Abenomics xem ra cần đột phá hơn nữa nếu muốn cải thiện nền kinh tế Nhật Bản, sau khi lạm phát lại trở về mức 0% lần thứ ba trong năm nay.
Nhật Bản bùng nổ dịch vụ... "dùng thử quan tài"
- Cập nhật : 21/12/2015
(The gioi)
Nguy cơ động đất thường trực, cùng với dân số già hóa nhanh chóng khiến câu chuyện về cái chết phổ biến ở Nhật. Một loạt các công ty như Aeon hay Yahoo Japan gia nhập vào ngành công nghiệp chuyên lo chuyện hậu sự cho mọi người, được biết đến với tên gọi “shukatsu”.
Akira Okomoto ngồi dậy, trèo ra khỏi một chiếc quan tài và nói: “Thật là thư thái”. Sau đó đến lượt cô con gái 27 tuổi của ông, Miwa, lo lắng bước vào và nằm trong chiếc quan tài trong vòng 5 phút.
Nghe thật kỳ lạ, nhưng đó là cảnh tượng diễn ra trong một quán café ở miền đông Tokyo - nơi rất nhiều người tụ tập để nghe bài phát biểu của một chuyên gia hậu sự và thử dịch vụ “Trải nghiệm quan tài” của quán. Ông chủ Masumi Murata cho rằng trải nghiệm này sẽ giúp mọi người “trân trọng mỗi ngày và nhận ra điều gì thực sự quan trọng” bằng việc suy nghĩ đến cái chết của chính mình.
Trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản đã giết chết hơn 15.000 người. Mặt đất bên dưới 36 triệu dân Tokyo thỉnh thoảng ầm ào bởi các trận động đất nhỏ. Nhật Bản là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Ở đây ngày càng có nhiều người, cả già lẫn trẻ, sống một mình.
Tất cả những điều này khiến câu chuyện về cái chết trở nên phổ biến ở Nhật Bản, thúc đẩy một loạt các công ty như Aeon hay Yahoo Japan gia nhập vào ngành công nghiệp chuyên lo chuyện hậu sự cho mọi người, được biết đến với tên gọi “shukatsu”.
Sống một mình
“Theo truyền thống, con người khi chết đi sẽ được các thành viên trong gia đình lo hậu sự,” ông Akio Doteuchi, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu NLI cho biết. “Bây giờ, không chỉ người già mà cả người trung niên thậm chí giới trẻ cũng lo lắng về việc sống một mình và bị xã hội cô lập. Trận động đất và sóng thần năm 2011 giúp người ta một lần nữa nhận ra điều này.”
Theo Mayumi Tominaga, một nữ phát ngôn viên tại cuộc triển lãm công nghiệp kéo dài 3 ngày vào đầu tháng 12, sự kiện này đã thu hút tổng cộng 220 công ty tham dự và 22.000 khách tham quan. Các sản phẩm được trưng bày bao gồm đá mộ, xe tang và bóng bay để mang tro bụi của họ lên trời, trong khi các chuyên gia làm quan tài tổ chức một cuộc thi thể hiện kỹ năng thay quần áo cho người chết.
Sự mở rộng qui mô
“Phạm vi dịch vụ shukatsu được kỳ vọng còn mở rộng hơn nữa khi người người tìm kiếm nhiều cách khác nhau cho sự ra đi của mình,” Takuji Mitsuda, giám đốc tư vấn tại công ty Funai Soken Inc., nhận định. Ông đánh giá ngành công nghiệp này có giá trị lên tới 2 nghìn tỷ yên (khoảng 16,5 tỷ USD).
Năm trước, Yahoo Nhật Bản khởi động Yahoo Ending. Đây là ứng dụng miễn phí cho phép người dùng thực hiện một số điều sau khi chết như xử lý dữ liệu trực tuyến, tài liệu và hình ảnh theo như ước nguyện của họ hay gửi những email cuối cùng đến người thân và bạn bè của họ sau khi chết. Yahoo tiết lộ có hàng nghìn người (hầu hết ở độ tuổi 20 – 40) trả 180 yên mỗi tháng để giữ những email cuối cùng của họ. Hãng hi vọng con số sẽ tăng lên hàng chục nghìn, theo Shinsuke Takahashi, người phụ trách dự án này.
