(Tieu dung)
Ngày vàng" mua sắm hàng hóa giảm giá trong năm của người Mỹ là thứ sáu ngay sau ngày lễ Tạ ơn. Tại sao ngày này lại được gọi là "thứ sáu đen tối" hay Black Friday?
Cụm từ "in the black" trong tiếng Anh được dùng để chỉ việc kinh doanh có lời - Ảnh: Reuters
Với người tiêu dùng Mỹ, “thứ sáu đen tối” hay Black Friday là dịp mua hàng giảm giá lớn nhất trong năm. Khách hàng đến với các cửa hàng, trung tâm thương mại để chọn cho mình vô số sản phẩm từ đồ điện tử, quần áo đến những món quà Giáng Sinh với mức giá giảm lớn.
Có nhiều câu chuyện để giải thích cho từ Black Friday. Theo US Economy, cái tên này lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1966 bởi Earl Apfelbaum, người chuyên bán tem hiếm. Ông cho biết “Black Friday” là từ mà cảnh sát Philadelphia dùng để chỉ ngày thứ sáu sau lễ Tạ ơn, khi có quá nhiều người và xe cộ đổ xô xuống phố, đi mua sắm đến nỗi làm kẹt xe, gây ra tai nạn giao thông và thậm chí ẩu đả.
Theo trang Business Insider, nhiều thương nhân từng phản đối việc sử dụng một thuật ngữ tiêu cực cho một trong những dịp mua sắm quan trọng nhất trong năm. Đến những năm 1980, một cách giải thích thay thế khác bắt đầu được lưu hành: các nhà bán lẻ truyền thống thường kinh doanh lỗ hầu như cả năm, từ tháng 1 đến tháng 11, và chỉ có lời trong mùa lễ hội bắt đầu từ sau ngày lễ Tạ ơn.
Khi điều này được ghi lại trong hồ sơ tài chính, các nhân viên kế toán thường dùng mục màu đỏ để thể hiện một con số âm và mực đen để thể hiện con số dương. Trong tiếng Anh, cụm từ "in the black" được dùng để chỉ tình trạng doanh nghiệp ăn nên làm ra và "in the red" thì ám chỉ tình trạng kinh doanh thất bát.
Theo cách giải thích này, Black Friday là sự khởi đầu của thời gian mà các nhà bán lẻ không còn chịu lỗ, hay “in the red” mà thay vào đó là có lời, “in the black”. Cách giải thích này lần đầu xuất hiện trong ấn bản Philadelphia Inquirer ngày 28.11.1981.
Một số ông chủ của các chuỗi trung tâm mua sắm Mỹ như Cherry Hill Mall, Strawbridge & Clothier, Moorestown Mall cho hay cái tên “thứ sáu đen tối” có thể bắt nguồn từ truyền thông, hoặc từ các nhân viên trung tâm mua sắm, những người phải làm việc rất vất vả trong ngày này.
Mùa mua sắm Giáng sinh có tầm quan trọng đối với các nhà bán lẻ Mỹ. Dù thực tế, đa số doanh nghiệp đều đang cố gắng hoặc đã thực sự tạo ra lợi nhuận trong cả 4 quý của năm, một số nhà bán lẻ vẫn phải phụ thuộc vào mùa mua sắm Giáng sinh để thu về nhiều lợi nhuận và bù đắp thiệt hại cho một năm kinh doanh lỗ.
(Theo Báo Thanh Nien)