tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giấc mơ bay của Trung Quốc tan vỡ

  • Cập nhật : 24/03/2016

(Tin kinh te)

Nước này muốn cạnh tranh với các đại gia máy bay như Boeing hay Bombardier, nhưng những sự cố liên tiếp của chiếc MA60 đang khiến giấc mộng này trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tấn công các thị trường, từ thép đến smartphone. Các công ty nước này thường bán sản phẩm giá rẻ tại các nước nghèo, sau đó mới dịch chuyển dần lên phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, tham vọng trong ngành hàng không của nước này lại đang gặp trục trặc. Điều này cho thấy sự hạn chế của phương pháp tiếp cận theo hướng có bảo trợ của Chính phủ, trong ngành công nghiệp vốn có rào cản công nghệ và pháp lý rất cao.

Tháng 6/2013, chuyến bay số hiệu 309 của Myanmar Airways trật khỏi đường ray ở Kawthaung (Myanmar) và đâm vào tường. Điều tra sau đó kết luận phanh và tay lái gặp sự cố do tụt áp suất thủy lực. Myanmar sau đó đã cấm dòng máy bay này - Modern Ark 60 (MA60) của Trung Quốc, lưu thông trong không phận của mình.Cùng ngày, một chiếc MA60 khác đâm sầm xuống Kupang (Indonesia), làm bị thương 5 người. Bolivia, Philippines và các nước khác cũng gặp phải tai nạn tương tự. Myanmar và vương quốc châu Đại Dương - Tonga đã phải chuyển sang sử dụng ATR-72, một dòng máy bay tương tự của châu Âu, thay cho MA60.

mot chiec ma60 bi bo hoang sau su co o myanmar. anh: wsj

Một chiếc MA60 bị bỏ hoang sau sự cố ở Myanmar. Ảnh: WSJ

Điều tra của Wall Street Journal cho thấy MA60 - máy bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, gặp trục trặc về thiết bị hạ cánh, phanh và tay lái. Bên cạnh đó, trong 57 chiếc MA60 đã xuất khẩu, tính đến tháng 1 năm nay, ít nhất 26 đã bị "xếp xó" do không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, gặp vấn đề khi bảo dưỡng hay các trục trặc khác. Trái lại, chỉ 3% trong số 835 chiếc ATR-72 đang hoạt động trên thế giới là bị hỏng hóc không thể sửa chữa trong suốt 26 năm hoạt động.

Dòng MA60 có lịch sử từ năm 1966, khi Xi’an Aircraft Industry bắt đầu sản xuất chiếc Y-7, biến thể của một dòng phản lực cánh quạt Liên Xô. Những nỗ lực vươn ra thị trường hàng không quốc tế của Trung Quốc từ đó gặp nhiều biến động. Năm 1970, Trung Quốc phát triển loại máy bay có sức chứa lên tới 178 hành khách, nhưng sau đó dừng lại do xét thấy kém hiệu quả kinh tế.

Thập niên 80, một loại máy bay phản lực của Trung Quốc được Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép và xuất đi nhiều nơi trên thế giới. Năm 1988, Xi’an cho ra đời một máy bay biến thể của Y-7 nhưng không được FAA chứng nhận sau khi một số lỗi thiết kế bị phát hiện. Chiếc này sau đó được nâng cấp thành MA60 và bán cho các hãng hàng không trong nước vào năm 2000.

Năm 2002, một chiếc MA60 của Wuhan Airlines gặp tai nạn khi hạ cánh, Xinhua cho biết. Từ đó, các đơn hàng trong nước của MA60 đồng loạt bị hủy bỏ. Cho đến tận năm 2008, MA60 mới xuất hiện trở lại ở Trung Quốc trong đội bay của Okay Airways.

