Việc giá dầu thô thế giới tăng và ổn định ở mức 50-60 USD/thùng sẽ đưa nền kinh tế Nga thoát khỏi thời kỳ đen tối, bất chấp lệnh cấm vận.
Làn sóng hội nhập kinh tế khu vực ở châu Á
- Cập nhật : 21/03/2016
(Tin kinh te)
Kể từ cuối những năm 2000, một kỷ nguyên mới cho hợp tác khu vực đã mở ra ở châu Á. Việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, sự ra đời của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tầm cỡ và sự hiện diện nổi bật của Ấn Độ ở Đông Nam Á đã thúc đẩy sự làn sóng này cũng như có ý nghĩa thay đổi tương lai của khu vực.
Hội nhập để phát triển
Trung Quốc bắt đầu thể hiện tầm nhìn khu vực một cách cụ thể của riêng họ tại châu Á khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) vào tháng 10/2013. Khi thỏa thuận về AIIB được ký kết vào cuối năm 2015, gần như tất cả các nước châu Á và một số nước phương Tây tham gia đã trở thành thành viên sáng lập. Giống như AIIB, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” cũng phản ánh tầm nhìn của Trung Quốc về hợp tác trong khu vực châu Á.
Trong những năm gần đây, nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Các FTA khổng lồ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã trở nên ngày càng quan trọng.
TPP, được gọi là “Hiệp định thương mại của thế kỷ 21”, không chỉ hoàn thành tự do hóa thương mại toàn diện, mà còn đặt ra các quy tắc mới về kinh tế cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm và cạnh tranh.
RCEP là một nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. So với TPP, RCEP nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác phát triển kinh tế trong khu vực.
Theo nhận định của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước Anh Hugo Swire, hợp tác không chỉ là xóa bỏ rào cản giữa các nước trong nhóm mà còn mở rộng sức mạnh của mỗi quốc gia và tầm ảnh hưởng ra bên ngoài. Nhìn dưới góc độ thương mại, có thể thấy điều đó trong thành công về kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và việc ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Gần 2/3 tăng trưởng của ASEAN trong 25 năm qua là nhờ hiệu quả sản xuất. Ngày nay, ASEAN là khu vực xuất khẩu lớn thứ tư thế giới, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Tầm nhìn ASEAN 2025 có kế hoạch dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, hài hòa hóa quy định và tự do hóa dịch vụ. Những thay đổi này sẽ rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tại Đông Nam Á và củng cố liên kết với phần còn lại của thế giới.
Cấu trúc khu vực đang thay đổi
Nguy cơ, thách thức và bất ổn luôn song hành tồn tại cùng các khả năng, tiềm năng và cơ hội. Mặc dù không thể phủ nhận nhịp độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang “nguội dần” và có thể gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực và xa hơn, nhưng điều này không làm thay đổi thực tế rằng châu Á hiện tại và tương lai vẫn sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Hai trong số ba nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện ở châu Á (Trung Quốc và Nhật Bản). Châu lục này cũng chiếm 1/3 thương mại và GDP toàn cầu. Việc cả hai hội nghị thượng đỉnh của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm 20 nước phát triển và nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều sẽ diễn ra tại châu Á trong năm nay là một minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng ngày càng tăng của châu lục này.
Bằng sáng kiến đầy tham vọng “Một vành đai, Một con đường” kết hợp với AIIB, Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Nam Á. Trong khi đó, Mỹ đã và vẫn đang theo đuổi chiến lược "Tái cân bằng châu Á", một mặt tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ; mặt khác thông qua các khuôn khổ đa phương như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hiệp định TPP để duy trì vị thế của Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, đồng thời phát triển quan hệ toàn diện với ASEAN.
Hiệp định RCEP - đang được đàm phán giữa ASEAN và sáu đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand - là một thỏa thuận do ASEAN dẫn dắt và nếu đàm phán thành công, RCEP sẽ làm nổi bật vai trò trung tâm của ASEAN.
Một số chuyên gia phân tích đánh giá hiệp định TPP và RCEP là sự đối đầu và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á. Tuy nhiên, những nỗ lực hội nhập kinh tế của các FTA khổng lồ phức tạp đến nỗi cả Mỹ hay Trung Quốc không thể sử dụng chúng như các công cụ ngoại giao một cách dễ dàng.
Mặt khác, sự hiện diện của Ấn Độ là một yếu tố đáng chú ý khác của chủ nghĩa khu vực ở châu Á trong những năm gần đây. Về mặt chiến lược và kinh tế, lợi ích của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với các nước Đông Á đã đem đến một khái niệm mới trong khu vực, đó là Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ấn Độ đã bắt đầu tham gia một số khuôn khổ quan trọng ở khu vực Đông Á, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Riêng đối với các nước ASEAN, kể từ năm 1991, Ấn Độ đã tích cực theo đuổi mối quan hệ thương mại và chiến lược với các nước này và coi đây là một phần trong chính sách “hướng Đông” của mình. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Mục tiêu Ấn Độ thúc đẩy quan hệ với ASEAN là xây dựng quan hệ lịch sử và văn hóa, mở rộng thị trường, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và nâng cao vị thế của Ấn Độ như là một cường quốc khu vực. Ngược lại, đối với ASEAN, Ấn Độ không chỉ là một thị trường nội địa lớn với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, mà còn có lực lượng lao động dồi dào.
Hiện giờ, có thể nói rằng cấu trúc đa tầng ở châu Á sẽ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Bên cạnh sự cạnh tranh quyền chi phối giữa Mỹ và Trung Quốc, vai trò của Nhật Bản, Australia, các nước ASEAN và Ấn Độ trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác khu vực sẽ góp phần thay đổi bức tranh mới của cấu trúc khu vực.
ML tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)