Phố Wall đang lo ngại về một nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, tỉ phú thoạt nhìn là người mà giới tài chính rất thích vì giàu, nổi tiếng và sở hữu đế chế bất động sản tạo nơi kinh doanh cho nhiều ngân hàng.
Vì sao Trung Quốc bị G20 chỉ trích ngay tại Thượng Hải?
- Cập nhật : 01/03/2016
(Tin kinh te)
Thông cáo chung của hội nghị của nhóm 20 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã lên án việc các quốc gia đua nhau hạ thấp tỷ giá để giành giật lợi thế xuất khẩu.
Đây là tuyên bố được xem là chỉ đích danh Trung Quốc, dù nước chủ nhà của hội nghị đã không bị nêu tên trong suốt bản thông cáo.
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm các nền kinh tế G20 vừa kết thúc ở Thượng Hải, Trung Quốc là một sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần và cũng là nơi phát đi những dấu hiệu của nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế thế giới.
Thông cáo chung của hội nghị G20 đã lên án việc các quốc gia đua nhau hạ thấp tỷ giá để giành giật lợi thế xuất khẩu - một tuyên bố được xem là chỉ đích danh Trung Quốc dù nước chủ nhà của hội nghị đã không bị nêu tên trong suốt bản thông cáo.
Đây được xem là điều đi ngược lại với dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Có lẽ là vì các nhà lãnh đạo của G20 đã hiểu ra rằng, với nền kinh tế thế giới hiện tại, Trung Quốc không khác gì một hòn đá chắn đường, nhưng nó đồng thời giúp bánh xe không lăn xuống vực.
Thông cáo chung của hội nghị G20 tại Thượng Hải đối với các nhà kinh tế được xem là một sự kiện lạ lùng.
Một mặt, bản thông cáo lên án các quốc gia đã có những nỗ lực hạ thấp tỷ giá để giành giật lợi thế xuất khẩu, mặt khác nước chủ nhà đồng thời là quốc gia có những động thái hạ tỷ giá mạnh mẽ nhất là Trung Quốc, thì lại không bị nêu tên.
Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Chauble tuyên bố: "Kiểu thích thích tăng trưởng bằng nợ tài chính đã đi đến giới hạn.
Kiểu tăng trưởng này thậm chí còn gây ra những vấn đề mới như làm tăng nợ, xuất hiện tình trạng bong bóng cùng nguy cơ rất lớn có thể khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng dở sống dở chết".
Cùng với đó, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso phát biểu với hãng tin Kyodo rằng, việc tạo ra một thỏa thuận về chính sách tiền tệ và tài chính giữa các nước thành viên của G20 có thể khiến giới đầu tư phối hợp giải quyết tình trạng thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc và tăng trưởng kinh tế yếu.
Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thì chỉ đích danh Trung Quốc tuy với một thái độ khá ôn hòa: "Trung Quốc nên kiềm chế, không sử dụng các chính sách có thể gây bất ổn và giành lợi thế cạnh tranh cho mình theo kiểu không công bằng".
Các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc đưa ra một loạt lời hứa hẹn sẽ cải tổ nền kinh tế và thị trường tài chính mạnh tay đã giúp cho nước này tránh được một cơn bão chỉ trích từ phía các quốc gia trong G20, về việc chính phủ Trung Quốc hạ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu một cách tràn lan trong thời gian qua.
Lời nói có thể theo gió bay
Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi hội nghị G20 ở Thượng Hải vừa kết thúc, Trung Quốc đã lại ngay lập tức đi ngược lại với bản thông cáo chung về việc kiểm soát tiền tệ và tỷ giá ấy.
Trung Quốc tiếp tục chính sách nới lỏng bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống một khoản là 0,5%.
Động thái này có nhiều cách hiểu, khi nó vừa có ý nghĩa là tình trạng tỷ giá đã ổn định và Trung Quốc muốn đẩy mạnh đầu tư; nhưng về một khía cạnh khác nó cũng mang một ý nghĩa là một tín hiệu phá giá nhân dân tệ.
Động thái của Trung Quốc ngay lập tức đã làm dấy lên câu hỏi mà khá nhiều người đã đặt ra sau khi hội nghị G20 ở Thượng Hải vừa kết thúc. Đó là vì sao hội nghị không thể đưa ra một bản thỏa thuận kiềm chế các chính sách tài chính của các nước thành viên.