Trung Quốc cũng quyết định chuyển hướng sang xuất khẩu MA60, bắt đầu với thị trường Zimbabwe năm 2005. Tuy vậy, năm 2009, MA60 tại Philippines 2 lần gây ra sự cố vượt đường băng. Năm 2011, MA60 tại Bolivia 2 lần gây tai nạn khi hạ cánh. Kể từ khi nhập khẩu MA60 năm 2010, Myanmar cũng 3 lần gặp phải sự cố tương tự.

Từ trước đó, Trung Quốc đã bắt đầu phát hiện ra vấn đề với hệ thống thủy lực của MA60. Tháng 2/2008, CAAC đưa ra 2 "chỉ dẫn an toàn", bao gồm những hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo an toàn, liên quan tới sự cố áp suất thấp của hệ thống thủy lực, phanh và thiết bị hạ cánh.

Theo các thỏa thuận song phương, CAAC phải gửi toàn bộ chỉ dẫn an toàn bằng tiếng Anh cho đối tác. Tuy nhiên, Mya Thant - người phụ trách các vấn đề an toàn bay của Myanmar năm 2013 cho biết văn phòng của ông mới chỉ nhận được 4 chỉ dẫn từ CAAC, trong khi họ đáng lẽ phải nhận được 20 chỉ dẫn.

Quan chức Indonesia cho biết họ mới nhận được 3 chỉ dẫn. Merpati Nusantara Airlines của Indonesia từ năm 2007 đã mua tổng cộng 14 chiếc MA60. Sau đó, họ chính thức ngừng sử dụng chúng vào năm 2013, sau khi những máy bay này gây ra 6 tai nạn cho hãng.

Năm 2013, New Zealand đưa ra cảnh báo về việc di chuyển bằng MA60 tới Tonga, địa điểm du lịch quen thuộc của dân New Zealand, và tuyên bố không chịu trách nhiệm với bất cứ rủi ro nào nếu người dân tiếp tục sử dụng MA60. Năm 2015, Tonga cấm bay toàn bộ MA60.Tính tới nay, Xi’an đã sản xuất 101 chiếc MA60 và đang thực hiện phiên bản hoàn chỉnh hơn - MA600. Hãng vẫn tiếp tục bán ra MA60, dù không có báo cáo về bất cứ đơn hàng mới nào từ tháng 8/2014.

c919 - mot may bay khac do trung quoc san xuat. anh: wsj

C919 - một máy bay khác do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: WSJ

CAAC công khai những báo cáo về các vụ việc liên quan tới an toàn bay nội địa từ năm 2008 đến 2010 trên website của mình. Tuy nhiên các dữ liệu này đã hoàn toàn biến mất vào năm 2014, theo Aviation Herald. Khi được hỏi, CAAC trả lời rằng những thông tin này chỉ nên được lưu hành trong ngành, thay vì công khai cho người dân.

WSJ cho biết Xi’an Aircraft Industry - hãng sản xuất MA60 từ chối bình luận về các sự cố của máy bay. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cũng chưa hề cung cấp thông tin về độ an toàn của MA60 cho các nước nhập khẩu. Trong văn bản trả lời WSJ, CAAC cho rằng MA60 không có bất kỳ lỗi kỹ thuật nào, cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn trên.

Ngoài MA60, Trung Quốc còn hai loại máy bay khác sản xuất trong nước. Đó là C919 - hai năm nữa mới xuất xưởng và ARJ21 - chuẩn bị tung ra năm nay. Tuy nhiên, cả hai chiếc này vẫn chưa được cấp chứng nhận của châu Âu và Mỹ, nên không thể xâm nhập thị trường các nước phát triển.

FAA cho biết họ không hề có ý định chứng nhận cho ARJ21, trừ khi nó được nâng cấp lên đạt tiêu chuẩn phương Tây. MA60 cũng chưa được FAA phê duyệt. Xi’an đã quảng cáo MA60 là một chiếc máy bay giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu với "hệ thống hạ cánh được thiết kế chuẩn xác".


Hà Tường (theo WSJ, VNexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục