Kế hoạch IPO chuỗi khách sạn Lotte đang gặp khó khăn do xung đột giữa 2 người con trai của nhà sáng lập.
Báo cáo Beige Book: Kinh tế Trung Quốc "suy yếu trên mọi mặt trận"
- Cập nhật : 19/12/2015
(Kinh te)
Báo cáo China Beige Book cho biết tất cả các chỉ số như doanh số bán lẻ, sản lượng, chỉ số giá (sản xuất và tiêu dùng), tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ thất nghiệp… của Trung Quốc đều ảm đạm.
Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi CBB International (một nhóm nghiên cứu đến từ New York), kinh tế Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại kể từ đầu tháng 10 đến nay. Kết quả này trái ngược với những số liệu thống kê chính thức mà Trung Quốc đã công bố trong thời gian qua.
Báo cáo China Beige Book cho biết tất cả các chỉ số như doanh số bán lẻ, sản lượng, chỉ số giá (sản xuất và tiêu dùng), tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ thất nghiệp… của Trung Quốc đều ảm đạm. Đây là khảo sát được tiến hành trên mô hình tương tự như báo cáo Beige Book được Cục dự trữ liên bang Mỹ thực hiện đối với nền kinh tế Mỹ và được công bố lần đầu tiên vào năm 2012. Hơn 1.200 doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đã tham gia khảo sát, đồng thời CBB cũng phỏng vấn hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp.
Các số liệu về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không sẵn có như ở các nước phát triển, do đó các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Trung Quốc khó có thể có được cái nhìn rõ ràng về thể trạng kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi mà nước này đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ phụ thuộc vào sản xuất và đầu tư sang hướng về dịch vụ và tiêu dùng.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi ngành bán lẻ và bất động sản diễn biến khá tốt, hai ngành dịch vụ và sản xuất diễn biến tồi tệ với doanh thu, tỷ lệ việc làm, lợi nhuận và chi phí vốn đều sụt giảm.
“Trái ngược với sự khả quan mà các số liệu Trung Quốc công bố thể hiện, quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang dịch vụ của nước này đang bị chững lại. Chỉ có một điều chính xác là ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn”, báo cáo viết.
Về mặt địa lý, 3 khu vực được coi là hùng mạnh nhất lại có diễn biến tồi tệ nhất trong quý IV, trong đó sự “u ám” của Thượng Hải lớn hơn so với Quảng Đông và Bắc Kinh. Tất cả các khu vực đều có nền kinh tế yếu hơn quý trước, trừ khu vực phía Tây.
Điều đáng lo ngại hơn cả sự yếu ớt trong bức tranh kinh tế chung là xu hướng suy yếu của hai nhân tố luôn được coi là động lực đằng sau sức khỏe của nền kinh tế: thị trường lao động và lạm phát. Với giá đầu vào và giá bán ra rơi xuống mức thấp kỷ lục trong khi các thước đo sức khỏe của doanh nghiệp cũng diễn biến tiêu cực, dường như các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải gánh chịu những tác động xấu từ giảm phát.
CBB International dự báo nếu thị trường lao động Trung Quốc tiếp tục yếu đi, áp lực buộc Bắc Kinh phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích sẽ ngày càng lớn.