Sau mấy tháng làm các nhà đầu tư ngoại “điên đầu”, giờ đây, kinh tế Trung Quốc làm chính những người dân nước này cũng phải lo lắng.
Đại biểu WEF lạc quan về kinh tế thế giới
- Cập nhật : 24/01/2016
(Kinh te)
Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa đã hết hy vọng, các lãnh đạo tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thụy Sĩ nhận định.
Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Mỹ nâng lãi suất, giá dầu thô lao dốc và các thị trường mới nổi biến động liên tục có thể đẩy cả thế giới vào một giai đoạn hỗn độn đầy đau đớn. Tuy vậy, các lãnh đạo tại WEF cho rằng nếu được kiểm soát tốt, những sự kiện đáng sợ này vẫn có thể đưa cả thế giới quay về tình trạng bình thường.
Kinh tế toàn cầu hiện tốt hơn nhiều so với thời điểm tiền khủng hoảng 2008. Rất nhiều nước mới nổi - động cơ hiện tại của tăng trưởng toàn cầu, đã giảm nợ nước ngoài. Vì thế, họ sẽ ít bị ảnh hưởng vì lãi suất Mỹ tăng hơn trước đây.
Hệ thống tài chính cũng mạnh hơn. "Chúng ta từng trải qua thời kỳ bảng cân đối kế toán phình ra quá lớn, vay nợ quá nhiều, tâm lý bầy đàn mạnh. Giờ chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức này", Tidjane Thiam - CEO Credit Suisse cho biết tại Davos (Thụy Sĩ).
Bên cạnh đó, dù khiến nhiều nước lao đao, giá dầu và các hàng hóa khác giảm lại đang hỗ trợ tăng trưởng cho Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu. Người tiêu dùng hào hứng vì giá thấp, khiến nhu cầu tăng lên. Điều này cũng có nghĩa tầng lớp trung lưu toàn cầu cũng nhiều lên. Mà đây chính là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng sẽ giúp nước này bền vững hơn. "Trung Quốc chậm lại có kiểm soát. Và đó là điều tích cực", Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà International Monetary Fund cho biết tại Davos.
Lo ngại về tình hình tại Trung Quốc đã khiến chứng khoán thế giới lao đao suốt từ đầu năm. Tuy nhiên, bà Lagarde cho rằng Trung Quốc chỉ cần minh bạch hơn một chút là có thể giải quyết được vấn đề này. Nhà đầu tư lo lắng chẳng qua là vì họ không biết Trung Quốc đang làm gì và không dám tin vào các số liệu chính thức.
Trung Quốc nên học tập Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Cơ quan này đã thông báo về việc tăng lãi suất từ cả năm trước. Vì vậy, khi nâng lãi suất thực sự vào cuối năm ngoái, các thị trường không ngạc nhiên và biến động nhiều.
Tuy động thái của FED trái ngược với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi ECB tuyên bố sẵn sàng tăng kích thích kinh tế, chúng đều là điều tốt cho kinh tế toàn cầu.
"Nếu cả FED, Ngân hàng Trung ương Anh, ECB và Nhật Bản đều ngừng nới lỏng cùng một thời điểm, đó mới là điều tồi tệ", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Haruhiko Kuroda nhận xét.
Tình hình địa chính trị là điều khiến các đại biểu tại Davos lo ngại nhất. Căng thẳng tại Trung Đông đang tăng. Mối lo khủng bố cũng một lần nữa dấy lên, sau các vụ tấn công tại Paris, Lebanon, Ai Cập và nhiều nước khác.
Thông điệp từ Davos năm nay là hãy cứ lạc quan, nhưng phải thận trọng. Rủi ro vẫn còn lớn và không có chỗ cho sai lầm. Châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt, khi phải giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất 70 năm và khả năng Anh rời EU.
Bên cạnh đó, lãi suất tại hầu hết nước phát triển rất thấp hoặc thậm chí âm, thế giới vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn giá rẻ và các chính trị gia cần tăng tốc cải tổ cấu trúc. Họ không còn nhiều thời gian để xử lý những nguy cơ này nữa.