Ngày 7/9, tờ Lenta dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft, Igor Sechin cho biết, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đề nghị Nga tham gia vào nhóm, song nước này đã quyết định không tham gia mà chỉ là quan sát viên.
Căng thẳng đe dọa kinh tế Malaysia
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Kể từ khi Ủy ban chống tham nhũng của Malaysia tuyên bố Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia Najib Razak đã nhận 2,6 tỷ ringgit (tương đương 634 triệu USD) từ các nhà tài trợ, đồng ringgit đã giảm 6%, trong khi chỉ số cơ bản của TTCK Malaysia đã mất 8%.
Năm 2009, Thủ tướng Najib tiếp quản quỹ đầu tư 1Malaysia Development Bhd (1MDB), trực thuộc Nhà nước, được thành lập bởi Tập đoàn dầu khí quốc gia Terengganu.
Trái phiếu của 1MDB có kỳ hạn 10 năm và được niêm yết bằng USD đem đến mức lợi suất 4,4% - cao hơn 100 điểm cơ bản so với các trái phiếu cùng loại. Hấp dẫn như vậy, 1MDB lẽ ra có thể dễ dàng bán số trái phiếu này cho các nhà đầu tư định chế thông qua một vụ IPO tầm cỡ toàn cầu.
Nhưng hóa ra là quỹ này không có vòng quay vốn liên tục và hiện không thể thanh toán các khoản nợ. Sau đó, theo điều tra của tờ nhật báo Wall Street Journal, một phần của số tiền này đã được chuyển từ 1MDB sang các tài khoản cá nhân của ông Najib.
Sau này, những thương vụ bán trái phiếu ấy đã trở thành một phần của vụ bê bối “nhấn chìm” 1MDB, mà giờ đang ngập trong khối nợ giá trị 11 tỷ USD, khiến các nhà đầu tư ngơ ngác. Không những vậy, hệ lụy của scandal này cũng khiến chiếc ghế Thủ tướng cũng lung lay.
Kể từ đầu năm 2015, một số bài báo viết về tiêu cực của 1MDB đã công bố số tiền gần 700 triệu USD được chuyển từ 1MDB, vòng qua các tổ chức chính phủ, ngân hàng và các công ty có liên quan tới Quỹ này, để đến tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib trong tháng 3/2013.
Số tiền này chia thành 2 lần chuyển khoản với trị giá 620 triệu USD và 61 triệu USD. Thời điểm chuyển khoản là 2 tháng trước cuộc tổng tuyển cử. Đây là thời điểm gây tranh cãi vì 1MDB có thể được thành lập để tạo ra với một trong những mục tiêu chính là tài trợ cho các chiến dịch tranh cử.
Tháng 3/2015, ông Najib thừa nhận có khoảng 1,1 tỷ USD của 1MDB được chuyển từ quần đảo Cayman vào một tài khoản của Ngân hàng BSI của Thụy Sĩ, chi nhánh tại Singapore. Lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) cũng đã đóng băng hai tài khoản ngân hàng bị tình nghi có dính líu tới nghi án 1MDB.
Hồi tháng 7/2015, Kuala Lumpur chính thức mở cuộc điều tra 1MDB sau khi báo Wall Street Journal đăng tải các tài liệu cho thấy khoản tiền này được chuyển vào các tài khoản riêng của Thủ tướng Najib. Trước đó, giới chức Malaysia cũng điều tra các hoạt động của 1MDB.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Văn phòng tổng công tố Thụy Sĩ (OAG) cho biết số tài sản bị phong tỏa lên đến hàng chục triệu USD, được gửi bằng nhiều tài khoản khác nhau trong ngân hàng Thụy Sĩ. Bước đầu, OAG đang phân tích và củng cố chứng cứ. “Thụy Sĩ đang phối hợp với các nước khác, đặc biệt là Malaysia, để có thể đưa ra những sự thật” - OAG khẳng định.
Những người ủng hộ ông Najib khẳng định rằng, việc thành lập quỹ phát triển là chân chính, mặc dù vấp phải những sai lầm trong việc nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế thông qua các nguồn phát triển sáng tạo. Nhưng không có lời giải thích nào là đáng tin, cho dù đó là số tiền tài trợ hợp pháp từ phía Ả Rập, hay là hối lộ dưới hình thức tài trợ thì điều này cũng đã làm giảm uy tín của đất nước, cũng như của chính ông Najib.
Các bộ trưởng nội các Malaysia tuyên bố số tiền này là “tiền quyên góp chính trị” từ các nhà tài trợ Trung Đông và không có gì là sai trái hay phạm luật. Một thành viên trong nội các tuyên bố đó là “món quà” tưởng thưởng cho những nỗ lực chống khủng bố của Chính phủ Malaysia. Nhưng lời giải thích mù mờ này càng làm dư luận nổi giận.
Cảnh sát Malaysia cho rằng có âm mưu gây bất ổn chính trị. Thay vì điều tra hư thực thủ tướng có bê bối hay không, thì cảnh sát thông báo đã thành lập đơn vị truy tìm nguồn cội ai đã “tiết lộ bí mật quốc gia cho truyền thông quốc tế”.
Trong khi đó, Cơ quan chống tham nhũng của Malaysia ra một thông cáo xác nhận số tiền nói trên đã được chuyển vào tài khoản của Thủ tướng nhưng nó không liên quan gì với Công ty 1MDB. Thông cáo khẳng định số tiền bắt nguồn từ các khoản đóng góp tài trợ. Cơ quan chống tham nhũng không nói rõ danh tính của các nhà tài trợ nhưng cho biết sẽ tiếp tục điều tra thêm.
Trong một động thái liên quan đến vụ tai tiếng tham nhũng nói trên, Thủ tướng Najib đã cách chức Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin và một số quan chức chính phủ khác vì những người này đòi phải làm sáng tỏ các vụ bê bối xung quanh Công ty 1MDB. Chưởng lý Abdul Gani Patail, người tham gia điều tra các nghi vấn tham nhũng tại công ty này cũng bị thay thế.
Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ cho dư luận, hàng chục ngàn người dân Malaysia hôm 29/8, đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Kuala Lumpur biểu tình đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức sau những cáo buộc tham nhũng.
Cùng những bất bình về một chính phủ đầy rẫy bê bối tham nhũng, người dân Malaysia còn lo ngại về một tình hình kinh tế sẽ bất ổn và đòi chính phủ phải có những biện pháp cải cách mạnh mẽ. Không khí căng thẳng tại Malaysia gia tăng liên tục trong những ngày qua.
Hiếu Trần tổng hợp
Thời báo Ngân hàng