Do khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các nhà đầu tư đã đổ dồn đi mua trái phiếu chính phủ của Đức.
Kinh tế Trung Quốc khiến thế giới hoang mang
- Cập nhật : 17/04/2016
(Kinh te)
Quá trình chuyển đổi tỷ trọng kinh tế của Trung Quốc mang theo nhiều hiểm hoạ tiềm tàng không chỉ với chính quốc gia này mà còn với cả phần còn lại của thế giới.
Số liệu mới nhất của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng trong quý I/2016 của nước này chỉ đạt 6,7%. Suy thoái vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, con số này không cung cấp bất cứ câu trả lời dứt khoát nào về việc quốc gia này đang tác động đến phần còn lại của thế giới ra sao.
Theo BBC, vấn đề nằm ở việc quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ quản lý quá trình thay đổi tỷ trọng kinh tế, từ công nghiệp sang dịch vụ, như thế nào. Quá trình này khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm mạnh, chưa đến 10% mỗi năm - một con số được xem là không bền vững đối với quốc gia này.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu trong 5 năm tới là 6,5% như giới chức nước này xác định, con số này vẫn khá ấn tượng so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đầu tư
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ đầu tư so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 43%. Rất ít quốc gia có thể đạt đến con số này.
Tuy nhiên, nó là một vấn đề. Tỷ lệ đầu tư cao thường đi liền với các dự án cụ thể mà không khả thi, đặc biệt trong một nền kinh tế đang chững bước. Tình trạng này gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp có liên quan, những nhà đầu tư, bên cho vay và bên cung cấp tài chính.
Dù tỷ lệ đầu tư so với GDP ở Trung Quốc bắt đầu giảm, quá trình đó và sự suy thoái lan rộng đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới.
Nhiều báo cáo của IMF công bố trong tuần này về triển vọng kinh tếnói chung, sự ổn định tài chính và tài chính của các chính phủ trên thế giới nói riêng, tất cả đều nhắc đến tác động của suy thoái kinh tế Trung Quốc.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF vẽ lên một bức tranh đầy thất vọng sau cuộc khủng hoảng tài chính phương Tây, một nền kinh thế giới thất bại trong việc thu thập động lực nhằm tạo ra cú huých phục hồi mạnh mẽ. Và Trung Quốc là một phần của câu chuyện.
Nguy cơ
Quá trình chuyển đổi của Trung Quốc vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng cho phần còn lại của thế giới.
Tuy quốc gia này không hẳn là yếu tố duy nhất đằng sau câu chuyện, nhưng báo cáo chỉ ra rằng "mối quan ngại về tác động toàn cầu của việc loại bỏ tình trạng dư thừa trong nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nước này chuyển sang con đường tăng trưởng bền vững hơn sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh về tín dụng và đầu tư".
Báo cáo về Ổn định Tài chính Toàn cầu của IMF cũng xác định Trung Quốc là một nguy cơ. Suy thoái làm suy yếu sức khoẻ tài chính của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, làm tăng các vấn đề, khiến các ngân hàng phải đối mặt với những khoản cho vay không hiệu quả - tiền vay không được hoàn lại.
IMF cho rằng tình hình hiện nay là có thể quản lý. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên xấu đi, nó có thể ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là thị trường năng lượng.
Nguy hiểm nhất là tác động của Trung Quốc đến sản xuất hàng hoá. Làn sóng đầu tư trong quá khứ của Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu về năng lượng và kim loại công nghiệp tăng cao.
Hiện tại, nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới về các mặt hàng này giảm khiến giá thành của chúng lao dốc. Riêng với dầu, giá loại nguyên liệu này giảm còn do nguồn cung dồi dào.
Tình trạng giảm giá các mặt hàng tạo ra mối nguy mới cho sự ổn định tài chính tại các nước xuất khẩu và tác động mạnh tới tài chính chính phủ của các quốc gia này.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Phần lớn tác động mang tính quốc tế của Trung Quốc nằm ở nhu cầu của nước này đối với hàng hoá có nguồn gốc nước ngoài.Ảnh: Getty
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế mà giới chức Trung Quốc đặt ra ở mức thấp nhất là 6,5%. Điều đó khiến Captial Economics, một văn phòng tư vấn tại thành phố London (Anh), đặt câu hỏi trong một lưu ý với các khách hàng: "Có phải Trung Quốc đang cố gắng làm những điều không thể?".
Văn phòng này nhận định, rất ít quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng ấy và kết luận: Nếu Trung Quốc cố gắng đạt mục tiêu mà không nền kinh tế có quy mô tương đương nào có thể đạt tới, chúng ta có lý do để hoài nghi về khả năng thành công của họ.
Trong thực tế, các chuyên gia coi con số chính thức của Trung Quốc là không đáng tin cậy. Nhiều nhà kinh tế cho hay, tốc độ tăng trưởng thực sự của quốc gia này thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ kéo thế giới vào một cuộc suy thoái mới. Nhưng nó khiến các nhà đầu tư cảnh giác với hiệu quả kinh tế của nước này.
Phần lớn tác động mang tính quốc tế của Trung Quốc nằm ở nhu cầu của nước này đối với hàng hoá có nguồn gốc nước ngoài. Tuy nhiên, quanh đó còn nhiều vấn đề quan trọng khác.
Martin Wolf tại Financial Times nhắc về tiềm năng khủng hoảng tại các quốc gia khi họ mở cửa hệ thống tài chính. "Thế giới có thể thất bại với việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đến từ Trung Quốc", ông nói.
Vì vậy, điều mà phần còn lại của thế giới chú ý nhất ở hiện tại là việc Trung Quốc sẽ giữ thăng thằng trên "sợi dây" chuyển đổi kinh tế ra sao.