Dù tình hình trong nước khá bất ổn nhưng Thái Lan vẫn là điểm đến ưa thích của khách du lịch.
Khủng hoảng gọi tên các nền kinh tế mới nổi?
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tin kinh te)
Có phải các nền kinh tế mới nổi đang bị một cuộc khủng hoảng “nhấn chìm”? Câu hỏi khi nào nên áp dụng cụm từ khủng hoảng cho nhóm các nền kinh tế mới nổi đang xuất hiện trong tâm trí của nhiều chuyên gia phân tích.
Cụm từ “khủng hoảng” sẽ gây bất an cho các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và nhóm hoạch định chính sách. Tuy nhiên, từ này đã bắt đầu nổ lên. Dominic Rossi, CIO của quỹ đầu tư Fidelity đang nắm trong tay 290 tỷ USD, đã dùng cụm từ này để nói về các thị trường mới nổi khi trao đổi với Financial Times. Cũng tuần trước, Viện nghiên cứu tài chính quốc tế (IIF) phát hành một báo cáo nhận định đà lao dốc của chứng khoán và tiền tệ mới nổi đã lên đến “ngưỡng khủng hoảng”.
Ngược lại, một số chuyên gia phân tích không đồng tình với nhận định này. Theo họ, điểm khác biệt lớn giữa những khó khăn mà các thị trường mới nổi đang gặp phải và khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối những năm 1990 (cũng là cuộc khủng hoảng mới nhất xuất phát từ các nước đang phát triển) là tốc độ. Sự xáo trộn hiện nay đã tích tụ từ nhiều tháng, trong khi khủng hoảng châu Á là một cú sốc đột ngột.
David Lubin, trưởng phòng nghiên cứu về các thị trường mới nổi tại Citi, ví von nếu nhìn trên góc độ y học, bệnh của các nền kinh tế mới nổi là kinh niên chứ không phải cấp tính. Trong các thị trường này tồn tại những vấn đề lâu năm xuất phát từ 2 cú sốc. Cú sốc thứ nhất là thời kỳ tăng trưởng như vũ bão có được nhờ đầu tư đã chấm dứt và thứ hai là sự sụp đổ của tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Cú sốc kép định hình đặc điểm mấu chốt cho nhóm mới nổi. Tình trạng không mấy sáng sủa hiện nay xuất phát từ cấu trúc của nền kinh tế chứ không phải từ những căng thẳng trên thị trường tài chính.
Sau khủng hoảng 2008 – 09, sự bùng nổ của các nền kinh tế mới nổi đã giúp kéo thế giới quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Giờ đây, xu hướng bị đảo ngược. Trong nửa đầu năm 2015, các thị trường mới nổi là nhân tố kéo lùi tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Mức tăng trưởng của nhóm mới nổi được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,6% trong năm nay, thấp nhất kể từ 2001. Tuy nhiên, nếu phải chịu một cú sốc, tác động lên các nước dựa vào xuất khẩu sẽ đặc biệt nghiêm trọng, với tăng trưởng GDP giảm xuống mức gần 0.
“Đây không phải là một bản sao của khủng hoảng tài chính châu Á, đây là cuộc khủng hoảng về tăng trưởng”, Neil Shearing – chuyên gia kinh tế trưởng thị trường mới nổi tại Capital Economics – nhận định. Một phần của cuộc khủng hoảng xuất phát từ lực cầu suy yếu: dòng chảy vốn đảo chiều, giá hàng hóa sụt giảm và tín dụng tăng trưởng chậm lại. Một phần khác đến từ các vấn đề mang tính cấu trúc của nguồn cung, như Trung Quốc phân bổ nguồn lực sai chỗ, hoạt động đầu tư yếu ớt ở Brazil và Nga, cùng với các quy định thái quá ở Ấn Độ và Mexico.
Triển vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất lần đầu tiên kể 2006 cũng đang tạo thêm những đám mây đen bao phủ tương lai u ám của các nền kinh tế mới nổi. Hung Tran, chuyên gia của IIF, cho rằng “những cơn gió ngược” của ngày hôm nay còn mạnh mẽ hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính châu Á.