Rõ ràng Trung Quốc có thể hứa hẹn về việc sẽ xiết chặt lại khả năng kiểm soát tỷ giá, nhưng nếu không có một cơ chế ràng buộc thì đó cũng chỉ là lời nói gió bay.
Rõ ràng, việc tỷ giá nhân dân tệ sụt giảm mạnh hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho thị trường tài chính thế giới rơi vào hỗn loạn.
Và hội nghị G20 vừa qua là một cơ hội thuận lợi để thế giới buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi thay vì một mình một ngựa như vậy.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có lẽ các nhà lãnh đạo tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 nói riêng và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên khắp thế giới nói chung đều đang hiểu rằng: việc tỷ giá nhân dân tệ sụt giảm là điều mà nền kinh tế thế giới không thể tránh khỏi.
Như cuộc hỗn loạn trên TTCK Trung Quốc và tỷ giá nhân dân tệ của nước này suy giảm trong khoảng 2 tháng qua đã chứng minh một điều: ở thời điểm hiện tại mọi động thái của kinh tế Trung Quốc đều có thể mang lại những ảnh hưởng không hề nhỏ với kinh tế thế giới.
Một nền kinh tế Trung Quốc ổn định có thể đem lại ổn định cho kinh tế thế giới, và ngược lại.
Tác động của sự thay đổi tỷ giá nhân dân tệ đối với kinh tế Trung Quốc và thế giới cũng vậy.
Sau khi được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ, cộng với việc kinh tế Trung Quốc bắt đầu bước vào quá trình giảm tốc tăng trưởng, nhân dân tệ đã được dự báo từ năm 2015 là sẽ bắt đầu sụt giảm giá mạnh trong năm 2016 để trở về với giá trị thực.
Theo tính toán, nội tệ của Trung Quốc sẽ sụt giá khoảng 7-8% trong năm 2016, nếu kinh tế Trung Quốc lâm nguy thì mức sụt giảm tỷ giá có thể lên tới 30%.
Hệ lụy không thể tránh khỏi
Vì thế, việc tỷ giá nhân dân tệ sụt giảm được xem là điều tất yếu sẽ xảy ra với Trung Quốc trong năm 2016 và về lâu dài, nó có thể được xem là một tín hiệu tích cực với kinh tế nước này, miễn là Bắc Kinh có thể kiểm soát tốt.
Và điều này cũng đem lại sự ổn định cho kinh tế thế giới thông qua sự ổn định của kinh tế Trung Quốc.
Đúng là trong ngắn hạn, việc nhân dân tệ sụt giá có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khó khăn và hỗn loạn, do nó kích thích các quốc gia khác cũng hạ tỷ giá để giành giật lợi thế xuất khẩu vốn là một động thái gây bất ổn với kinh tế toàn cầu.
Nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Nếu các nhà lãnh đạo của G20 nói riêng và lãnh đạo của toàn thế giới nói chung buộc Trung Quốc can thiệp vào sự biến động tỷ giá của nhân dân tệ thì có thể đem lại tình trạng ổn định cho kinh tế thế giới trong ngắn hạn; nhưng về lâu dài thì lại có thể đem đến nhiều hệ lụy khó lường, thông qua chính sự bất ổn của kinh tế nước này.
Việc kiểm soát tỷ giá của Trung Quốc đang không khác gì một hòn đá đang chặn dưới chân chiếc bánh xe là nền kinh tế thế giới. Trong ngắn hạn, nó đang là chướng ngại đối với bánh xe, nhưng về lâu dài nó có thể giúp bánh xe tránh khỏi đà lăn xuống vực.
Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát tốt đà giảm tỷ giá của nhân dân tệ. Nếu chính phủ có các động thái lợi dụng điều này để thúc đẩy xuất khẩu thì Trung Quốc hoàn toàn có thể lại trở thành hòn đá khiến chiếc bánh xe trượt nhanh hơn trên con đường dẫn đến vực thẳm, vì nó sẽ khiến các nền kinh tế khác lao vào một cuộc chiến tỷ giá để giành giật lợi thế xuất khẩu mà khi đó sẽ trở nên khốc liệt hơn hiện nay rất nhiều lần.
Theo Nhàn Đàm
Motthegioi.vn