Lời trăn trối
Từ cuối năm 2010 đến nay, công ty văn phòng phẩm Kokuyo đã bán được hơn nửa triệu cuốn sổ tay “trăn trối”có giá 1.550 yên. Không chỉ người già, mà cả những người trong độ tuổi 20 và 30 cũng đang sử dụng các cuốn sổ này để ghi chép tài khoản ngân hàng, những ước nguyện cuối và những thông tin cần thiết trong đám tang của họ, đặt ở một nơi mà người khác có thể dễ dàng tìm thấy.
Theo Fumitaka Hirohara, giám đốc điều hành của công ty con phụ trách kế hoạch tang lễ Aeon Life Co của Aeon, động đất và sóng thần ở Nhật có ảnh hưởng sâu rộng đến ước nguyện lên kế hoạch cho cái chết của mọi người.
“Sổ trăn trối” cũng dần trở nên phổ biến với những người già. Tại khu chung cư Tokiwadaira Danchi ở tỉnh Chiba miền đông Tokyo, 44% người dân của hơn 5.300 hộ đã bước qua tuổi 65. Ban quản lý khu chung cư yêu cầu người dân cung cấp các thông tin về bản thân họ cũng như các vấn đề về sức khỏe và thậm chí là ước nguyện của họ về đám tang để đề phòng trường hợp không ai liên lạc được.
“Điều tôi quan tâm nhất là làm sao tôi tránh được việc trở thành rắc rối cho người khác,” Tatso Miyauchi, người đàn ông 87 tuổi đã sống một mình kể từ khi vợ ông qua đời 18 năm trước cho hay. Vợ chồng ông không có mụn con nào, nên Miyauchi, người đàn ông vẫn đang có thể nói năng lưu loát và hàng ngày vẫn tự đi chợ, đang tự sắp xếp cho sự ra đi của mình. Gần đây ông đi đến một hiệu ảnh chuyên nghiệp để chụp một bức chân dung dùng cho đám tang với một bộ đồ đen xám, ông đặt bức tranh trong túi cùng cuốn sổ.
Aeon, nơi tổ chức khoảng 100 hội thảo tử vong mỗi năm, cũng giới thiệu dịch vụ thử quan tài đến các khách hàng tiềm năng ở trung tâm thương mại và tìm cách bán các gói tang lễ (gói bán chạy nhất có giá khoảng 500.000 yên), cho những người cao tuổi. CEO Hirohakacho biết người ta cảm thấy thanh thản khi họ hoàn thành việc chuẩn bị cho cái chết và có thể yên tâm hưởng thụ quãng thời gian còn lại.
“Khi chúng tôi khởi động các sự kiện shukatsu ở trung tâm mua sắm 5 năm trước, chỉ có vài người tới. Người ta sẽ bỏ đi khi nghe tới các từ như chết chóc hay tang tóc. Tuy nhiên bây giờ thái độ với cái chết đang dần tích cực hơn rồi”, ông nói.
80.000 người đã đăng ký dịch vụ lên kế hoạch cho cái chết của mình ở Aeon, tăng 10.000 so với năm ngoái. Cổ phiếu của Aeon cũng tăng 35% trong 2 năm trở lại đây, so với mức 26% của Topix và Nikkei.
Mới đây Emi Takamura, 59 tuổi, đã cùng chồng tham dự một buổi hội thảo dùng thử quan tài của Aeon, bởi theo bà, họ cũng “gần đất xa trời” rồi.
Nằm trong quan tài khiến bà tưởng tượng giống như đã chết, bà nói: “Tôi đã chứng kiến cái chết đột ngột của bạn bè và họ hàng. Tôi hiểu rằng shukatsu là để chuẩn bị cho sự ra đi, nhưng hôm nay tôi học được rằng điều này còn giúp bạn yên tâm vui sống quãng đời còn lại”.