Quan điểm có phần cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại toàn cầu dường như đang có kết quả tích cực, khi các đối tác thương mại của Mỹ có vẻ xìu hơn.
Trung Quốc đang ảo tưởng về cách giải quyết các vấn đề kinh tế?
- Cập nhật : 02/07/2017
Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài nếu cứ tiếp tục lẩn tránh việc thực hiện cải cách.
Hiệu quả kinh tế tốt hơn dự kiến của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, cùng với các cam kết lặp đi lặp lại của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, đã giúp giảm bớt mối lo ngại về tương lai của một số nhà kinh tế trong nước. Tuy nhiên, theo trang Nikkei, phần lớn vẫn chưa bị thuyết phục, đặc biệt là những người đã theo dõi chặt chẽ sự kiện “bong bóng kinh tế” của Nhật Bản bắt đầu vào cuối những năm 1980.
Phát biểu ngay sau cuộc họp báo tổ chức tại Hồng Kông hôm 26.6, Richard Jerram, nhà kinh tế trưởng của Bank of Singapore, nói rằng Đại lục đang “ảo tưởng” về cách giải quyết các vấn đề kinh tế. Thay vì đẩy mạnh cải cách để chuyển đổi nền kinh tế sang tăng trưởng dựa vào thực lực tiêu dùng, quốc gia đông dân nhất thế giới lại tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng bằng các chính sách được chính phủ hỗ trợ để liên tục mở rộng tín dụng với “bất cứ con số cần thiết nào nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6 - 7%”.
Mặc dù ông Jerram tin rằng việc mở rộng tín dụng của Trung Quốc đang ở mức có thể quản lý được, nhưng thực tế nước này ít có khả năng đối phó với tình trạng khủng hoảng tài chính và tăng trưởng do tín dụng là điều ngược lại về cách Bắc Kinh nên tiếp cận các vấn đề của mình.
“Những gì phải làm đã rất rõ ràng, Trung Quốc phải siết chặt tín dụng giá rẻ cho các công ty hoạt động không hiệu quả. Hơn nữa, chính quyền cũng cần thực hiện một loạt cuộc cải cách với quy mô rộng lớn nếu họ định khắc phục vấn đề nợ nần. Nhưng thế giới chưa thấy dấu hiệu nào cho một quy mô cải cách có thể sẽ diễn ra”, ông Jerram nói. Đồng thời lưu ý rằng, “đau đớn” là không thể tránh khỏi khi thực hiện cải cách, nhưng nếu cứ liên tục trì hoãn để tránh tổn thương thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài như Nhật Bản.
Ảo tưởng hiện tại của Đại lục giống như những gì các chuyên gia đã từng nhìn thấy ở Tokyo vào cuối những năm 1980 khi Nhật Bản trải qua hiện tượng bong bóng kinh tế. Vào thời điểm đó, hầu hết các khoản tín dụng đang tăng lên của Nhật Bản đều được giữ ở trong nước, giống như đang diễn ra ở Trung Quốc hiện tại. Cuối cùng bong bóng này đã bùng nổ vào những năm 1990 khiến kinh tế Nhật Bản bị đình trệ trầm trọng.
Ông Jerram từng kỳ vọng rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tập trung thúc đẩy cải cách kinh tế sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới, được tổ chức 5 năm một lần. Nhưng dường như tình hình kinh tế nước này đang bị ràng buộc bởi rất nhiều mối quan tâm khác nhau, và Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng để giải quyết vấn đề.
“Tôi không biết Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề được không. Thậm chí nếu cho ông Tập thời hạn 15 năm nữa hoặc hơn thế, tôi vẫn e ngại liệu ông ấy có thể sửa chữa vấn đề được hay không. Tôi cảm thấy rằng thách thức cải cách kinh tế khi đó thậm chí còn nặng nề hơn vì vai trò của chính phủ lớn hơn và thực lực kinh tế đất nước cũng ít mạnh mẽ hơn so với Nhật Bản vào những năm 1990”, ông Jarrem nói.
Phương ANh
Theo thanhnien.vn