Bất chấp mùi hôi hám cùng vùng đầm lầy hoang vu, những người tìm kiếm cơ hội đổi đời vẫn đổ xô tới Xiongan, khu vực được chọn để xây dựng đặc khu kinh tế mới của Bắc Kinh.
Khách Trung Quốc đến Nhật mua gì?
- Cập nhật : 25/08/2015
(Kinh doanh)
Đối với nhiều người Nhật, họ có cách riêng để biết ai là khách Trung Quốc...
Thời gian tới, số lượng khách Trung Quốc đến Nhật sẽ còn tiếp tục tăng lên nhờ việc nới lỏng các điều kiện cấp thị thực, chính sách miễn thuế 8% dành cho khách du lịch - Ảnh: Nego Sentro.
Reiko Fujita và Naoko Kumagai đang đi bộ trên những con phố sạch sẽ mang phong cách châu Âu của Hokkaido, thành phố ở cực Bắc của Nhật Bản. Bỗng nhiên, hai cô gái nhìn thấy một nữ du khách vứt một bịch rác ra đường, rồi đi thẳng.
Với sự sạch sẽ và chỉn chu thường thấy của người Nhật, điều này khiến hai cô choáng váng. Khi cố gắng đuổi theo để nhắc nhở, các cô chỉ nhận lại những câu tiếng Trung xì xồ và sự thờ ơ.
Nhận diện khách Trung
Còn đối với Aysumi, một nhân viên bán hàng cũng ở Hokkaido, nhiều khi cô có cảm giác mình không sống trên đất Nhật, mà đang ở... Trung Quốc.
Lý do là bởi có giai đoạn liền mấy ngày, Aysumi chỉ toàn nói tiếng Trung, và xung quanh cũng toàn thấy người Trung Quốc. Đối với các nhân viên bán hàng ở các cửa hiệu Hokkaido, tiếng Anh là bắt buộc, còn tiếng Trung cũng gần như bắt buộc.
Số lượng khách Trung Quốc đến Hokkaido tăng đột biến trong những năm gần đây. Họ lại là những khách hàng chi tiêu mạnh tay, phần đông trong số họ không nói được tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, vì vậy dù muốn hay không thì các nhân viên bán hàng vẫn phải cố gắng học tiếng Trung.
Những câu chuyện như trên không chỉ diễn ra ở Hokkaido mà còn trên khắp nước Nhật. Ở nhiều tỉnh thành tại Nhật như Tokyo, Kyoto, Osaka hay Okinawa hiện nay, đi đến đâu cũng có thể thấy đông chật du khách Trung Quốc.
Dù xét về ngoại hình có phần tương đối giống với người Hàn Quốc hay khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á, nhưng đối với nhiều người Nhật, họ vẫn có cách riêng để biết ai là khách Trung Quốc.
Họ đưa ra một số đặc điểm để nhận biết khách Trung Quốc như sau: đi thành đoàn đông, nói to, cười to, ăn mặc lòe loẹt, hay vứt rác bừa bãi, chen lấn xô đẩy, không thích tuân thủ quy định chung, chụp ảnh rất nhanh và chủ yếu tập trung vào mua sắm.
Ngoài ra, khách Trung Quốc còn hay hái hoa bẻ cành bừa bãi, đi vệ sinh không xả nước, nhổ nước bọt nơi công cộng.
Khách Trung Quốc cũng không quan tâm quá nhiều đến ẩm thực, họ ăn đơn giản, ăn nhiều, ăn nhanh và chỉ chú trọng đến mua hàng “Made in Japan”.
Số liệu từ Tổng cục du lịch Nhật Bản cho thấy trong năm 2014, số lượng khách Trung Quốc đến Nhật đạt 2,4 triệu người và ghi nhận mức tăng trưởng đến 83% so với năm trước đó.
Xét trên tổng số 13,4 triệu khách du lịch đến Nhật năm 2014, có thể thấy khách Trung Quốc chiếm xấp xỉ 20%.
