Theo các nhà phân tích, những hành động “ăn miếng, trả miếng” của hai “đầu tàu” kinh tế thế giới Mỹ-Trung tác động đáng kể đến những nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào ngoại thương với hai nước này.
Trung Quốc “thổi phồng” tăng trưởng
- Cập nhật : 26/08/2015
(Tin kinh te)
Nếu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực sự tăng 7% trong quý I và II/2015 thì chắc chắn Bắc Kinh đã không thực hiện hàng loạt biện pháp để kích thích xuất khẩu, hỗ trợ thị trường chứng khoán…
Sau “ngày thứ hai đen tối”, tình cảnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc hôm 25-8 không khá hơn khi các chỉ số chứng khoán chính tiếp tục rớt thê thảm.
Hoảng loạn bao trùm
Chỉ số Shanghai Composite giảm tiếp 7,6% sau khi sụt 15% trong 3 ngày giao dịch trước đó, tính luôn cả mức 8% hôm 24-8. Đáng nói là Shanghai Composite giảm xuống dưới cột mốc 3.000 điểm (2.964,97) khi thị trường đóng cửa, mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Cùng chiều đi xuống, chỉ số Shenzhen Composite giảm 7,04% (còn 10.197,94 điểm), chỉ số CSI300 mất 7,1% (còn 3.042,93 điểm).
Trong số các TTCK châu Á, chỉ có chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm gần 4%, còn lại đều hồi phục vừa phải, như Hang Sheng (Hồng Kông) tăng 0,72%, KOSPI Composite (Hàn Quốc) tăng 0,92%, SET (Thái Lan) tăng 0,56%. TTCK ở các nước châu Âu, như Anh, Pháp, Đức cũng đồng loạt tăng điểm hôm 25-8 sau ngày đầu tuần “bầm dập”. Cùng ngày, TTCK Mỹ cũng phục hồi sau khi mở cửa lại.
Nhà đầu tư hoang mang khi chứng kiến thị trường chứng khoán Trung Quốcsụt giảm trong 4 ngày giao dịch liên tiếp Ảnh: REUTERS
“Không có gì quá khi gọi đây là một thảm họa thị trường. Tâm trạng hoảng loạn đang bao trùm thị trường (ở Trung Quốc). Tôi không thấy dấu hiệu của một sự can thiệp có ý nghĩa từ chính phủ” - ông Zhou Lin, nhà phân tích tại Công ty Huatai Securities (Trung Quốc), nhận định.
Suy nghĩ này phổ biến trong giới phân tích và đầu tư, nhất là khi một bài bình luận đăng trên báo Economic Information Daily cho rằng Trung Quốc nên thu nhỏ quy mô chương trình hỗ trợ TTCK ngay cả khi giá cổ phiếu không ngừng rớt. Tờ báo nhà nước này tiếp tục trấn an nhà đầu tư khi cho rằng kinh tế Trung Quốc không tệ như họ nghĩ, đồng thời khẳng định những thảm họa như khủng hoảng tài chính châu Á sẽ không tái diễn.
“Chính phủ không ra tay cứu thị trường lần nữa bởi tình trạng bán tống bán tháo diễn ra trên toàn cầu. Vì thế, những biện pháp can thiệp lần này sẽ không hiệu quả” - ông Wei Wei, nhà phân tích tại Công ty Huaxi Securities Co. ở TP Thượng Hải, dự báo với hãng tin Bloomberg.
Những biện pháp chưa từng có của Bắc Kinh cho đến giờ vẫn không chặn được đà tụt dốc không phanh của TTCK kể từ tháng 6. Trong nỗ lực đối phó tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế đang suy yếu và TTCK hỗn loạn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 25-8 cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ 5 kể từ tháng 11-2014, hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, đồng thời bơm thêm 150 tỉ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính. Vào tuần rồi, PBOC cũng bơm 150 tỉ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính - con số lớn nhất kể từ giữa tháng 2.
Tăng trưởng GDP thực hay ảo?
Theo một số nhà phân tích và kinh tế, sự hỗn loạn của TTCK Trung Quốc không phản ánh đúng thực trạng rộng lớn hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. “Sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán không nói lên điều gì về hiện trạng kinh tế Trung Quốc. Sự hoảng loạn về Trung Quốc đã bị thổi phồng. Những dữ liệu gần đây thật ra tích cực hơn nhiều so với giới truyền thông đăng tải. Phần lớn lĩnh vực của nền kinh tế vẫn khỏe mạnh. Các nhà hoạch định chính sách còn có thể nới lỏng chính sách, nếu cần” - ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Công ty Tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh), nhận định.
Tuy nhiên, bản thân các số liệu thống kê kinh tế của Trung Quốc có thật sự chính xác hay không đang là điều gây tranh cãi. Theo đài CNN, nhiều chuyên gia lâu nay nghi ngờ về các con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng mà Trung Quốc công bố. “Câu hỏi không phải là họ có công bố số liệu chính xác hay không mà là số liệu của họ sai đến mức nào” - đài CNN dẫn lời ông Derek Scissors, chuyên gia về châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nhấn mạnh.
Theo ông Scissors, nếu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực sự tăng 7% trong quý I và II/2015 thì chắc chắn Bắc Kinh không phải thực hiện hàng loạt biện pháp như phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu, hỗ trợ TTCK bằng việc mua cổ phiếu, tăng chi tiêu công và giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy kinh tế.
Ngay cả ông Gordon Chang, một học giả Trung Quốc nổi tiếng, cũng tỏ ra hoài nghi. Ông cho biết “một cá nhân rất thân cận với những nhân vật có ảnh hưởng ở Bắc Kinh” tiết lộ kinh tế Trung Quốc chỉ đang tăng trưởng với tốc độ 2,2%, kém xa con số được công bố. “Kể cả khi rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất thì Trung Quốc cũng công bố mức tăng trưởng 7%” - chuyên gia này châm biếm.
Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 24-8 thúc giục Trung Quốc minh bạch hơn về nền kinh tế để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư sau khi chứng kiến TTCK khắp thế giới bị nhấn chìm trong “biển đỏ”. Theo báo The Washington Times, cuộc tranh luận đang nóng lên ở Washington về việc liệu Bắc Kinh có phải đang trả giá cho chuyện phóng đại tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình lâu nay hay không.
Một vấn đề gây chia rẽ khác là tác động đối với nền kinh tế toàn cầu thời gian tới. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hôm 24-8 nhận định kinh tế toàn cầu không đối diện nguy cơ suy thoái bất chấp những nỗi lo về kinh tế Trung Quốc và sự sụt giảm của giá hàng hóa.
Trái lại, một số nhà phân tích cảnh báo tình trạng hỗn loạn tiếp diễn của TTCK Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là tại những nền kinh tế đang nổi. Theo đài BBC, sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô cũng như hàng hóa từ những nước khác. Vì thế, khi kinh tế nước này đi chậm lại, hoạt động xuất khẩu của những nước đối tác chắc chắn bị kìm hãm.
Giá USD tự do trong nước tăng nóng
Ngày 25-8, giá USD trên thị trường tự do của Việt Nam tiếp tục tăng cao khi cán mốc 22.900 đồng/USD, trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn “đụng trần”. Tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM, giá USD mua vào ở mức 22.750 đồng/USD, bán ra 22.900 đồng/USD, tăng thêm 50 đồng/USD so với hôm trước.
Tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD vẫn giữ mức trần 22.547 đồng/USD ngày thứ hai liên tiếp, đồng thời giá thu vào cũng không ngừng tăng cao. Cụ thể, Vietcombank báo giá mua vào ở mức 22.500 đồng/USD, còn tại Eximbank là 22.540 đồng/USD. Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), giá USD chiều mua vào dao động trong khoảng 22.450-22.470 đồng/USD.
Trong khi USD nóng “phỏng tay” thì giá vàng trong nước có xu hướng hạ nhiệt. Cuối ngày giao dịch, giá vàng miếng SJC tại TP HCM bán ra chỉ còn 35,2 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng so với hôm trước và mua vào còn khoảng 34,65 triệu đồng/lượng. Ở một số nơi, giá vàng SJC thậm chí giảm thấp hơn, xuống khoảng 35,04-35,05 triệu đồng/lượng (chiều bán). Do giá vàng quốc tế giảm khá mạnh về mức 1.149 USD/ounce nên chênh lệch với giá vàng trong nước lại giãn rộng gần 4 triệu đồng/lượng.
Cùng với chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán trong nước ngày 25-8 phục hồi nhẹ sau 3 ngày giảm điểm kỷ lục. Lực bán giảm, lực cầu tăng giúp VN-Index nhích nhẹ 3,05 điểm lên 529,98 điểm; HNX-Index cũng bật tăng 0,93 điểm lên mức 74,02 điểm. Khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn đạt hơn 231 triệu cổ phiếu, trị giá trên 3.293 tỉ đồng.