Suy thoái kinh tế Trung Quốc đang làm trầm trọng hơn tình trạng căng thẳng của các đối tác thương mại ở châu Phi và Nam Mỹ.
Trung Quốc đang kéo khu vực tụt dốc
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tin kinh te)
Hàng loạt các “khủng hoảng” từ chứng khoán, giá dầu… của thế giới trong những ngày qua được cho là có ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế Trung Quốc. Ở thời điểm này người ta bắt đầu tỏ ra nghi ngại và đặt câu hỏi: Liệu kinh tế thế giới có “sa lầy” vào một cuộc khủng hoảng mới mà khởi nguồn của nó bắt đầu từ Trung Quốc?
Triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển lớn cũng trái chiều khi điều kiện tài chính toàn cầu được dự đoán sẽ thắt chặt hơn
Trong khi sự hoảng loạn có vẻ khá rõ nét của giới đầu tư, bằng chứng là khi tình hình kinh tế Trung Quốc tụt dốc, nhất là thị trường chứng khoán của nước này đã có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các nhà đầu tư trên toàn cầu, thì dường như giới phân tích lại tỏ ra bản lĩnh và bình tĩnh hơn khi nhận định, tuy sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế thế giới, song nếu để nói sẽ có một cuộc khủng hoảng mới bắt nguồn từ Trung Quốc thì có lẽ sẽ rất khó có thể xảy ra.
Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng
Tuy khó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tầm cỡ toàn cầu, nhưng ở những khu vực hay quốc gia có nhiều ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc về mặt hàng hóa thì chắc chắn sẽ tạo ra những sự chao đảo của thị trường. Theo tính toán của Oxford Economics, nếu NDT giảm 10% trong năm nay thì có thể khiến tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2016 sụt 1,16%, còn tăng trưởng của Indonesia giảm 0,32%.
Còn hãng tin Đức DW gần đây đã bình luận rằng, việc kinh tế Trung Quốc suy yếu không khỏi khiến người ta lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực lên các nền kinh tế khu vực ASEAN, bởi mối liên hệ chặt chẽ về thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các nước này khá lớn.
Ví dụ, kinh tế Malaysia gần đây đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực hồi năm 1997, chính nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc này đã vô cùng khó khăn khi kinh tế Trung Quốc lao dốc, giá hàng hóa giảm và tiêu dùng nội địa đi xuống. Ngay cả đồng Ringgit của Malaysia cũng sụt giảm nghiêm trọng mà nguyên nhân sâu xa được cho là do Malaysia quá phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu. Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc suy giảm đang kéo theo kinh tế Châu Á nói chung và Malaysia nói riêng theo đà đi xuống. Người ta vẫn nói “họa vô đơn chí”, bởi cùng lúc với những lý do trên thì việc giá dầu liên tục sụt giảm trong thời gian qua cũng được xem là một nguyên nhân khác khiến kinh tế nước này suy giảm bởi có đến 30% GDP của Malaysia là do dầu mỏ mang lại.
Không chỉ Malaysia, ngay cả người láng giềng của Malaysia là Indonesia cũng đang trong tình cảnh tương tự, vốn được xem là nền kinh tế hàng đầu trong khu vực ASEAN nhưng gần đây kinh tế Indonesia đang gặp khó khi phải đối diện với tình trạng tăng trưởng suy giảm, thất nghiệp tăng cao và thâm hụt ngân sách tăng mạnh. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2015 xuống mức 5,0% từ mức 5,5% trước đó…
Còn với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc. Bởi lẽ hàng hóa Việt Nam sẽ đắt hơn tại Trung Quốc nên sức cạnh tranh của hàng Việt tại nước này giảm nhưng những nhà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lại được lợi.
Khó tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu
Theo tính toán của Oxford Economic, nếu NDT giảm 10% trong năm nay thì có thể khiến tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2016 sụt 1,16%, còn tăng trưởng của Indonesia giảm 0,32%.
Ông Akber Naqvi, Giám đốc điều hành hãng quản lý tài sản Al Masah Capital (Dubai), nhận định hiện còn quá sớm để nói rằng kinh tế thế giới đang trượt vào một cuộc suy thoái, đồng thời khẳng định sự suy yếu gần đây của thị trường có thể chỉ là một “sự điều chỉnh cần thiết” khi các giá trị được định giá ở mức quá cao.
Nếu phân tích kỹ thì đúng là lời nhận định của ông Akber Naqvi rất có lý, bởi có nhiều yếu tố xảy ra trong cùng một tháng 8 vừa qua với nền kinh tế toàn cầu. Trước tiên phải nói là việc kinh tế Trung Quốc, một nền kinh tế thứ hai thế giới lao dốc chắc chắn ít nhiều đã có sự ảnh hưởng lớn tới hầu hết các khu vực. Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề về giá dầu, thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm, lo ngại FED nâng lãi suất… đã tạo ra một cú sốc lớn tới kinh tế thế giới, thậm chí người ta còn dùng từ “Tháng 8 ác mộng” để chỉ khoảng thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cả chứng khoán hay giá dầu chỉ sau một vài ngày sụt giảm thì ngay lập tức đã có sự hồi phục nhẹ. Điều này cho thấy sự bình tĩnh và bản lĩnh của các nhà đầu tư. Vì vậy, các chuyên gia bác bỏ khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 1997 hay 2008.
Theo các chuyên gia, đó giống như sự phản ứng của cơ thể khi có một virut xâm nhập, nhưng cơ thể đã tự điều chỉnh và ổn định. Nhưng vẫn phải chờ thêm thời gian nữa, vài tuần, thậm chí là vài tháng để theo dõi tình hình. Nhưng nhìn chung, nhân tố Trung Quốc khó có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trên toàn cầu.