Chuyên gia từng dự báo khởi đầu và đỉnh điểm của bong bóng chứng khoán Trung Quốc vừa cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ chịu các yếu tố đã gây ra nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Giới trẻ Mỹ không màng làm sếp
- Cập nhật : 23/12/2015
(The gioi)
Không ít doanh nghiệp công nghệ đã thay đổi định nghĩa về thành công tại nơi làm việc nhằm thích ứng với thực tế là nhiều nhân viên không muốn trở thành nhà quản lý
Tăng trưởng về việc làm và lương bổng đang tăng báo hiệu một thời điểm kinh doanh tốt lành của các doanh nghiệp ở Mỹ, trừ một chuyện: không có nhiều người muốn điều hành chúng.
Cân bằng cuộc sống - công việc
Theo một khảo sát gần đây của trang web nhân sự Addison Group, chỉ 1/3 người lao động Mỹ tin rằng việc trở thành nhà quản lý sẽ giúp sự nghiệp của họ thăng tiến. Khảo sát trên, tổng hợp từ 1.496 câu trả lời của những nhân viên sinh trong giai đoạn 1946-1995, cho thấy chỉ có 25% người được hỏi muốn trở thành nhà quản lý hiệu quả hơn. Trong khi đó, 17% trường hợp không màng đến việc quản lý người khác.
Trước đó, một khảo sát được tiến hành bởi trang web tuyển dụng CareerBuilder hồi tháng 9-2014 cũng cho kết quả tương tự: chỉ 34% trong số 3.625 nhân viên được hỏi muốn làm lãnh đạo doanh nghiệp. Lý giải việc không muốn làm sếp, khoảng 52% người cho biết họ hài lòng với công việc hiện tại, 34% không muốn hy sinh sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Ngoài ra, 20% người thừa nhận bản thân không đủ bằng cấp hoặc kỹ năng cần thiết (người trả lời được phép chọn nhiều hơn một lý do).
Ông Steve Wolfe, Phó Giám đốc điều hành Addison Group, tỏ ra lo ngại: “Hiện tượng này có thể sẽ trở thành một vấn đề gây nhiều rắc rối nếu bị phớt lờ. Thế hệ “thiên niên kỷ” (những người sinh trong giai đoạn 1980-1994) hiện có xu hướng thích trở thành các chuyên gia về kiến thức hơn là phải chịu trách nhiệm quản lý người khác”.
Ông dự đoán nếu những nhân viên trẻ tuổi được đề bạt lên vị trí quản lý không ưa thích, doanh nghiệp sẽ mất đi nhiều nhân tài. “Thường thì các công ty muốn đưa nhân viên kinh doanh giỏi nhất lên làm trưởng phòng kinh doanh và tương tự cho các vị trí khác. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi nhận thấy sự đề bạt này giúp doanh thu tăng nhưng lại làm giảm sự hài lòng về công việc” - ông Wolfe giải thích.
Hai con đường song song
Mặt khác, theo Addison Group, thế hệ “thiên niên kỷ” vẫn đang xem trọng bước tiến trong sự nghiệp hơn những thế hệ khác, ngay cả khi họ không muốn ngồi vào vị trí quản lý của doanh nghiệp. Theo khảo sát, gần 25% người thuộc thế hệ “thiên niên kỷ” muốn được thăng tiến, so với tỉ lệ 19% của những người thuộc thế hệ X (sinh trong giai đoạn 1961-1981) và 9% của thế hệ người sinh trong khoảng 1946 đến 1964.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khiến nhân viên thuộc thế hệ “thiên niên kỷ” hạnh phúc nếu họ muốn thành đạt nhưng lại không muốn làm sếp? Nhiều công ty công nghệ đã thay đổi định nghĩa về thành công tại nơi làm việc nhằm thích ứng với thực tế mới này.
Ông Scott Derue, Hiệu phó Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, cho biết tại một số doanh nghiệp như Alphabet (công ty mẹ của Google) và Oracle, con đường sự nghiệp cá nhân tồn tại song song với con đường quản lý và điểm mấu chốt là nhân viên của họ có thể thành công ở bất kỳ con đường nào.
Một lý do khác khiến giới trẻ Mỹ hiện nay không muốn làm sếp là ấn tượng xấu đối với những gì xảy ra với cha mẹ mình. “Thế hệ thiên niên kỷ thấy cha mẹ họ cống hiến hết mình vào những vị trí quản lý để rồi bị hất cẳng khi khủng hoảng tài chính ập đến. Họ quan niệm rằng công việc quản lý sẽ đẩy họ rời xa những công việc thật sự quan trọng đối với mình” - ông Stew Friedman, người phụ trách một dự án nghiên cứu về cuộc sống và công việc tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), giải thích với báo The Sydney Morning Herald.
Chuyên gia này phỏng đoán thế hệ nói trên muốn làm những công việc có nhiều tác động hơn, bên cạnh dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân.