Tại khu chợ ở Quảng Châu, chị bán gà tên Zhang Xiaojun kể mấy năm trước ngày nào chị cũng bán 30-40 con, bây giờ ngày nào đắt hàng mới được 10 con, và chị không đủ sống.
Trung Quốc: Vỡ mộng nền kinh tế "3 rẻ"
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tin kinh te)
Mô hình kinh tế “3 rẻ” (chi phí lao động rẻ, vốn rẻ, giá xuất khẩu rẻ) đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, song dường như với bối cảnh mới đã không còn hợp thời.
“Sức khỏe” nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận quốc tế với hàng loạt biến động lớn. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi riêng với TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES) về những vấn đề liên quan đến cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này.
Hiện tại, những diễn biến về kinh tế Trung Quốc đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới quan sát. Là người nhiều năm nghiên cứu về thị trường này, ông có thể cho biết những vấn đề lớn nhất mà kinh tế Trung Quốc gặp phải thời điểm hiện tại là gì?
Ở thời điểm này, tôi cho rằng vấn đề lớn nhất mà kinh tế đang phải đối diện là cấu trúc kinh tế đã đến điểm ngưỡng. Những vấn đề phát sinh hàng ngày của kinh tế Trung Quốc nhìn rộng ra chỉ là biểu hiện của một cấu trúc đã đến hồi phải cải cách mạnh mẽ.
Thứ nhất, nguồn lợi dân số suy giảm. Kinh tế Trung Quốc bùng nổ nhờ một nhân tố quan trọng là lực lượng lao động dồi dào. Nền kinh tế “3 rẻ” (chi phí lao động rẻ, vốn rẻ, giá xuất khẩu rẻ) đã dựa vào lực lượng lao động này để trở thành công xưởng của thế giới, nhưng với việc giá nhân công tăng bình quân 10%/năm (trong khi đó tăng trưởng sản xuất công nghiệp chỉ tăng chưa đầy 7% và lợi nhuận chưa đầy 4%). Rõ ràng Trung Quốc đang dần mất đi tính cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải nhanh chóng nâng cấp cơ cấu ngành, trình độ công nghệ và chuyển sang tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng đây không phải là quá trình có thể thực hiện chóng vánh.
Thứ hai, tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư. Chính sách dân số một con duy trì từ thập niên 1980s giúp Trung Quốc có một tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới. Cho đến giờ, tỉ lệ tiết kiệm của Trung Quốc vẫn tương đương khoảng 50% GDP. Trong khi đó, tỉ lệ này của các nền kinh tế Nhật Bản, Mỹ, hay Đức chỉ quanh ngưỡng 15 – 20%. Điều này giúp Trung Quốc duy trì tỷ lệ đầu tư xấp xỉ 45% GDP. Nhưng càng đầu tư lớn, thì hiệu quả càng giảm sút, ICOR của Trung Quốc hiện nay đã ở ngưỡng 4-5. Nhưng đầu tư chỉ là một phần của tình trạng tổng cầu suy giảm của Trung Quốc.
Như vậy, khi lợi thế cạnh tranh suy giảm và tăng trưởng quá phụ thuộc vào đầu tư, trong ngắn và trung hạn, kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối diện với hàn loạt hệ lụy như sự rút lui của các luồng vốn nước ngoài, sản xuất công nghiệp suy giảm, sản lượng dư thừa lớn, sự suy yếu của thị trường tài sản và rủi ro đối với thị trường vốn.
Thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Trung Quốc
Cá nhân ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Trung Quốc cuối năm nay?
Đối với cá nhân tôi, kinh tế Trung Quốc đang đối diện với thời điểm khó khăn nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo của quốc gia này. Điều này bắt nguồn từ hai nhận định: tình hình sản xuất thực và hệ thống tài chính – tiền tệ của Trung Quốc.
Đối với một quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc, sản xuất công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trên thực tế đã kéo dài đà giảm từ năm 2010, nhưng thị trường bất động sản đóng băng, xuất khẩu sụt giảm, đồng Nhân dân tệ tăng giá, chính sách cắt giảm sản lượng đối với các ngành dư thừa công suất của chính phủ và chi phí lao động gia tăng khiến sản xuất công nghiệp Trung Quốc nửa đầu năm 2015 ở vào tình trạng báo động. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp – theo số liệu Trung Quốc – chỉ ở mức 6,8% (so với 9,2% của nửa đầu năm ngoái), nhưng trên thực tế, tăng trưởng danh nghĩa có thể chỉ ở mức 1,2%. Trong bối cảnh đó, lợi nhuận toàn ngành công nghiệp nửa đầu 2015 đều mang giá trị âm – điều chưa từng xảy ra trước đây. Các doanh nghiệp nhà nước thậm chí còn lỗ hơn 21% nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, số liệu tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chỉ xấp xỉ 10%, còn đầu tư cơ bản tăng chưa đầy 1%. Đối với quốc gia mà đến 50% tăng trưởng do đóng góp của đầu tư như Trung Quốc, sự sụt giảm này là bất thường và chứa đựng nhiều hàm ý.
Đối với hệ thống tài chính – tiền tệ Trung Quốc, mặc dù đã trải qua 4 lần cắt giảm lãi suất và 1 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ tháng 11/2014, nhưng do vừa kiểm soát cả biến lãi suất và biến cung tiền, nên trên thực tế Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không nới lỏng tiền tệ như chúng ta vẫn nghĩ. Bằng chứng là tăng trưởng cung M2 nửa đầu năm chỉ đạt 11,8% - thấp hơn chỉ tiêu 12% do chính phủ đề ra. Câu hỏi đặt ra là: vì sao trên thực tế, PBoC không nới lỏng tiền tệ. Câu trả lời của chúng tôi là có thể sự suy giảm của sản xuất công nghiệp khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn để sản xuất – phản ánh nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Bên cạnh đó, việc nới lỏng cũng có thể làm dấy lên những lo ngại sẽ làm gia tăng bong bóng trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
23.000 tỷ USD nợ đọng
Liệu có những rủi ro tiềm ẩn nào hay không, thưa ông?
Có 3 rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc nửa cuối 2015. Đó là giảm phát, nợ xấu và sự lo lắng các cải cách có thể bị trì hoãn. Trung Quốc hiện có tỷ lệ đòn bẩy tài chính 282% GDP – tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2009 – 2014. Trong đó, tỷ lệ nợ đọng của Trung Quốc vào khoảng 230% GDP – tức khoảng 23.000 tỷ USD. Vừa qua, PBoC đã cập nhật tình hình nợ xấu, theo đó tỷ lệ này đã tăng từ 1% lên 1,5%. Giải quyết nợ xấu, nợ đọng là bài toán khó cho kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Việc kinh tế Trung Quốc được cho là đã thất bại trong dịch chuyển từ tăng trưởng do đầu tư sang tăng trưởng do tiêu dùng đã khiến thị trường chứng khoán châu Á cũng như toàn cầu những phiên gần đây bị tác động mạnh. Theo ông, vì sao điều này lại quan trọng đối với tâm lý nhà đầu tư như vậy?
Sự suy giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu, tôi cho rằng, liên quan nhiều đến hoạt động bán kĩ thuật của các quỹ đầu tư chứ không chỉ đơn thuần là do tình hình kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Nhật Bản như hiện nay, Trung Quốc vẫn được xem là thị trường hấp dẫn với triển vọng lành mạnh. Và như vậy, khuynh hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc trong dài hạn có một ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Tôi cho rằng các nhà đầu tư đang dõi theo từng chính sách cải cách kinh tế của Trung Quốc, vì nó sẽ giúp chúng ta biết được kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển với tầm nhìn và khuynh hướng nào trong kỷ nguyên của ông Tập Cận Bình.