Nổi tiếng xài sang
Những năm gần đây, Trung Quốc có đối đầu với một số vấn đề căng thẳng về chủ quyền trên biển với Philippines. Đại diện một công ty du lịch thuộc loại lớn nhất ở Philippines cho biết lượng khách du lịch Philippines đến Trung Quốc giảm đến 90% trong năm 2014.
Quan hệ chính trị Trung - Nhật cũng khá căng thẳng trong những năm vừa qua, tuy nhiên điều đó không làm nản lòng người Trung Quốc.
Bằng chứng là, số lượng khách Trung Quốc đến Nhật năm sau luôn cao hơn năm trước, bất chấp các tranh cãi liên quan đến khu vực biển Hoa Đông…
Hơn nửa năm 2015 đã trôi qua, Nhật tiếp tục công bố đã phải tuyển thêm nhân sự để giải quyết cho số lượng đơn xin visa du lịch Nhật của khách Trung Quốc tăng mạnh hơn so với cùng kỳ 2014, đồng thời bổ sung thêm số lượng nhân viên nói tiếng Trung cho các địa điểm du lịch nổi tiếng.
Đối với khách Trung Quốc, mối quan tâm lớn nhất của họ khi đến Nhật chính là mua sắm. Phải đối diện với những bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn, sữa bẩn tại quê hương, Nhật Bản với tiêu chuẩn sản xuất, thực phẩm khắt khe bậc nhất thế giới được họ xem là một lựa chọn lý tưởng.
Khách Trung Quốc nổi tiếng thế giới vì độ xài sang, chỉ riêng trong năm 2014, người Trung Quốc đã tiêu 164 tỷ USD ở nước ngoài, cao nhất toàn cầu.
Họ dĩ nhiên cũng tiêu xài rất mạnh tay trên đất Nhật. Trong năm 2014, khách Trung Quốc đến Nhật không chỉ tăng về số lượng mà mức chi tiêu trung bình trên mỗi khách cũng tăng chóng mặt.
Theo Tổng cục du lịch Nhật, mức chi tiêu của khách Trung Quốc tại Nhật năm 2014 tăng 10,3%, lên mức trung bình 2.000 USD/khách. Còn chỉ riêng dịp Tết Âm lịch năm 2014, khách Trung Quốc tiêu đến 1 tỷ USD trên đất Nhật.
Khách Trung Quốc đến Nhật không chỉ mua gom những mặt hàng sữa, thực phẩm chức năng, mà còn mua gần như theo kiểu vơ vét rất nhiều các mặt hàng khác. Họ mua hàng hiệu, mua trang sức đắt tiền. Họ mua cả những sản phẩm đồ gia dụng mà Trung Quốc hoàn toàn sản xuất được...
Chẳng hạn như mặt hàng bệ bồn cầu có chức năng rửa, xì khô, phát tiếng nhạc, Trung Quốc cũng sản xuất được, nhưng với nhiều người Trung Quốc, hàng Nhật đơn giản là có chất lượng tốt hơn.
Thậm chí, họ mua rất nhiều nồi cơm điện Nhật, bởi theo họ, nồi cơm Nhật nấu được cơm ngon hơn nồi Trung Quốc.
Còn tại các cửa hàng Uniqlo, hãng sản xuất quần áo giá rẻ ở Nhật, lúc nào cũng có hàng dài khách Trung Quốc chờ thanh toán với hàng chục sản phẩm trên tay.
Tính toán của các chuyên gia cho thấy, thời gian tới, số lượng khách Trung Quốc đến Nhật sẽ còn tiếp tục tăng lên, nhờ việc nới lỏng các điều kiện cấp thị thực, chính sách miễn thuế 8% dành cho khách du lịch.
Từ đầu năm 2013 đến hết năm 2014, đồng Yên hạ giá 30% so với đồng Nhân dân tệ, khách Trung Quốc vì thế cũng thích tiêu tiền ở Nhật hơn.
Chưa kể, thời gian gần đây, khách Trung Quốc đến Nhật không chỉ đơn thuần với mục đích du lịch, khi số lượng các tour du lịch kết hợp với tìm hiểu và mua bất động sản đang tăng nhanh tại nhiều vùng ở Nhật, đặc biệt ở khu vực nội đô Tokyo.
(Theo CafeF)