽ bị trì trệ vì lý do kể trên, nhưng ở mức độ ít nghiêm trọng hơn, theo các nhà phân tích kinh tế.
“Có nguy cơ các nhà đầu tư sẽ chuyển sang trạng thái chờ đợi. Nhưng nguy cơ này thấp thôi”, Denis Ferrand, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Viện COE-Rexecode nói.
Xét về dài hạn, xu hướng bất ổn có thể cũng sẽ khiến nước Pháp trở nên ít hấp dẫn hơn đối với những sinh viên giỏi mới ra trường.
“Nếu sống trong một xã hội tự đóng kín mình lại, nơi ai cũng sợ người khác, thì chắc chắn sẽ có một tác động nào đó. Điều này khó đong đếm được, nhưng chúng ta phải nghĩ về nó thôi”, Thierry Mayer, giáo viên tại Trường đại học Sciences-Po, nhận định.
(Theo Báo Thanh Nien)