Những khoản nợ USD tăng lên sẽ rất lớn đối với nhiều công ty tại các nước mới nổi.
Nguy cơ tiềm ẩn của suy thoái đối với kinh tế Mỹ
- Cập nhật : 14/03/2016
(Kinh te)
Tăng trưởng kinh tế Mỹ thời gian gần đây khiến nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã qua và thời gian tới là lúc để nền kinh tế toàn cầu vực dậy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ảnh hưởng từ cuộc suy thoái năm 2008 vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Những phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán, sự xì hơi của bóng bóng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trước đây không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ mà còn tác động mạnh đến tâm lý của cả một thế hệ người tiêu dùng.
Giám đốc đầu tư chiến lược Liz Ann Sonders của Charles Schwab nhận định những biến động trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất đã “hù dọa” người tiêu dùng Mỹ, khiến họ có cái nhìn bi quan về nền kinh tế và điều đặc biệt nguy hiểm là tình trạng này vẫn sẽ còn tiếp diễn.
“Cách mà người Mỹ nhận định về nền kinh tế cho thấy những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Cuộc suy thoái trước đó thực sự đã làm thay đổi nhận thức của cả 1 thế hệ”, ông Sonder nói.
Minh chứng cho tâm lý tiêu cực của người dân Mỹ được thể hiện rất rõ ràng. Hiện nhiều người tiêu dùng đang giảm chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn.
Số liệu của hãng Master Card và Visa Card cho thấy người tiêu dùng Mỹ hiện nay bình quân sử dụng mỗi 1/3 thu nhập của mình cho chi tiêu, tiết kiệm và trả nợ. Con số này khác rất nhiều so với trước đây khi người dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn, qua đó thúc đẩy thị trường tiêu dùng và nền kinh tế.
Tồi tệ hơn, sự bi quan của người tiêu dùng không hề được xoa dịu khi giá dầu giảm mạnh. Theo lý thuyết, giá nhiên liệu giảm sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, nhưng điều này trên thực tế lại không xảy ra.
Hơn nữa, những suy nghĩ tiêu cực về nền kinh tế cũng khiến người dân Mỹ hạn chế vay nợ. Trước đây sự gia tăng tín dụng đã kích thích tiêu dùng cũng như nền kinh tế, nhưng điều này không còn xảy ra nữa kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.
Bất chấp những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục, người dân nước này vẫn chưa thực sự quay trở lại với thị trường tín dụng cũng như mua sắm trả góp.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng lên trong khi tỷ lệ nợ trên thu nhập tại Mỹ lại đi xuống cho thấy người dân nước này giờ đây không còn thói quen vay nợ để chi tiêu như trước và điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thậm chí, thị trường chứng khoán Mỹ vốn được coi là vô cùng sôi động cũng không còn thu hút được người dân như trước đây. Số liệu của ông Sonders cho thấy nếu tính thanh khoản ròng trên thị trường chứng khoán, các quỹ hưu trí và nhà đầu tư cá nhân không hề gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.
Đặc biệt, chuyên gia Sonders nhận định tâm lý bi quan của người dân Mỹ sẽ vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian dài và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đau đầu để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.