Cách biệt giàu nghèo tăng nhanh ở nhiều nước Đông Á đang phát triển đang đe dọa tới nền tảng cho sự thành công về kinh tế của khu vực, Ngân hàng Thế giới nói.
Tại sao EU không tiếp tục cho Ukraine vay tiền?
- Cập nhật : 29/11/2017
Lý do EU không trao cho Ukraine số tiền phân bổ đợt 3 cho gói tài trợ vĩ mô được Liên minh châu Âu đưa ra là do Kiev đã không thể thực hiện được những yêu cầu quan trọng của khối này.
Liên minh châu Âu đã không trao cho Ukraine đợt tín dụng thứ ba của gói hỗ trợ tài chính vĩ mô. Tổng số tiền của lần này là 600 triệu Euro. Nguyên nhân là do nước này chưa hoàn thành một số điều kiện để có được khoản vay khác, cũng như không còn đủ thời gian để thực hiện.
RIA Novosti đã liệt kê ra những yêu cầu của Brussels mà Kiev đã bỏ qua.
Chính sách phân ngạch và điều kiện
Vào tháng 5/2015, Ukraine và EU đã ký một bản ghi nhớ về việc phân bổ viện trợ tài chính vĩ mô cho đất nước này lên đến 1,8 tỷ Euro. Khoản tiền này sẽ được chuyển thành ba đợt trị giá 600 triệu Euro cho mỗi đợt vay trong 15 năm.
EU đưa ra nhiều điều kiện đối với Kiev, cụ thể là: tăng cường chống tham nhũng, minh bạch trong công tác quản lý tài chính công, hiện đại hoá quản lý nhà nước, cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và hệ thống bảo trợ xã hội.
Cũng trong năm 2015, Kiev đã nhận được đợt vay đầu tiên, đợt thứ hai vào tháng 2/2017. Dự kiến Kiev sẽ nhận 600 triệu còn lại vào đầu năm 2018. Nhưng cho đến nay Kiev vẫn chưa được hoàn thành được năm yêu cầu quan trọng do EU đặt ra.
Tiền đổi lấy gỗ
Yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu chính của EU là dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển gỗ ra nước ngoài. Quyết định tạm đình chỉ được đưa ra gần như ngay lập tức sau khi ký kết bản ghi nhớ với Liên minh châu Âu. Mục đích của lệnh cấm là để bảo vệ lợi ích của các thợ làm đồ gỗ Ukraine.
Theo các nguồn tin khác nhau, có tới 100.000 người làm việc trong ngành này, và việc gia tăng khối lượng xuất khẩu gỗ có thể đe dọa làm giảm số lượng việc làm.
Ngược lại, Liên minh châu Âu coi lệnh cấm là hành động vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Ukraine trong khuôn khổ WTO và Hiệp định về Hiệp hội giữa EU và Ukraine. Ngoài ra, Brussels cũng muốn bảo vệ lợi ích của người châu Âu, chủ yếu là những người làm đồ gỗ người Đức.
Quyết định tạm ngừng làm cho đợt hỗ trợ thứ hai bị hoãn lại. Ban đầu theo kế hoạch là sẽ trao gói hỗ trợ vào cuối năm 2016, tuy nhiên sau đó số tiền này được chuyển giao trong tháng 2/2017, sau khi Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) đưa ra dự luật về việc bãi bỏ lệnh cấm. Kiev đã nhận được tiền, nhưng lệnh cấm vẫn không được hủy bỏ.
Tăng minh bạch, giảm tham nhũng
Các điều kiện khác của Ủy ban châu Âu mà Kiev chưa hoàn thành: Khởi động hệ thống xác minh tự động các tờ khai điện tử, Luật đăng ký tín dụng của Ngân hàng quốc gia, Tiếp nhận thông tin về những người hưởng lợi cuối cùng của tất cả các công ty, Thành lập Tòa án Chống Tham nhũng tối cao.
Quốc hội Ukraine đã nhận được hai dự thảo luật về thành lập một cơ quan tư pháp đặc biệt - và cả hai đều không được Ủy ban Venice chấp thuận. Theo các chuyên gia châu Âu, một tòa án chống tham nhũng nên là một cơ quan riêng biệt, chứ không phải là một bộ phận thuộc hệ thống hạ viện.
Ngoài ra, họ không thể chấp nhận việc quá trình bổ nhiệm thẩm phán bị chính trị hoá, và yêu cầu thủ tục lựa chọn thẩm phán phải có sự bảo vệ hiến pháp bổ sung. Tổng thống Petro Poroshenko đã hứa sẽ đưa vào luật, nhưng cho đến nay điều này đã không xảy ra, bởi Quốc hội không thể thống nhất.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết: "Ukraine đang có những tiến bộ đáng kể, nhưng chưa đến mức như chúng tôi muốn. Cần phải thực hiện những cải cách cần thiết để tăng cường quản lý nhà nước, kiên quyết và kiên định hơn nữa trong công cuộc chống tham nhũng".
Ngoài ra, cho đến nay Ukraine vẫn chưa thành lập được luật về đăng ký tín dụng đối với Ngân hàng quốc gia. Cơ quan Quốc gia về Phòng chống tham nhũng (NAPC) đã không thể chạy hệ thống xác minh tự động khai báo điện tử, và khả năng thu thập thông tin về các công ty hưởng lợi trên cổng thông tin điện tử nhà nước thống nhất về dữ liệu mở, cũng bị chỉ trích vì thông tin không đầy đủ.
Ukraine đã nhận được những hỗ trợ tài chính nào?
Kể từ năm 2014, Ukraine đã nhận được 12 tỷ Euro từ Liên minh châu Âu, bao gồm 3,4 tỷ Euro dưới hình thức hỗ trợ tài chính vĩ mô. Đây là viện trợ tài chính vĩ mô lớn nhất từng được EU cung cấp.
Vào thời điểm bế mạc hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông được tổ chức vào ngày 24/11 tại Brussels, Tổng thống Poroshenko đã thông báo một thỏa thuận mới với Ủy ban châu Âu. Theo ông, hai bên đã đạt được một thỏa thuận để cung cấp cho nước này một khoản viện trợ tài chính vĩ mô khác trong năm 2018-2019, số tiền vẫn chưa được tiết lộ. EC chưa chính thức ra tuyên bố xác nhận.
Trưởng Phái đoàn EU tại Ukraine, ông Yug Mingarelli nói: "Hơn ba năm qua chúng tôi đã huy động hơn 12 tỷ Euro, trong đó 3,4 tỷ Euro là hỗ trợ tài chính vĩ mô, đó cũng là sự hỗ trợ tài chính vĩ mô lớn nhất mà chúng tôi đã phân bổ. Những nỗ lực mà các nước thành viên của Liên minh châu Âu đang làm để giúp Ukraine là chưa từng có".
Chủ nợ lớn nhất của Kiev là IMF. Trong những năm hợp tác với Quỹ này, Ukraine đã nhận được 35 tỷ USD vốn vay và trả được 18 tỷ USD. Kể từ tháng 3/2015, quốc gia này nhận được kinh phí từ một chương trình hỗ trợ bốn năm với trị giá 17,5 tỷ USD.
Năm 2017, các khoản thanh toán bị dừng lại, một khoản nợ khác là 1,8 tỷ USD đã bị Ukraine bỏ qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra rằng Kiev không đáp ứng được các điều kiện nhận trợ cấp, cụ thể là tiền cấp dưỡng, cải cách ruộng đất và những thay đổi trong hệ thống thuế quan đối với người dân của nước cộng hòa này.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet.vn